Địa hình Nha Trang khá phức tạp có độ cao trải dài từ 0 đến 900 m so với mực nước biển được chia thành ba vùng địa hình. Vùng đồng bằng duyên hải và ven sông Cái có diện tích khoảng 81,3 km2, chiếm 32,33% diện tích thành phố; vùng chuyển tiếp và các đồi thấp có độ dốc từ 30 đến 150 chủ yếu nằm ở phía Tây và Đông Nam hoặc trên các đảo nhỏ chiếm 36,24% diện tích; vùng núi có địa hình dốc trên 150 phân bố ở hai đầu Bắc Nam của thành phố, trên đảo Hòn Tre và một số đảo đá chiếm 31,43% diện tích toàn thành phố.
Thành phố có nhiều sông suối tập trung ở hai hệ thống sông chính sông Cái Nha Trang và sông Quán Trường.
Sông Cái Nha Trang có chiều dài 75 km, bắt nguồn từ đỉnh Chư Tgo cao 1.475 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Đoạn hạ lưu thuộc địa phận Nha Trang có chiều dài khoảng 10 km. Sông là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sản xuất công – nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, sinh hoạt dân cư cho thành phố và các huyện phụ cận.
Sông Quán Trường là một hệ thống sông nhỏ có chiều dài khoảng 15 km, chảy qua địa phận các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Phước Đồng và ba phường Phước Long, Phước Hải và Vĩnh Trường rồi ra Cửa Bé. Sông chia làm hai nhánh: Nhánh phía Đông có chiều dài 9 km và nhánh phía Tây (còn gọi là sông Tắc) dài 6 km.
Thủy triều vùng biển Nha Trang thuộc dạng nhật triều đều, biên độ trung bình lớn từ 1,4 – 3,4 m. Độ mặn biến thiên theo mùa từ 1 – 3,6 ‰
2.3.1.4. Khí hậu
Nha Trang có khí hậu nhiệt đới xavan chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Khí hậu Nha Trang tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm là 26,30C. Có mùa đông ít lạnh và mùa khô kéo dài. Mùa mưa lệch về mùa đông bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 dương lịch, lượng mưa chiếm gần 80% của cả năm (1.025 mm). So với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Nha Trang là vùng có điều kiện khí hậu thời tiết khá thuận lợi để phát triển du lịch quanh năm. Những đặc trưng chủ yếu của khí hậu Nha Trang: Nhiệt độ ôn hòa quanh năm (250C – 260C), sự phân mùa khá rõ rệt (mùa mưa và mùa khô) và ít chịu ảnh hưởng của bão.
Bảng 2.8: Nhiệt độ các năm tại trạm Nha Trang
Nhiệt độ (0C) 2006 2007 2008
Trung bình năm 27,2 26,7 26,6
Tháng thấp nhất 24,2 (tháng1) 24,6 (tháng 1,2) 23,8 (tháng 2)
Biên độ nhiệt 5,2 4,1 4,8
(Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Khánh Hòa 5 năm (2006 – 2010)
2.3.2. Dân cư
Theo điều tra dân số năm 2009 thì dân số toàn thành phố có 392.279 người trong đó dân số thành thị chiếm 74,6%, dân số nông thôn chiếm 25,4%. Về tỉ lệ giới tính, nam chiếm 48,5% và nữ chiếm 51,5%. Tuy nhiên theo cách tính quy mô dân số trong phân loại đô thị (bao gồm cả dân số thường trú và dân số tạm trú) thì quy mô dân số Nha Trang hiện nay khoảng 480.000 – 490.000 người bao gồm cả học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…nhưng không tính khách du lịch.
Mật độ dân số trung bình toàn thành phố là 1.562 người/km2. Dân cư phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các phường nội thành. Khu vực trung tâm thành phố thuộc các phường Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Tân, Phước Tiến, Tân Lập có mật độ dân cư rất cao khoảng gần 30.000 người/km2. Tuy nhiên một số xã như Vĩnh Lương, Phước Đồng với địa hình chủ yếu là núi cao có mật độ dân số thấp, chỉ vào khoảng 320 – 320 người/km2.
