* Khái niệm thanh niên
Thanh niên là một khái niệm được hiểu và định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Nó là một đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Tuỳ theo nội dung tiếp cận, góc độ nhìn nhận hoặc cấp độ đánh giá mà người ta đưa ra các định nghĩa khác nhau về thanh niên.
Theo từ điển Tiếng Việt do Viện ngôn ngữ học công bố vào năm 2003( in lần thứ 9, có sửa đổi, bổ sung) thì mục từ “ Thanh niên” được giải thích như sau: “ Người còn trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành”
Trong Tiếng Anh, bộ từ điển Oxford giải thích mục từ “ youth” ( thanh niên) như sau: “ Là người trẻ tuổi, trong giai đoạn giữa tuổi thơ ấu và tuổi người lớn, hăng hái, nhiệt tình hoặc thiếu kinh nghiệm hoặc chỉ những đặc trưng khác của độ tuổi này. Khi được dùng ở dạng số nhiều thì từ này chỉ tập hợp những người trẻ tuổi”[ 01, tr. 877 ].
Theo Chiến lược phát triển Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 70/ 2003/QĐ – TTg ngày 29 -4 -2003 thì thanh niên nước ta được cho là những công dân Việt Nam có độ tuổi từ 15 đến 34. Chỉ hai năm sau, Luật Thanh niên( Luật số 53/2003/QH11) được Quốc hội khoá XI thông qua đã quy định tại Điều 1:“ Thanh niên quy định trong luật này là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”. Đây cũng là điều được nghi nhận trong Điều 1, mục 2 của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh( 2007). Qua đó có thể thấy trong các văn bản pháp lý quan trọng nhất về thanh niên Việt Nam, nội hàm của thuật ngữ này cũng không được quy định nhất quán.
Tuỳ theo góc độ tiếp cận của mỗi ngành khoa học mà người ta đưa ra các định nghĩa khác nhau về thanh niên
Về mặt sinh học, các nhà nghiên cứu coi thanh niên là một giai đoạn xác định trong quá trình “tiến hoá” của cơ thể, trong đó thấy rõ sự cường tráng về thể lực, sự phát triển về trí tuệ, sự trưởng thành về tình dục, tính dục.
Các nhà tâm lý học, lại thường nhìn nhận thanh niên gắn với những quy luật biến đổi, phát triển tâm lý lứa tuổi và thế hệ như sự phát triển khả năng phân tích và suy luận, ham thích cái mới, sự hăng say hoạt động và sáng tạo, sự tự khẳng định, tự ý thức.
Các nhà xã hội học, lại nhìn nhận thanh niên là một giai đoạn xã hội hoá cá nhân, giai đoạn tiếp thu các giá trị xã hội để hình thành nhân cách; là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ phụ thuộc sang giai đoạn xác lập vai trò cá nhân qua các hoạt động độc lập, từng bước hình thành ý thức trách nhiệm công dân, chuẩn bị và tự nâng cao kiến thức để lao động, cống hiến.
Dưới góc độ kinh tế học, thì thanh niên được xem là một lực lượng lao động xã hội hùng hậu, là nguồn lực bổ sung cho đội ngũ những người lao động trên mọi lĩnh vực, là bộ phận quan trọng cấu thành lực lượng sản xuất, rất năng động, nhạy cảm, gắn bó với tiến trình phát triển xã hội với tư cách là lớp người xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh sáng tạo ra xã hội mới.
Với các triết gia, văn nghệ sỹ, thanh niên được định nghĩa bằng cách so sánh hình tượng “ thanh niên là mùa xuân của nhân loại”, là “bình minh của cuộc đời”.
Theo Tiến sỹ Phạm Đình Nghiệp, Viện Nghiên cứu Thanh niên Việt Nam: “
Thanh niên được hiểu là một nhóm nhân khẩu xã hội đặc thù có độ tuổi từ 14, 15 đến trên dưới 30 tuổi, gắn với mọi giai cấp, mọi tầng lớp xã hội và có mặt trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội”.
