Nguyên nhân

Một phần của tài liệu Xây dựng lối sống văn hóa trong thanh niên ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 74)

Nếu xem xét một cách toàn diện có thể thấy được những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên Thành phố Hà Nội nói chung và thanh niên ngoại thành Hà Nội nói riêng gồm:

- Về những nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, xây dựng lối sống văn hoá của thanh niên ngoại thành Hà Nội đang chịu tác động lớn của mặt trái cơ chế thị trường.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng công cuộc đổi mới được tiến hành 25 năm qua. Trong đó, việc vận hành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những tác động tích cực của nó đối với phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao tính năng động cho người lao động v.v…, thì cơ chế này cũng tác động tiêu cực đến lối sống, đạo đức của các tầng lớp nhân dân trong đó có thanh niên ngoại thành Hà Nội.

Việc chuyển đổi các giá trị về đạo đức, lối sống trong “ thang” giá trị đạo đức đã tạo ra nhiều hẫng hụt nếu chưa được chuẩn bị về tâm lý, tư tưởng của các tầng lớp dân cư, nhất là thanh niên ngoại thành. Cơ chế thị trường đặt con người trước các mối quan hệ phức tạp: Giữa lợi ích kinh tế với tình cảm, giữa lý và tình, giữa đạo đức và phản đạo đức, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, cộng đồng…Với người thanh niên, do đặc tính ham mê cái mới, cái lạ, cái năng động…, rất dễ bị tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, trước những lợi ích kinh tế.

Những“ tiêu chí” của lối sống văn hoá của thanh niên, cũng đang đứng trước những thách thức nghiệt ngã của mặt trái của cơ chế thị trường.

Xây dựng lối sống văn hoá của thanh niên nói chung, thanh niên ngoại thành Hà Nội nói riêng, đang đòi hỏi cả về phương diện lý luận và thực tiễn để có thể định hướng, giải pháp đúng.

Thứ hai, xây dựng lối sống văn hoá của thanh niên ngoại thành Hà Nội đang chịu tác động lớn của đời sống chính tri – kinh tế- văn hoá trên thế giới.

Trước hết là sự thay đổi thể chế chính trị ở nhiều nước trước đây vốn thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Đây là một tác nhân bất lợi ảnh hưởng lớn làm cho một bộ phận thanh niên khủng hoảng trong niềm tin, lý tưởng.

Toàn cầu hoá kinh tế, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hoá đang là xu thế chung của nhân loại cũng đã tác động vào mọi tầng lớp dân cư ở nước ta trong đó có thanh niên Việt Nam và thanh niên ngoại thành Hà Nội. Xu thế toàn cầu hoá kinh tế lại đang bị các nước tư bản phát triển và các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia chi phối. Đây là một thách thức rất nghiệt ngã tạo ra nguy cơ chệch hướng trong chính trị và trong văn hoá.

Có người cho rằng, đã toàn cầu hoá về kinh tế thì sẽ toàn cầu hoá về chính trị, toàn cầu hoá về văn hoá, thế giới sẽ cùng nhau “ xây dựng một ngôi nhà chung”. Vậy còn đâu là văn hoá; lối sống của dân tộc phản ánh bản sắc văn hoá dân tộc?

Rõ ràng những tác động của giao lưu kinh tế, giao lưu văn hoá là rất lớn đối với xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành Hà Nội - một thành phố trung tâm kinh tế, văn hoá, trung tâm các đầu mối giao lưu kinh tế, văn hoá trong nước và quốc tế. Nhiều “ kênh” thông tin – văn hoá, nhiều sản phẩm văn hoá, những “ chuẩn mực” văn hoá khác nhau từ nhiều hướng, kể cả sản phẩm độc hại đang được du nhập, tác động hàng ngày,hàng giờ gây khó khăn, hạn chế cho việc xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành Hà Nội.

Thứ ba, thanh niên là một lực lượng lớn là đại diện cho tương lai của xã hội, của đất nước. Đây cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch đang hướng đến để thực hiện âm mưu “ diễn biến hoà bình”.

Một thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ là các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội đang thực hiện các biện pháp của chiến lược “ diễn biến hoà bình" . Thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Thành phố Hà Nội trong đó có thanh niên khu vực ngoại thành nói riêng đang trở thành đối tượng quan trọng hàng đầu mà các thế lực phản động, chống đối, thù địch chủ nghĩa xã hội hướng tới nhằm lôi kéo; tha hoá, kể cả mua chuộc, lung lạc bằng lợi ích, bằng đáp ứng những tham vọng, những thị hiếu thấp hèn trong một bộ phận thanh niên.

Lợi dụng cái gọi là “ tự do”, “ nhân quyền”, “ tự do tôn giáo”, lơị dụng vấn đề nhạy cảm về vấn đề dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch với Việt Nam đang tìm mọi thủ đoạn can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, trong đó có việc tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta, du nhập các sản phẩm văn hoá độc hại: kích động bạo lực, khiêu dâm, gieo rắc mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép v.v…

- Về những nguyên nhân chủ quan

Một là, nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc của một số cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nói chung, của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần

chúng ở Hà Nội nói riêng về tầm quan trọng của lối sống văn hoá trong các tầng lớp dân cư, nhất là trong thanh niên ngoại thành.