2.3.3. Hành chính
Nha Trang gồm 27 đơn vị hành chính, gồm có:
-19 phường nội thành: Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Xương Huân, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hải, Lộc Thọ, Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Long (thành lập tháng 11 năm 1998), Vĩnh Hòa (thành lập tháng 4 năm 2002).
-8 xã ngoại thành: Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Lương và Phước Đồng.
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Nha Trang được đặt nền móng từ thời Pháp thuộc với việc hình thành hai cơ sở khoa học thực nghiệm là viện Pasteur Nha Trang vào năm 1891 chuyên nghiên cứu về vệ sinh dịch tể và sở Ngư nghiệp Đông Dương (tiền thân của Viện Hải dương học Nha Trang) chuyên nghiên cứu về biển và động vật biển. Lĩnh vực khoa học từ đó dần dần mở rộng sang các ngành khoa học ứng dụng.
Giáo dục đại học tại Nha Trang bắt đầu phát triển từ năm 1971 với cơ sở đào tạo bậc đại học đầu tiên là Đại Học Cộng Đồng Duyên Hải. Sau ngày thống nhất đất nước, trường Đại Học Thủy Sản Nha Trang được chuyển từ Hải Phòng vào cùng với một số trường quân sự như Trường Sĩ quan không quân và trường Sĩ quan Hải quân II (tiền thân của Học Viện Hải quân) chuyển vào từ Quảng Ninh. Hiện nay Nha Trang có nhiều trường đại học quân sự và dân sự, cao đẳng đào tạo nhân lực có trình độ cao góp phần nâng cao đội ngũ lao động có tay nghề trong cả nước.
Về giáo dục phổ thông, toàn thành phố có 116 trường vói gần 86.000 học sinh trong đó có 41 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở, 12 trường trung học phổ thông.
2.3.5. Giao thông 2.3.5.1. Đường bộ
Đến năm 2012, thành phố có trên 898 tuyến đường, trong đó 280 tuyến đường do thành phố quản lý với tổng chiều dài 115,64 km gồm 7 tuyến đường tỉnh, 11 tuyến đường liên xã và 619 đường hẻm nội thành. Để kết nối với các địa phương khác Nha Trang có quốc lộ 1A chạy qua ngoại thành theo hướng Bắc – Nam đoạn qua địa bàn thành phố dài 14,91 km và quốc lộ 1C nối trung tâm thành phố với quốc lộ 1A có chiều dài 15,08 km. Ngoài ra còn có đại lộ Nguyễn Tất Thành nối thành phố Nha Trang với sân bay Cam Ranh và đường 723 nối lên thành phố Đà Lạt.
Về giao thông nội thị, mạng lưới đường trong trung tâm thành phố có hình nan quạt bao gồm các tuyến đường hướng tâm, đường vành đai bao quanh trung tâm và khu vực của thành phố. Các tuyến đường vành đai chính là đường Lê Hồng Phong, đường
2/4. Trục xuyên tâm thành phố là Thái Nguyên – Lê Thánh Tôn. Trục ven biển là Trần Phú – Phạm Văn Đồng.
Về giao thông tĩnh, Nha Trang có hai bến xe liên tỉnh đang hoạt động: Bến xe phía Bắc và bến xe phía Nam, phục vụ cho các chuyến xe liên tỉnh và nội tỉnh. Hệ thống giao thông tĩnh phục vụ vận tải công cộng còn bao gồm 6 tuyến xe buýt nội thành với 150 điểm dừng dọc đường phục vụ cho nhu cầu đi lại trong thành phố và huyện Diên Khánh.
