PHƯƠNG PHÁP GHI HÌNH

Một phần của tài liệu sổ tay phóng viên tin và phóng sự truyền hình (Trang 31)

Nắm được phương pháp ghi hình giúp bạn chớp đúng thời điểm thích hợp nhất. Nếu bạn không muốn bị gò bó, hãy sử dụng cách quay tường thuật (Verité) hơn là quay theo sự sắp xếp các trường đoạn cảnh. Quay theo trường đoạn cảnh buộc bạn làm việc theo một trình tự nhất định và giảm thiểu sự hứng trí.

Quay theo trường đoạn (Sequences)

Loạt các cảnh quay khác nhau khi dựng cho ấn tượng về hành động. • Duy trì sự liên tục.

• Rút ngắn thời gian. • Kể chuyện.

• Trông có vẻ dàn dựng. • Dễ thêm lời bình.

• Có thể kiểm soát được - an toàn. • Bạn biết bạn muốn gì.

Quay theo trình tự dựng (Montage)

• Loạt các cảnh chộp hình (snapshots). • Không có sự liên tục giữa các cảnh. • Tạo tiết tấu.

• Hữu hiệu với hành động/phản ứng.

• Đòi hỏi người xem tập trung hơn - hình ảnh phải mang nhiều thông tin hơn.

• Ít cần tới lời bình.

• Có thể kiểm soát nhưng mất nhiều thời gian.

Quay tường thuật (Verité)

• Sự kiện diễn ra đúng như trong thực tế cả về mặt thời gian và không gian.

• Dựng tối thiểu. • Ấn tượng mạnh.

• Tỷ lệ thất bại cao.

• Kết quả khó dự đoán trước. • Lời bình cần ở mức tối thiểu.

DỰNG PHIM

Chúng ta có thể dựng những phóng sự phức tạp trong 20 phút. Nhưng không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng phải làm vậy. Tuy nhiên, thời gian trong phòng dựng hạn chế. Nên để tận dụng thời gian, ta cần:

• Chuẩn bị danh sách cảnh (tên cảnh và mã thời gian TC); phòng dựng không phải là chỗ tua đi tua lại để tìm cảnh.

• Ngăn nắp: chuẩn bị băng, danh sách cảnh, ghi chép và văn bản nháp. • Trao đổi với người dựng về câu chuyện (tin, bài) của bạn; nhất là trọng tâm của câu chuyện. Nhiều người dựng hoảng sợ khi nhận được những lời trao đổi sơ sài: "Đây là đường tiếng này, cảnh đầu tiên là...".

(ở nhiều đài truyền hình, người dựng làm việc độc lập sau khi nhận băng và bài của phóng viên - người dịch).

• Coi người dựng là khán giả đầu tiên. Nếu người dựng nói chỗ nào khó hiểu thì bạn hãy thay đổi nó.

• Sẵn sàng thay đổi từ ngữ. Từ ngữ thay đổi dễ hơn hình ảnh.

• Có chỗ ngưng nghỉ để "thở". Ngưng nghỉ (pauses) là công cụ mạnh của giao tiếp. Mỗi lần bạn dừng lại là lúc bạn cho người xem cơ hội hấp thu và hiểu câu chuyện của bạn.

Dựng có hai mục đích chính. Nó giúp kể câu chuyện một cách hiệu quả, đồng thời duy trì sự quan tâm của người xem.

Về mặt cơ học, dựng…

• Trình tự và độ dài cảnh.

• Chuyển từ cảnh này sang cảnh khác. • Duy trì sự liên tục về hình và tiếng. Về mặt nghệ thuật, dựng. . .

• Tác động vào cách diễn giải của người xem.

• Tạo mối liên hệ giữa cái có thể và không thể tồn tại. • Tạo dựng không khí và sự căng thẳng.

• Làm trò ảo thuật với thời gian bằng cách chồng mờ hình ảnh.

Khi ta dựng hai cảnh với nhau, ta buộc người xem phải động não. Trước tiên, mắt người xem nhận biết sự thay đổi. Sau đó, đầu họ làm việc, diễn giải mối liên hệ vừa được tạo ra giữa hai hình ảnh. Cái gì xảy ra? Đó là ai? Chúng ta đang ở đâu?

Cắt cảnh

Cắt cảnh là sự chuyển tức thời từ cảnh này sang cảnh khác. Đây là phương pháp thường được dùng nhất và ít phiền phức nhất (nếu dùng đúng chỗ). Khi các cảnh được cắt nhịp nhàng và hành động diễn ra hợp lý thì việc hiểu ý nghĩa hình ảnh tương đối dễ dàng. Chúng ta đang cho khán giả xem những hình ảnh dễ hiểu.

Nếu hai hình giật nhảy được dựng với nhau thì chúng ta đã đánh đố người xem đang cố hình dung mối quan hệ giữa hai hình ảnh chẳng có liên hệ với nhau.

Nếu người xem phải vất vả để tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh không khớp nhau thì họ không thể tập trung vào lời bình.

Động cơ (Motivation edit)

Giống như chuyển động của máy quay, các cảnh dựng đều phải có lý. Tại sao ta lại bắt đầu với cảnh này và lý do và thời điểm nào ta lại kết bằng cảnh kia.

Thời điểm cắt cảnh

Chuyển động ra vào khuôn hình thường rất hiệu quả. Nói chung, cắt hợp lý nếu khớp với chuyển động. Ai đó ngồi xuống, đứng lên hay quay đầu.

Dựng chuyển động

Các chuyển động của chủ thể cùng một hướng ám chỉ sự liên tục, sự giống nhau về mục đích. Các chuyển động của các chủ thể ngược chiều nhau gợi lên sự mẫu thuẫn hay đối đầu. Dựng các chủ thể đi về những hướng khác nhau gợi sự chia tay.

Hãy cẩn thận với sự chuyển hướng vô tình. Nếu chủ thể của bạn đang chuyển động từ trái sang phải trong một cảnh và lại từ phải sang trái trong

cảnh sau thì bạn phải đệm một cảnh, trong đó chủ thể đi thẳng về phía hay ra xa máy quay để ngụy trang sự đổi hướng chuyển động.

Trộn hình

Trộn hình là sự chuyển cảnh uyển chuyển khi một cảnh mờ dần (fade out) và cảnh khác hiện dần ra (fade in) thay hình mờ đi.

Trộn nhanh thường gợi lên hành động xảy ra đồng thời. Trộn chậm gợi lên sự thay đổi về thời gian và địa điểm.

Ta có thể dùng trộn hình để so sánh: • Giữa sự giống nhau hay khác nhau. • Thể hiện thời gian trôi qua.

• Cho thấy sự tiến triển hay phát triển trong một khoảng thời gian.

Đôi khi phương pháp dựng hình này dùng để che giấu cảnh chuyển thiếu lý do (không nên dùng!). Nói cách khác, dựng dở là dựng dở và dù có dùng cách trộn hình đi nữa thì vẫn là dựng dở.

Chồng mờ

Bạn có thể gợi sự chuyển đổi nếu trộn cẩn thận giữa các cảnh có cùng khuôn hình. Một phòng trống với một phòng đầy người; mùa xuân với mùa thu bên hồ; khu nhà trước và sau xây dựng.

Độ dài của cảnh

• Một cảnh không được quá ngắn vì như vậy, người xem sẽ không hiểu ý nghĩa của nó.

• Cảnh không được quá dài khiến người xem chán nản. • Cảnh không được dài quá mức tò mò của người xem. Sau đây là một số yếu tố cần nhớ khi xem xét độ dài của cảnh:

• Bạn muốn truyền đạt bao nhiêu thông tin? Bạn muốn tạo ấn tượng hay thu hút sự chú ý?

• Những thông tin đó dễ hiểu đến đâu?

• Có bao nhiêu hành động trong cảnh?Những sự thay đổi hay chuyển động có thể phải cần thời gian để hiểu.

Tránh dựng từ một cảnh toàn vào một cảnh đặc tả. Người xuất hiện trong cảnh cận có thể không được nhận biết trong cảnh toàn và người xem một lúc nào đó sẽ bị mất phương hướng.

Nhưng hãy thận trọng nếu dựng hai hình có cỡ cảnh gần giống nhau sẽ gặp rắc rối hơn - nhảy hình. Trong những cảnh nhảy hình, chủ thể dường như nhảy từ chỗ này sang chỗ kia một cách vô lý. Một cảnh đệm (một cảnh tách ra khỏi hành động chính để ghi nhận phản ứng hay bổ sung thông tin phù hợp với hành động chính) có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Trái trục

Trục là quy ước mà những người quay phim dựa vào để duy trì sự liên tục về hình ảnh.