Trong giai đoạn đổi mới không ít cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp của Hà Nội chưa nhận thức và giải quyết đúng các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa phát triển kinh tế và nhiệm vụ văn hoá. Nhiều người còn coi thường nhiệm vụ văn hoá mà quá coi trọng nhiệm vụ kinh tế. Từ đây, việc chỉ đạo xây dựng văn hoá nói chung, xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên nói riêng thiếu thường xuyên, tổ chức thực hiện không cụ thể phù hợp với từng loại đối tượng thanh niên

Công tác xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên chưa được nghiên cứu, cụ thể hoá thành tiêu chuẩn thống nhất, đồng bộ và phản ánh những đặc điểm riêng về tâm lý, lứa tuổi; một số nơi, cấp uỷ, chính quyền còn thiếu quan tâm, định hướng, tạo điều kiện cho công tác thanh niên nói chung và công tác giáo dục lối sống văn hoá cho thanh niên nói riêng …Điều này ảnh hưởng lớn đến xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành Hà Nội

Hai là, việc giáo dục về chính trị, tư tưởng đạo đức của các cấp uỷ Đảng và các cấp bộ đoàn đối với thanh niên còn nhiều hạn chế.

Những điều kiện và đặc điểm mới của thanh niên đang đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi mới đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống của thanh niên. Nhiều xu hướng mới nảy sinh trong các quan niệm về giá trị, các chuẩn mực đạo đức, lối sống trong thanh niên nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, nhất là các tổ chức Đảng và Đoàn nghiên cứu, dự báo và có đổi mới trong nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên. Nhiều khía cạnh mới trong lý luận chưa được làm rõ, nhiều vấn đề thuộc về thực tiễn đang đặt ra chưa có lời giải đáp hoặc giải đáp chưa đủ sức thuyết phục; do công tác giáo dục thanh niên chưa gắn bó với nhiệm vụ kinh tế, chính trị và văn hoá nên chưa giải quyết được những vấn đề xây dựng lối sống văn hoá với đấu tranh kiên quyết chống các hiện tượng sai trái, chống lối sống cá nhân chủ nghĩa, thực dụng trong thanh niên…đã làm ảnh hưởng xấu đến xây dựng lối sống văn hoá trong thanh niên ngoại thành Hà Nội.

Ba là: đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp của Thành phố, đặc biệt là cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là về năng lực trình độ và cơ cấu đội ngũ.

Có một thực tế hiện nay là khả năng thiết kế, tổ chức các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội còn hạn chế, thiếu sáng tạo, chưa đủ hấp dẫn để thu hút thanh niên. Nguyên nhân là do cán bộ Đoàn ở các vùng ngoại thành còn thiếu được đào tạo bồi dưỡng theo quy hoạch, việc tạo nguồn cán bộ cho Đoàn còn hạn chế và rất bị động. Do vậy, ít có những cán bộ đoàn say mê, gắn bó, tâm đắc với công tác đoàn; nhiều cán bộ Đoàn thiếu năng lực vận động quần chúng; nhiều nơi thiếu cán bộ đoàn chuyên trách, chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn đức và tài theo những yêu cầu mới đặt ra

Để xây dựng lối sống văn hoá của thanh niên ngoại thành Hà Nội đạt được những kết quả bền vững, đòi hỏi rất lớn ở năng lực tổ chức và đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ Đoàn ở đây.

Bốn là, hoạt động của Đoàn nói chung còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá cần thiết, vì vậy, tác động đến lối sống của thanh niên ngoại thành Hà Nội còn nhiều hạn chế.

Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều sơ sở đoàn rất thiếu thốn về trang thiết bị vật chất, phương tiện để hoạt động. Những thiết chế văn hoá, những điểm sinh hoạt cộng đồng , những điểm vui chơi, giải trí của thanh niên còn thiếu hoặc có nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thanh niên gây khó khăn lớn cho phong trào thanh niên nói chung, cho việc xây dựng lối sống có văn hoá của thanh niên ngoại thành Hà Nội nói chung

Năm là, ý thức phấn đấu, rèn luyện trau dồi đạo đức, tư tưởng, lối sống của một bộ phận thanh niên ngoại thành còn thấp

Xây dựng đạo đức, tư tưởng, lối sống là việc chung của toàn xã hội, của các tổ chức, song đây trước hết là trách nhiệm riêng của từng người- của từng đoàn viên thanh niên

Trong thanh niên ngoại thành Hà Nội hiện nay, có một bộ phận không nhỏ xa rời lý tưởng cách mạng, quay lưng lại với truyền thống văn hoá dân tộc. Họ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, vị kỷ, chạy theo những thị hiếu thấp hèn hoặc sống vụ lợi, thực dụng, sùng ngoại…Vì vậy, lối sống của họ lai căng, pha tạp, thực dụng…đã đưa đến hậu quả xấu ở một số thanh niên: sa vào các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật, vi phạm các quy chế, quy ước cộng đồng.

Sáu là, sự đấu tranh phê phán những thói hư tật xấu, lối sống thực dụng trong một bộ phận thanh thiếu niên còn yếu. Dư luận xã hội chưa được định hướng đúng đắn. Những việc làm tốt ít được động viên khuyến khích, những việc làm xấu ít bị phê phán.

Khắc phục nguyên nhân này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của tổ chức Đoàn, của thiết chế xã hội và gia đình mà còn đòi hỏi sự phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng của chính những thanh niên đã nêu.

2.2. NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG CƠ BẢN VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT HƠN XÂY DỰNG LỐI SỐNG VĂN HOÁ CỦA THANH NIÊN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI

Một phần của tài liệu Xây dựng lối sống văn hóa trong thanh niên ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)