Cơ sở lý luận của việc xây dựng gia đình văn hóa

Một phần của tài liệu Xây dựng gia đình văn hoá ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay – thực trạng và giải pháp (Trang 26 - 30)

Hiện nay, xây dựng gia đình văn hóa nổi lên như một nhiệm vụ trung tâm, biểu hiện sự vận động đi lên tất yếu của gia đình Việt Nam trong giai đoạn đổi mới. Xét một cách tổng thể, chúng ta đã có một khuôn khổ tương đối đồng bộ và thuận lợi cho sự phát triển của gia đình và làm cơ sở lý luận cho chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Khẳng định phong trào xây dựng gia đình văn hoá theo hướng phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống, bồi dưỡng cho trẻ em đức hiếu thảo, trung nghĩa, lòng nhân ái, vị tha là sự hỗ trợ cho việc tiếp thu các tư tưởng tiên tiến hiện đại, quán triệt tinh thần dân chủ, bình đẳng trong quan hệ người và người. Do đó, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dạy thế hệ trẻ thành những con người chân chính, trở thành nguồn nhân lực có chất lượng, thành những nhân tài xuất sắc cho đất nước là một yếu tố quyết định tới sự thành công của Việt Nam trong thiên niên kỷ mới. Đây là điểm mấu chốt để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, giữ gìn đạo lý truyền thống của dân tộc.

Từ khi xuất hiện (1960) đến nay, phong trào xây dựng gia đình văn hoá luôn được Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đôn đốc, đưa ra những quan điểm đúng đắn, phù hợp với từng thời kỳ để góp phần vào phong trào chung của quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Năm 1967, nghị định số 3/CP ngày 13/7/1967 của Thủ tướng Chính phủ đề ra về việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, gia đình 5 tốt đi đôi với việc xây dựng nông thôn mới và thành thị mới để phát triển nếp sống văn minh. Tiếp đó, sau khi đất nước được thống nhất, Bộ Văn hoá kết hợp với Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam ra thông tư liên bộ số 35/TT ngày 12/5/1975 với ba nội dung: “Xây dựng gia đình hoà thuận, dân chủ, bình

đẳng, hạnh phúc, tiến bộ; hăng hái lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm; nghiêm chỉnh chấp hành chính sách của Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội VI của Đảng khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng cần đề ra phương hướng, chính sách và có biện pháp tổ chức thực hiện về xây dựng gia đình văn hóa mới, bảo đảm hạnh phúc gia đình”. [15, tr. 95]

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng khẳng định: “Xây dựng gia đình văn hóa mới có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay, góp phần phát triển lực lượng sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống, thực hiện kế hoạch hóa dân số, giữ gìn và phát huy những truyền thống đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình với mọi người. Kết hợp và phát huy vai trò của xã hội, đoàn thể, nhà trường, tập thể lao động và tập thể dân cư trong việc chăm lo bồi dưỡng tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách cao đẹp và nếp sống văn hóa”. [17, Tr.83]

Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Đại hội gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Đảng ta chỉ rõ: “Phổ biến kịp thời các tác phẩm tốt, đưa các nhân tố văn hóa tinh thần nhân văn thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cách ứng xử trong gia đình, trường học, xã hội đến các hoạt động sản xuất kinh doanh… Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. [18, Tr.112]

Đến Đại hội lần thứ IX của Đảng vấn đề gia đình tiếp tục được đề cập: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa làm cho gia đình thực sự là tổ ấm

của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. [20, tr.116 -117]

Tại Đại hội lần thứ X, Đảng ta đã khẳng định: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. [21, tr.103-104]

Đại hội lần thứ XI, Đảng đã xác định những giải pháp và phương hướng quan trọng: “Tiếp tục đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, đơn vị, doanh nghiệp… Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ…”. [22, tr.85]

Về phía Nhà nước đã ban hành Hiến pháp năm 1992, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật thi đua khen thưởng 2003, Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật bình đẳng giới, Luật dân sự, Pháp lệnh về dân số ngày 9/1/2003, Bộ luật hình sự 1999. Đây là quy định cơ bản có tính tuyên ngôn, là nền tảng pháp lý cơ bản nhất cho việc gìn giữ, kế thừa và xây dựng gia đình Việt Nam, điều chỉnh các quan hệ gia đình theo tiêu chí xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Có thể khái quát như sau:

Luật thi đua khen thưởng 2003 quy định: Danh hiệu thi đua đối với hộ gia đình (điều 20) là gia đình văn hóa, được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt các tiêu chuẩn:

1.Gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú.

2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.

3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Luật bình đẳng giới xác định vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, trách nhiệm của gia đình và quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình. Trong khi đó Luật Dân sự quy định: các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau phù hợp với truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Con cháu chưa thành niên được hưởng sự chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà; con cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Đồng thời, Pháp lệnh về Dân số khẳng định: công dân có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình; xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình.

Như vậy, nhiều tiền đề thuận lợi cho công cuộc xây dựng gia đình văn hoá xuất hiện trong công tác truyền thông, sách báo tuyên truyền và các công trình nghiên cứu khoa học về gia đình. Nhiều ban, ngành, đoàn thể đã liên kết với ngành văn hoá thông tin tổ chức các cuộc vận động xã hội lớn, tạo điều kiện cho sự phát triển vật chất văn hoá của gia đình như Chỉ thị 55/CT – TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc gia đình, trẻ em (2000), Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình số 47-NQ/TW ngày 23/3/2005, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,

đậm đà bản sắc dân tộc; chỉ thị 23-CT/TW ngày 29/11/1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về lãnh đạo công tác xóa đói giảm nghèo; chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Chỉ thị 49- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quy chế công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá (Ban hành kèm theo quyết định số 01/2002/QĐ-BVHTT ngày 02/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin). Tháng 10/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thông tư “Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, tổ dân phố văn hóa và tương đương”. Đặc biệt, quyết định số 629/QĐ-TTG ngày 29/5/2012 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là những hoạt động liên kết thực sự có chất lượng góp phần xây dựng gia đình văn hoá trong thời kỳ đổi mới.

Có thể khẳng định rằng từ khi có chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, gia đình được khẳng định như một đơn vị kinh tế độc lập, mức sống của gia đình nói chung được cải thiện và nâng cao, điều kiện tự đáp ứng nhu cầu văn hoá của mỗi gia đình cũng mở rộng, dân trí phát triển. Chưa bao giờ gia đình lại có sự phát triển về sức mạnh sáng tạo, tự chủ mạnh mẽ về kinh tế, về đời sống trí tuệ, tinh thần như vậy. Công tác xây dựng gia đình văn hoá nổi lên như một nhiệm vụ trung tâm, là biểu hiện sự vận động đi lên tất yếu của gia đình Việt Nam trong giai đoạn đổi mới.

Một phần của tài liệu Xây dựng gia đình văn hoá ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay – thực trạng và giải pháp (Trang 26 - 30)