Những mặt tích cực

Một phần của tài liệu Khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trong thương mại quốc tế của một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam (Trang 69)

Nhìn chung, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng hàng xuất khẩu, trong đó có vấn đề đáp ứng các yêu cầu về môi trường của nước nhập khẩu. Hàng thuỷ sản, nông sản của ta phần lớn đã được chấp nhận ở các thị trường có yêu cầu cao về an toàn sức khoẻ và vệ sinh môi trường. Minh chứng cho nhận định này là số lô hàng bị cảnh báo về ATVSTP đã giảm đáng kể trong năm 2003, số doanh nghiệp chế biến hải sản được phía Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc công nhận đủ điều kiện xuất khẩu ngày một tăng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đang gia tăng với tốc độ cao. Đạt được điều này trước hết là do nhận thức của các doanh nghiệp, ngành và người tiêu dùng về các vấn đề môi trường ngày càng cao. Hệ thống quy định và tiêu chuẩn về môi trường ngày càng được hoàn thiện theo hướng tuân thủ các chuẩn mực quốc tế như HACCP, ISO 9000, ISO 14000. Nước ta đã có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn ngành về chất lượng hàng thuỷ sản, cà phê, rau quả và thực phẩm. Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến VSATTP được ban hành kịp thời có tác dụng định hướng kinh doanh và tiêu dùng, xử lý các vụ vi phạm như Pháp lệnh về VSATTP, Luật Thuỷ sản, Bảo tồn đa dạng sinh học, Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường thời kỳ 2001-2010 và tầm nhìn 2020... Nhìn chung hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến thương mại và môi trường của nước ta phản ánh được những nội dung cơ bản của các vấn đề thương mại và môi trường bức xúc hiện nay, phần nào phù hợp với nguyên tắc của pháp luật môi trường và pháp luật thương mại quốc tế. Bước đầu có sự phối hợp, lồng ghép các vấn đề môi trường vào các chính sách phát triển thương mại, và

các vấn đề thương mại vào trong chính sách môi trường. Các chính sách môi trường đã bắt đầu tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế và thương mại. Các chính sách thương mại đã phần nào góp phần ngăn chặn các nguy cơ môi trường, thúc đẩy phát triển thương mại theo hướng thân thiện hơn với môi trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã có những điều chỉnh nhất định chiến lược kinh doanh để đáp ứng tốt hơn về các vấn đề môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế như tăng cường công tác thông tin, đầu tư đổi mới công nghệ, từng bước quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn các phương pháp nuôi trồng, chế biến thân thiện hơn với môi trường, cố gắng tuân thủ các quy định môi trường để có được chứng nhận môi trường nhằm nâng cao uy tín với người tiêu dùng và niềm tin đối với các cấp quản lý. Nhà nước đã có những biện pháp hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp như cung cấp kỹ thuật, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, cấp chứng nhận môi trường, tiếp cận thông tin và thị trường, giám sát và kiển tra chặt chẽ nguồn hàng xuất khẩu, xử lý một số vụ vi phạm...

Một phần của tài liệu Khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trong thương mại quốc tế của một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam (Trang 69)