2.3.5.2. Đường hàng không
Trước đây các chuyến bay đến Nha Trang và hạ cánh ngay trong thành phố tại sân bay Nha Trangtuy nhiên do nằm trong trung tâm thành phố, gây nhiều khó khăn trong hoạt động, nên sân bay đã được chuyển mục đích sử dụng để phục vụ phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và du lịch. Hoạt động bay thương mại được chuyển đến sân bay quốc tế Cam Ranh cách trung tâm Nha Trang 35 km về phía Nam. Phương tiện đi lại giữa Nha Trang và sân bay Cam Ranh là xe buýt hoặc taxi.
2.3.5.3. Đường sắt
Nha Trang nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam với tổng chiều dài đường sắt đi ngang qua thành phố là 25 km thuận lợi cho việc liên kết với các tỉnh còn lại của Việt Nam. Ga Nha Trang là một trong những ga lớn trên tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam, tất cả các tuyến tàu lửa Thống Nhất đều dừng ở đây. Ngoài các tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu SNT1−2, SNT3−4, SQN1−2 và chuyến tàu 5 sao đầu tiên chạy tuyến Sài Gòn − Nha Trang. Ngoài ga Nha Trang thành phố còn có 1 ga phụ là Ga Lương Sơn, nhưng ga này ít khi đón khách.
2.3.5.4. Đường thủy
Thành phố có nhiều bến cảng phục vụ cho nhu cầu đi lại bằng đường thủy. Trong đó cảng Nha trang là một cảng biển tương đối lớn nằm trong vịnh Nha Trang với độ
sâu trước bến là 11,8m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải lớn đến 20.000 tấn và tàu khách du lịch cỡ lớn. Cảng được sử dụng như một cảng đa chức năng phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa, là đầu mối vận chuyển hàng hóa và hành khách quan trọng bằng đường biển của thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hoà nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Các cảng nhỏ khác bao gồm cảng Hải Quân: Phục vụ học tập cho Học viện Hải Quân và huyện đảo Trường Sa; cảng cá Hòn Rớ phục vụ cho ngành khai thác thủy sản và chợ hải sản đầu mối Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Nha Trang còn có một số cảng phục vụ du lịch như cảng du lịch Cầu Đá, cảng du lịch Phú Quý, cảng du lịch Hòn Tre...
2.3.6. Kinh tế
Nha Trang là thành phố có nền kinh tế tương đối phát triển ở khu vực miền Trung. Năm 2011, GDP bình quân đầu người của thành phố đạt 3184 USD, tốc độ tăng trưởng GDP tăng bình quân hàng năm từ 13 − 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực theo hướng nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ. Năm 2011, tỷ trọng công nghiệp − xây dựng chiếm 32%, du lịch − dịch vụ chiếm 63,77% và nông nghiệp là 4,23%. Trong đó công nghiệp tăng 7,97%, dịch vụ tăng 7,01% so với năm 2010. Ngược lại ngành nông nghiệp tiếp tục suy giảm 12,46% do quá trình đô thị hóa khiến quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang có nhiều đóng góp đáng kể, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế − xã hội trên địa bàn Khánh Hòa. Tuy diện tích chỉ chiếm 4,84%, Nha Trang chiếm đến hơn 1/3 dân số và hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa của Khánh Hòa. Ngoài ra, Nha Trang cũng đóng góp 82,5% doanh thu du lịch − dịch vụ và 42,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Là trung tâm khai thác, chế biến thủy − hải sản lớn, sản lượng thủy − hải sản của thành phố cũng chiếm 41,7% tổng sản lượng toàn tỉnh (Theo báo cáo của Liên hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Khánh Hòa, ngày 8 tháng 8 năm 2012).
Thương mại − Dịch vụ − Du lịch là ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đô thị và mang lại vị thế quan trọng cho Nha Trang. Đặc biệt các hoạt động du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí phát triển đa dạng, phong phú, nhờ đó Nha Trang thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan − nghỉ dưỡng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2010 ước đạt 9350 tỷ đồng, tăng 20,54% so với năm 2009 (1321 tỷ đồng). Hoạt động thương mại tư nhân phát triển mạnh, tạo nên một thị trường cạnh tranh. Xu hướng kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... phát triển nhanh. Việc coi trọng khách hàng, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự ngày càng được chú trọng hơn. Các khu thương mại trên các tuyến phố chính được đầu tư xây dựng tạo nên bộ mặt đô thị và thu hút nhiều khách đến mua sắm. Một số tuyến phố chuyên doanh bước đầu được hình thành như phố xe máy − điện lạnh (đường Quang Trung), phố trang trí nội thất (đường Thống Nhất), phố thời trang (đường Phan Chu Trinh, Lý Thánh Tôn), phố dịch vụ ăn uống − khách sạn (Trần Phú, Biệt Thự, Trần Quang Khải, Hùng Vường, Nguyễn Thiện Thuật...), Tài Chính − Ngân Hàng (Yersin, Lê Thành Phương)... Nha Trang hiện có 24 chợ, trong đó 3 chợ loại I, 2 chợ loại II, 18 chợ loại III và một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn như Nha Trang Center, Fahasa, Maximark, Metro và các hệ thống cửa hàng tiện lợi như A-Mart, Thế giới di động... Mặc dù hiện nay nhiều loại hình mua bán hiện đại, tiện ích ra đời nhưng các chợ truyền thống vẫn là nơi thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đặc biệt là chợ Đầm.
Trong ngành Du lịch, toàn thành phố hiện có 455 khách sạn, với tổng số gần 10.000 phòng. Năm 2011, Nha Trang đón gần 2 triệu lượt khách du lịch (tăng 18,54% so với năm 2010), trong đó hơn 440.000 lượt khách quốc tế (tăng 13,5%), số ngày lưu trú bình quân của du khách là 2,09 ngày/khách; tổng doanh thu du lịch và dịch vụ ước đạt 2.142,9 tỷ đồng (tăng 20,28%)…Ngành du lịch cũng thu hút khoảng gần 9.000 lao động trực tiếp (Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2012).
Về xuất khẩu, năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đạt 424 triệu USD với khoảng 50 loại sản phẩm xuất đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ... trong đó thủy sản là mặt hàng đóng góp giá trị xuất khẩu lớn, năm 2010 đạt khoảng 215 triệu USD, chiếm 50,7% tổng kim ngạch (Theo báo cáo của Liên hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Khánh Hòa, ngày 8 tháng 8 năm 2012).
2.3.6.2. Công nghiệp
Công nghiệp cũng là một ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Năm 2011, Nha Trang có 1.696 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 12 cơ sở, tập thể 6 cơ sở, tư nhân hỗn hợp 400 cơ sở, cá thể 1.269 cơ sở và 9 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.546 tỷ đồng, tăng 10,16%, năm 2011 tăng 9,5% so năm 2010 đạt 8.107 tỷ đồng [6]. Tuy Nha Trang là thành phố chủ yếu phát triển về du lịch và dịch vụ, giá trị sản xuất công nghiệp của riêng thành phố vẫn cao hơn giá trị công nghiệp toàn tỉnh của nhiều tỉnh lớn trong cùng khu vực Đồng bằng duyên hải miền Trung như Thừa Thiên Huế (năm 2011 đạt 7.950 tỷ đồng) , Bình Định(năm 2011 đạt 7.466 tỷ đồng),Bình Thuận (năm 2011 đạt 5.624 tỷ đồng)…Cơ cấu công nghiệp chủ yếu là các ngành chế biến thực phẩm, thuốc lá, dệt may, đóng tàu.... Một số sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng cao như thủy sản đông lạnh, dệt may, nước mắm, hàng mỹ nghệ. Chế biến thủy sản là ngành công nghiệp thế mạnh của Nha Trang, tạo ra nhiều việc làm và đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Trên địa bàn thành phố có 34 xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó 18 xưởng chế biến đông lạnh, 3 phân xưởng chế biến đồ hộp và 13 cơ sở chế biến thủy sản khô.