I. Một số nhân tố chủ quan gây trở ngại trong việc hình thành tổ chức NC&TK trong doanh nghiệp
4. Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp
Theo phân loại doanh nghiệp dựa trên những ngành kinh tế chủ yếu, thì doanh nghiệp Việt Nam hiện được phát triển và tập trung trong các ngành công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, hoạt động vận tải và thông tin liên lạc. Cụ thể:
Ngành công nghiệp chiếm 23,45% số doanh nghiệp, 55,30% số lao động, 33,55% vốn sản xuất kinh doanh, 40,72% doanh thu và 59,90% nộp ngân sách.
Ngành thương nghiệp chiếm 39, 98% số doanh nghiệp, 10,94% số lao động, 11,29% vốn sản xuất kinh doanh, 37,83% doanh thu và 21,24% nộp ngân sách.
Ngành xây dựng chiếm 13,54% số doanh nghiệp, 14,83% số lao động, 8,07% vốn sản xuất kinh doanh, 5,50% doanh thu và 3,58% nộp ngân sách.
Ngành kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn chiếm 8,41% số doanh nghiệp, 3,44% số lao động, 3,52% vốn sản xuất kinh doanh, 1,64% doanh thu và 1,77% nộp ngân sách.
Ngành vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc chiếm 5,86% số doanh nghiệp, 6,77% số lao động, 6,35% vốn sản xuất kinh doanh, 5,92% doanh thu và 5,48% nộp ngân sách.
Các ngành sản xuất và dịch vụ khác còn lại chiếm 3,03% số doanh nghiệp, 3,15% số lao động, 36,18% vốn sản xuất kinh doanh, 6,67% doanh thu và 6,06% nộp ngân sách.
(Nguồn: Tổng cục thống kê, 2008)
Nhìn tổng thể thì doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực giải quyết việc làm (chiếm 55,3% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp), tích luỹ vốn, đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước và bảo đảm nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp công nghiệp cũng là những doanh nghiệp có quy mô bình quân lớn nhất cả về vốn, tài sản cố định và lao động, quy mô này lại không ngừng tăng lên qua các năm và có trình độ công nghệ cao hơn doanh nghiệp của các ngành kinh tế khác.
Doanh nghiệp ngành thương mại chiếm gần 40% số doanh nghiệp, nhưng là quy mô nhỏ, bình quân 1 doanh nghiệp chỉ có 14 lao động và 7 tỷ đồng vốn sản xuất, nhưng phát triển trên phạm vi rộng khắp cả nước, góp phần tích cực trong khâu phân phối hàng hoá bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội.
Xem xét trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tỷ trọng số doanh nghiệp công nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ cao của Việt Nam chỉ bằng 1/5 tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Nếu tính theo giá trị tăng thêm thì tỷ trọng nhóm ngành công nghệ cao của nước ta còn thấp hơn nữa vì phần lớn những ngành công nghệ cao chủ yếu là sản xuất và lắp ráp, là ngành tuy có giá trị sản xuất lớn nhưng lại có giá trị gia tăng nhỏ như lắp ráp sản phẩm điện tử, lắp ráp ôtô, xe máy, …
Bảng số 3: Tỷ trọng các ngành công nghệ cao, trung bình và thấp tính theo giá trị sản xuất thực tế trong lĩnh vực chế biến
của một số nước ASEAN
Nước Nhóm ngành công nghệ Thấp Trung bình Cao Thái Lan 42,7 26,5 30,8 Singapore 10,5 16,5 73 Malaysia 24,3 24,6 51,1 Indonexia 47,7 22,6 29,7 Philippine 45,2 25,7 29,1 Việt Nam 51,2 28,9 19,9
Người ta thường nghĩ rằng hoạt động NC&TK luôn chỉ gắn liền với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, nắm trong tay những công nghệ mới, công nghệ hàng đầu. Nhưng trên thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng đã chi một lượng tiền lớn để cải tiến các sản phẩm của mình. Đơn cử, trong nhiều thập kỷ qua, công ty Gillette đã không ngừng nỗ lực cải tiến sản phẩm dao cạo râu của mình để củng cố và mở rộng thị phần cho sản phẩm dao cạo râu và tất nhiên nỗ lực đó luôn đi kèm với một khoản chi không nhỏ cho hoạt động NC&TK. Phần lớn các công ty chỉ chi một tỷ lệ rất khiêm tốn trong thu nhập của mình cho hoạt động NC&TK. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dược phẩm, phần mềm hay chất bán dẫn có xu hướng chi nhiều hơn cho hoạt động này.
Nếu xem xét theo 4 mô hình tổ chức hoạt động NC&TK ở trên thì trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hiện đều tổ chức hoạt động NC&TK theo mô hình thứ hai - mô hình cán bộ chuyên trách hoạt động NC&TK trong doanh nghiệp. Trong những tình huống khi xuất hiện nhu cầu cao hơn, phức tạp hơn về công nghệ phục vụ sản xuất thì doanh nghiệp sẽ có những dự án hợp tác liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để ký các hợp đồng nghiên cứu giải quyết yêu cầu công nghệ cụ thể của mình.