Để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội cần chăm lo xây dựng một lối sống văn hoá, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng lối sống văn hoá cho thanh niên ngoại thành. Việc xây dựng lối sống văn hoá cho thanh niên ngoại thành cần theo những phương hướng cơ bản sau:
Một là, xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành.
Lối sống và kinh tế - xã hội có quan hệ gắn bó với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Kinh tế - xã hội quy định lối sống, ngược lại lối sống tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Lối sống lành mạnh, khẩn trương, có ý thức lao động tốt, lao động sáng tạo, lao động có kỷ luật sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Con người sống với nhau có nghĩa có tình, có trách nhiệm, có chữ tín, có lương tâm là điều kiện cho kinh tế phát triển. Con người có tin nhau mới có quan hệ tốt đẹp trong sản xuất và kinh doanh, mới hăng hái làm việc, làm việc hết mình, mới tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Các vùng ngoại thành Hà Nội đang diễn ra quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh. Điều đó vừa tạo ra điều kiện, vừa đòi hỏi xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên. Đô thị hoá với việc xây dựng những khu đô thị, đường làng ngõ xóm có điều kiện xây dựng khang trang để hình thành một lối sống kỷ cương ngăn nắp. Chính cuộc sống đô thị cũng đòi hỏi thanh niên phải có lối sống khẩn trương, kỷ luật.
Công nghiệp hoá với yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật công nghệ, yêu cầu hợp tác chặt chẽ trong lao động, tốc độ làm việc khẩn trương vừa tạo điều kiện vừa đòi hỏi
thanh niên phải có lối sống khẩn trương, tính kỷ luật, tính nghiêm túc chặt chẽ, sự phối hợp hành động trong lao động, tạo điều kiện khắc phục tính vô tổ chức, thiếu kỷ luật vẫn đang tồn tại trong thanh niên.
Hai là, xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành là công việc của toàn xã hội
Đảng cộng sản Việt Nam phải xây dựng, đưa ra quan điểm, đường lối đúng đắn trong xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên. Các tổ chức Đảng lãnh đạo để đưa quan điểm, đường lối đi vào trong cuộc sống.
Tổ chức Đoàn phải xây dựng và tổ chức các phong trào để đưa thanh niên vào hoạt động thực tiễn.
Gia đình có vai trò quan trọng trong định hướng lối sống cho thế hệ trẻ, vì gia đình đặt nền móng cho việc hình thành nhân cách thanh niên. Thông qua nếp sống gia đình, truyền thống gia đình để giáo dục thế hệ trẻ.
Các cấp chính quyền phải tăng cường tổ chức và thực hiện các hoạt động, các phong trào qua đó kịp thời tổng kết, biểu dương những tấm gương tốt, phê phán những việc làm xấu để nhân rộng những điển hình tiên tiến. Các cơ quan Nhà nước tăng cường hoạt động quản lý để kịp thời ngăn chặn những hoạt động không đúng( hoạt động nghệ thuật phải đúng định hướng). Cần có sự kết hợp chặt chẽ gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng lối sống văn hoá cho thanh niên.
Ba là, xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành phải kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động giáo dục lý luận và hoạt động thực tiễn
Lý luận là những tri thức được tổng kết từ thực tiễn cuộc sống lao động, chiến đấu của con người trong cuộc đấu tranh cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội và giữ vai trò định hướng đúng đắn cho hành động của con người. Nếu không có lý luận con người không có định hướng để hành động. Hồ Chí Minh ví, không có lý luận như người đi trong đêm tối. Do đó, thanh niên cần được giáo dục lý luận. Nếu không có lý luận thanh niên không biết đường hướng hoạt động. Đối với thanh niên ngoại thành việc trang bị lý luận cho thanh niên lại càng cần thiết, chỉ có vậy thanh niên mới có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình; đâu là hành vi đúng, đâu là hành vi sai từ đó biết mình được làm gì và không được làm gì. Song nếu chỉ có lý luận thôi thì chưa đủ, thanh niên phải được tham
gia vào các hoạt động thực tiễn. Chỉ có thông qua các hoạt động thực tiễn thanh niên mới bộc lộ khả năng của mình, năng lực, phẩm chất đạo đức của thanh niên mới được thể hiện. Đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn sẽ góp phần nâng cao nhận thức lý luận cho thanh niên từ đó góp phần để hoạt động thực tiễn của thanh niên đạt hiệu quả cao hơn.
Bốn là, xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành phải gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới là xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quá trình xây dựng nông thôn mới sẽ tạo ra những điều kiện, cơ sở cần thiết để xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành. Quá trình này sẽ làm cho cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất của thanh niên ngoại thành thay đổi theo hướng tích cực; bản sắc văn hoá, những phong tục tập quán tốt đẹp được lưu giữ, kế thừa và phát huy; môi trường được bảo vệ…Thanh niên ngoại thành Ha Nội là một lực lượng đông đảo, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên.
2.2.2. Những giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả việc xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành Hà Nội giai đoạn hiện nay