Tuỳ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, truyền thống…mà mỗi quốc gia có quy định độ tuổi thanh niên khác nhau. Nhưng hầu hết các nước trên thế giới đều thống nhất tuổi thanh niên bắt đầu từ 14 hoặc 15. Còn thanh niên kết thúc ở tuổi nào thì có sự khác biệt. Có nước quy định là 25 tuổi, có nước quy định là 30 và cũng có nước cho đó là tuổi 40. Nhưng xu thế chung là nâng dần giới hạn kết thúc của tuổi thanh niên.
Qua nghiên cứu Luật Thanh niên Việt Nam, tôi quan niệm “thanh niên” là một nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù bao gồm những người trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau, có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, có vai trò to lớn trong xã hội hiện tại và giữ vai trò quyết định sự phát triển trong tương lai của xã hội đang trong quá trình phát triển những năng lực thể chất và tinh thần mà hoạt động của họ gắn liền với mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội.
Tóm lại, thanh niên là lứa tuổi giàu nhiệt huyết và giàu khả năng cống hiến nhất của đời người. Thế hệ trước thường gửi gắm niềm tin vào thanh niên. Thanh niên là lớp người thực hiện những nhiệm vụ trọng đại và những ước vọng cao đẹp mà thế hệ trước chưa có điều kiện hoàn thành. Nhiệm vụ xây dựng đất nước là nhiệm vụ của thanh niên. “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Đây vừa là lời dạy, vừa là niềm tin của Bác Hồ kính yêu đối với thanh niên Việt Nam.
* Thanh niên ngoại thành Hà Nội và đặc điểm lối sống thanh niên ngoại thành Hà Nội
Ngày 25 tháng 5 năm 2009 Quốc hội ra Quyết định mở rộng địa giới hành chính Thành phố Hà Nội. Cùng với sự thay đổi về địa giới hành chính, tổ chức Đoàn, cơ cấu thành phần của Hội thanh niên Thành phố Hà Nội cũng có nhiều biến động. Tính đến năm 2010, Hà Nội có trên 2,42 triệu thanh niên, chiếm khoảng 33% dân số, trong đó có 621.570 đoàn viên, 657.406 hội viên Hội Liên hiệp thanh niên và gần 450.000 hội viên
Hội sinh viên, trong đó thanh niên nông thôn trên 1 triệu người và chiếm tới ½ số thanh niên toàn thành phố[05, tr. 03]. Số thanh niên nông thôn này chủ yếu rơi vào các huyện, thị xã không nằm trong trung tâm thành phố - có thể coi đây là thanh niên khu vực ngoại thành Hà nội. Trong đó số đoàn viên thanh niên Thị xã Sơn Tây là 26.350; Huyện Quốc Oai là 30.254; Huyện Thạch Thất là 42.156 ( chiếm khoảng 23% dân số) [30, tr. 30, 31]. Khác với thanh niên nội thành, thanh niên ngoại thành Hà Nội chủ yếu là thanh niên nông thôn sinh sống ở những vùng quê gắn với tự nhiên: thôn, xóm, làng thường gắn liền với những điều kiện địa lý sẵn có nên còn hạn chế cho giao lưu kinh tế, sinh hoạt văn hoá… Từ đó cho thấy, thanh niên khu vực ngoại thành có một số đặc điểm khác với thanh niên nội thành, đó là:
Thanh niên ngoại thành Hà Nội cư trú trên địa bàn nông thôn, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.
Đa số thanh niên đều gắn chặt với một nghề lao động xã hội truyền thống, đặc trưng và nổi trội là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điều này tạo ra sự gắn kết của người thanh niên với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đây là nét khác biệt của thanh niên khu vực ngoại thành so với thanh niên đô thị. Ở đô thị, phần lớn thanh niên gắn với những nghề chế tạo, những công việc cơ khí, thương mại, ngoại thương, nghề tự do và những nghề phi nông nghiệp khác, vì vậy sự di động nghề nghiệp cao, dễ chuyển nghề.