Trong trường hợp phỏng vấn đơn giản giữa chủ thể và người phóng viên (một cộng một), thì trục hay đường chạy qua mũi họ và vượt ra sau gáy họ. Khi nào máy quay ở một phía của giới hạn tưởng tượng này thì tất cả các cảnh sẽ duy trì được sự liên tục về hình ảnh (cho ấn tượng chủ thể vẫn ngồi đối mặt với người phóng viên)

Nếu một chủ thể đi bộ hay lái xe, thì trục chạy qua chủ thể theo hướng chuyển động. Một cách nghĩ khác về trục là ranh giới của sự chú ý hay hành động. Trong phỏng vấn, ranh giới này rõ ràng. Trong cảnh người đi bộ hay lái xe, ranh giới này cũng rõ ràng. Và trong cảnh dàn dựng một doanh nhân ngồi viết ở bàn thì ranh giới của sự chú ý/ hành động là từ mắt tới hành động viết.

Trong mỗi trường hợp, ranh giới cho người quay camera một cung 180 độ, qua đó tất cả cảnh sẽ đều giữ được sự liên tục về mặt hình ảnh. Nhưng nếu quay cảnh từ phía bên kia của ranh giới đó, thì chủ thể có thể xuất hiện lần đầu ở bên trái, rồi sau đó ở bên phải.

Với những chủ thể chuyển động vấn đề lại tồi tệ hơn vì bạn đảo ngược hành động.

Nếu bạn muốn quay từ cả hai phía, bạn phải có một cảnh nối. Cảnh này có thể là cảnh trung lập, thẳng từ phía trước hay trực tiếp từ phía sau chủ thể. Hay bạn có thể quay một cảnh cho thấy việc vượt trục bằng cách ghi hình khi máy quay chuyển từ phía bên này của trục chuyển sang phía bên kia.

Quy tắc dựng hình

Trong mọi hình thức dựng, đặc biệt là trong thời sự, bạn không được bóp méo sự kiện bằng cách lựa chọn cảnh hay chồng mờ. Bạn phải phản ánh đúng bối cảnh thực của sự kiện. Bạn có thể ghi hình đám đông cười nhạo một diễn giả tại một cuộc meeting chính trị. Nhưng bạn không được dùng cảnh đó làm cảnh đệm trong bài phát biểu nghiêm túc của một ai đó.

Người dựng đôi khi phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Giữa việc nhấn mạnh sự thật và bóp méo sự thật đó chỉ là một ranh giới mong manh.

PHỎNG VẤN

"Hãy đánh giá một con người không phải qua câu trả lời mà qua câu hỏi của anh ta" (Vôn-te)

Là phóng viên và nhà sản xuất chương trình truyền hình, chúng ta phải tự hỏi mình một cách nghiêm túc về cách thức tiến hành phỏng vấn. Khoảng nửa số câu hỏi của chúng ta không khuyến khích câu trả lời hay; trên thực tế, chúng triệt tiêu câu trả lời. Như vậy, cách tiến hành phỏng vấn của chúng ta chưa hiệu quả.

• Câu hỏi của chúng ta khó và đã được trả lời từ trước.

• Khi phỏng vấn thất bại, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người trả lời phỏng vấn.

• Có lỗi chính là chúng ta, những người đặt câu hỏi, người tiến hành phỏng vấn. Những câu hỏi dở mang lại những câu trả lời tồi.

Phóng viên thường thích những câu hỏi nghe có vẻ rắn. • "Anh là người phân biệt chủng tộc phải không?" • "Anh có giết người bạn đồng hành của mình không?"

Đây là những câu hỏi nghe có vẻ rắn. Nhưng chúng hoàn toàn không rắn. Chúng lại rất dễ trả lời. Chúng ta đã buộc người được hỏi trả lời không. Chúng ta đã triệt tiêu câu trả lời mà chúng ta muốn nghe. Kết quả ngược lại với những gì chúng ta đề ra.

Những câu hỏi khó (thực rắn) buộc người ta phải suy tư, động não để tìm câu trả lời. Những câu hỏi đó làm họ chững lại, làm họ lưỡng lự, làm họ đổ mồ hôi.

Một phần của tài liệu sổ tay phóng viên tin và phóng sự truyền hình (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w