Hiện tại, nền sản xuất nông nghiệp nước ta nói chung và ở ngoại thành Hà Nội nói riêng vẫn còn manh mún và chỉ mới có dấu hiệu hợp tác giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất. Đa số thanh niên ngoại thành vẫn còn trong tình trạng sản xuất tự cấp, tự túc, kinh tế hộ gia đình là chủ yếu. Nhiều thanh niên khu vực ngoại thành còn thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu thông tin, thiếu kiến thức lao động sản xuất. Đây là những vấn đề cấp bách ở khu vực ngoại thành cần giải quyết nhanh chóng, kịp thời trong điều kiện hiện nay. Giải quyết tốt những vấn đề này sẽ tạo ra động lực to lớn khơi dậy sức mạnh của thanh niên ngoại thành trong việc tham gia phát triển kinh tế ở ngoại thành và thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên phạm vi toàn thành phố.
Thanh niên ngoại thành còn nhiều hạn chế về trình độ văn hoá, chuyên môn, thua kém về thể chất… so với thanh niên đô thị.
Ở nước ta trong những năm gần đây đã có sự phát triển nhanh về quy mô của giáo dục - đào tạo, điều này cùng với kết quả thực hiện chương trình quốc gia xoá mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp đã làm cho trình độ học vấn của thanh niên được nâng cao hơn trước. Tuy vậy, hiện nay sự chênh lệch về trình độ học vấn, chuyên môn của thanh niên giữa các vùng, miền, khu vực còn khoảng cách lớn. Thanh niên ngoại thành là bộ phận có trình độ văn hoá, chuyên môn thấp hơn nhiều so với thanh niên đô thị. Điều kiện, cơ hội để được nâng cao trình độ của thanh niên khu vực ngoại thành, nhất là thanh niên vùng núi, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Không chỉ thua kém về trình độ văn hoá chuyên môn, mà thanh niên ngoại thành còn thua kém cả về mặt thể chất so với thanh niên đô thị.
Sự thua kém này là do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản là do khu vực ngoại thành có trình độ phát triển kinh tế - xã hội kém hơn so với đô thị, mức sống thấp, giao thông khó khăn, mức hưởng thụ các phúc lợi xã hội thấp… Sự hạn chế về trình độ văn hoá, chuyên môn, thể chất… của thanh niên ngoại thành là một trở ngại lớn cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố hiện nay.
Thanh niên khu vực ngoại thành có lối sống đặc thù - lối sống nông thôn
Đây là lối sống được hình thành từ lâu gắn với sản xuất nông nghiêp. Chính lối sống này đã quy định thành một đặc trưng nổi trội của thanh niên ngoại thành - tính cố kết cộng đồng. Nó là cơ sở cho sự đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống của các thế hệ thanh niên nông thôn. Hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội ở ngoại thành đã có sự phát triển đáng kể, thanh niên ngoại thành được hưởng thụ ngày càng nhiều hơn những giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc và nhân loại. Tuy nhiên, do sự giao lưu, tiếp xúc với môi trường xã hội bên ngoài còn hạn chế, cùng với tính cố kết cộng đồng bền chặt đã làm cho thanh niên ngoại thành ít nhiều mang tâm lý thụ động, e dè, ít có sự năng động, nhạy bén bằng thanh niên đô thị.
Lối sống thanh niên ngoại thành được thể hiện ở một số đặc điểm cơ bản cả tích cực và tiêu cực như sau:
Những mặt tích cực
Thứ nhất, thanh niên ngoại thành Hà Nội có tinh thần cần cù, sáng tạo, chịu khó trong lao động sản xuất, can đảm, gan dạ trong xây dựng cuộc sống mới, yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên
Cũng như thanh niên ở nhiều nơi, đại đa số thanh niên ngoại thành Hà Nội rất cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất. Đức tính này hình thành do điều kiện địa lý và thiên nhiên tạo nên.
Trong điều kiện thiên nhiên và địa lý hết sức khó khăn đã rèn luyện cho người thanh niên bản lĩnh gan dạ, can đảm để vượt qua mọi khó khăn, xây dựng nên những xóm làng, cuộc sống mới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, với bản lĩnh can đảm, gan dạ, tinh thần yêu nước nồng nàn của mình thanh niên ngoại thành Hà Nội cùng với nhân dân thực hiện “ tay cày, tay súng”, kiên quyết bám ruộng, bám làng vừa đánh giặc vừa cải tạo đất đai lao động sản xuất. Số khác theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tòng quân bảo vệ quê hương và giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Chiến tranh qua đi để lại cho quê hương những miếng ruộng, mảnh vườn đầy bom đạn, thanh niên ngoại thành Hà Nội lại không ngần ngại đối mặt với hiểm nguy tháo gỡ bom mìn cải tạo đất đai, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới trên quê hương thân yêu của mình.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, thanh niên ngoại thành Hà Nội hết lòng ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng, sẵn sàng đối mặt với thiên nhiên đầy thách thức, tích cực tham gia lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước.
Cũng giống như thanh niên nhiều vùng quê khác, thanh niên ngoại thành Hà Nội gắn bó với thiên nhiên, lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, dẫn đến hình thành lối sống hòa thuận với thiên nhiên, bảo vệ môi trường thiên nhiên và tái tạo lại nó chính là tái tạo lại cuộc sống cho chính mình.
Thứ hai, thanh niên ngoại thành Hà Nội có tâm hồn phóng khoáng, hào hiệp, thích tự do, trọng nghĩa tình, giàu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Do sớm tiếp xúc với nền kinh tế thị trường, lại không phải chịu nhiều tác động của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp nên thanh niên ngoại thành Hà Nội có tư duy kinh tế nhanh nhạy, năng động. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước những khó khăn. Từ những kinh nghiệm thực tiễn, nếu thấy làm ăn có hiệu quả là họ làm ngay, không do dự, ngần ngại. Từ đặc điểm này đòi hỏi phải có phương pháp tác
động, giáo dục, quản lý phù hợp đối với thanh niên ngoại thành, đồng thời quan tâm tạo ra môi trường lao động phù hợp với tính cách, đặc trưng của họ nhằm phát huy hết tiềm năng sức mạnh của thanh niên ngoại thành, phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Dám nghĩ, dám làm là một điểm mạnh của thanh niên ngoại thành Hà Nội. Để phát huy điểm mạnh này, các cơ quan, tổ chức cần hỗ trợ mạnh mẽ về vốn, kỹ thuật cho thanh niên nông thôn làm ăn, sản xuất. Có như vậy mới phát huy được tiềm năng trong thanh niên ngoại thành góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Thanh niên ngoại thành Hà Nội vì sống ở khu vực nông thôn là chủ yếu, lao động nông nghiệp là chủ đạo nên có lối sống trọng kinh nghiệm dân gian, trọng nông, trọng nghĩa, trọng cộng đồng, trọng lệ làng, trọng cội nguồn, trọng giản dị. Đây cũng là những đặc điểm cơ bản có phần nổi trội trong lối sống của thanh niên ngoại thành.
Thứ ba, thanh niên ngoại thành Hà Nội có lòng yêu nước, yêu quê hương, gắn bó với Đảng, với sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Giống như thanh niên cả nước, thanh niên ngoại thành Hà Nội có lòng yêu nước, yêu quê hương nồng nàn. Họ là những người gắn bó với quê hương sâu sắc, gắn bó với mảnh đất mà ông cha ta đã đổ mồ hôi, xương máu khai phá và gìn giữ.
Tuy kinh tế ngoại thành còn những khó khăn nhất định, nhưng đại bộ phận thanh niên ngoại thành rất dũng cảm, có nghị lực, nghĩa khí và lòng tự tin, không bao giờ khuất phục trước cường quyền, bạo lực, kiên quyết đấu tranh cho chính nghĩa, cho độc lập tự do. Những phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống đó đã được kế thừa và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế mà thanh niên ngoại thành Hà Nội từ trước đến nay không những cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm chinh phục thiên nhiên mà còn kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm viết nên những trang sử oai hùng.
Thanh niên ngoại thành Hà Nội là những lớp người có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa,
tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi