Kinh nghiệm của Thái Lan

Một phần của tài liệu Khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trong thương mại quốc tế của một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam (Trang 29)

Trong hơn ba thập kỷ qua, Thái Lan đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục. Một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Thái Lan là phát triển xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế về tài nguyên và nguồn lao động rẻ. Đó là hàng nông sản, thuỷ sản, các sản phẩm công nghiệp chế biến như da giày, dệt may. Tỷ lệ các mặt hàng xuất khẩu chế biến của Thái Lan hiện nay là hơn 70%. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Lan là

dệt may, chế biến nông sản, thuỷ sản và sản phẩm lắp ráp công nghệ trung bình. Năm 2002 xuất khẩu thuỷ sản đạt mức kỷ lục 7,1 tỷ USD, thực phẩm đóng hộp 300 triệu USD, sản phẩm dệt gần 60 tỷ USD, máy tính 80 tỷ USD, gạo 2,5 tỷ USD, thiết bị điện 50 tỷ USD [9, 4].

Trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nêu trên có thể dễ dàng nhận thấy nhóm hàng nông sản, thuỷ sản, dệt chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu của Thái Lan. Đây là những mặt hàng nhạy cảm với môi trường và những bạn hàng của Thái Lan đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn môi trường. Chẳng hạn, hàng thuỷ sản đòi hỏi các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (dư lượng độc tố - cloruaphenicol và dư lượng vi sinh) cũng như các yêu cầu về PPM – quy trình đánh bắt, bao bì đóng gói, bảo quản, vận chuyển… Thái Lan cũng đã từng bị phía Hoa kỳ, EU, Nhật Bản từ chối nhập khẩu tôm vì không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP. Đặc biệt vụ kiện giữa Thái Lan và Hoa Kỳ liên quan đến việc sử dụng các phương tiện đánh bắt tôm biển không hợp lý. Hoa Kỳ từ chối nhập khẩu tôm của Thái lan vì nước này sử dụng loại lưới đánh bắt tôm có thể đe doạ sự sống của các loài rùa biển. Tuy vụ kiện này phía Thái Lan đã thắng nhưng mất rất nhiều thời gian và chi phí để hầu kiện. Hàng dệt của Thái Lan cũng có thể bị từ chối nhập khẩu nếu sử dụng những hóa chất bị cấm như thuốc nhuộm Azo, hóa chất bị cấm ở Đức kể từ ngày 1/7/1995 [11, 45]. Tương tự một số sản phẩm khác như đồ gỗ, nông sản cũng có thể bị tẩy chay nếu không tuân thủ các yêu cầu của các nước nhập khẩu. Những ngành xuất khẩu chủ lực nói trên của Thái Lan cũng là những ngành nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ở trong nước. Chính vì vậy, Thái Lan buộc phải áp dụng nhiều biện pháp để một mặt đối phó với những hàng rào môi trường nhằm mở rộng thương mại quốc tế, mặt khác bảo vệ môi trường trong nước.

Để đảm bảo phát triển bền vững, Chính phủ Thái Lan đã kết hợp các vấn đề kinh tế và vấn đề môi trường ngay từ khâu lập kế hoạch, tập trung chủ yếu vào các vấn đề môi trường quan trọng như bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, hạn chế ô nhiễm công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về môi trường, khuyến khích tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường.

Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là thuỷ sản, rau quả và hàng dệt may. Những biện pháp chủ yếu được áp dụng là nâng cao hiểu biết về

môi trường cho doanh nghiệp và các nhà quản lý; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, ban hành các quy định về bao bì đóng gói, nhãn sinh thái, áp dụng các phương pháp sản xuất sạch, sử dụng các công cụ kinh tế như thuế, lệ phí môi trường; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như tín dụng (quỹ môi trường), cung cấp thông tin, kỹ thuật và chuyên môn, khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn môi trường như ISO 14000, HACCP, CODEX…

Hiện nay Thái Lan là một trong số các nước xuất khẩu chủ yếu tôm và cá hồi vào các thị trường có các quy định và tiêu chuẩn ngặt nghèo về môi trường như Mỹ, Nhật và EU. Ngành nuôi tôm và đánh bắt cá của Thái Lan là hai ngành có sản lượng lớn nhất trong khu vực. Trong ngành nuôi tôm, kể từ tháng 11/1992 nông dân nuôi tôm phải đăng ký với bộ Hải sản, các trang trại lớn phải xây dựng khu xử lý nước và các chất thải phải đáp ứng được tiêu chuẩn BOD áp dụng cho ngành này [27, 12]. Ngoài ra Thái Lan còn thành lập nhiều trung tâm kiểm tra chất lượng tôm xuất khẩu như dư lượng độc tố, kiểm tra chặt chẽ nguồn thuốc phòng bệnh được sử dụng. Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm xuất khẩu, Bộ Thủy sản phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Thương mại tăng cường các biện pháp kiểm tra dư lượng kháng sinh trong thuỷ sản xuất khẩu cũng như nguồn thuốc phòng bệnh được sử dụng. Các trung tâm khuyến ngư được thành lập với sự hỗ trợ công nghệ và chuyên gia của Chính Phủ giúp cho các hộ nuôi trồng quy mô nhỏ hiểu biết về quy trình nuôi trồng và phương pháp đánh bắt, cập nhật và cung cấp thông tin kịp thời về các yêu cầu môi trường của nước nhập khẩu.

Để tiếp cận thị trường EU, Thái Lan đã có những biện pháp cứng rắn trong việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thái Lan kiên quyết cấm sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi (5 loại kháng sinh) vì chúng có liên quan đến bệnh ung thư, trong đó có CAP từ lâu đã là trở ngại lớn đối với xuất khẩu tôm của Thái Lan vào EU. Mọi trường hợp vi phạm đều bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, sản xuất và bị phạt 10.000 baht. Thái Lan cũng cấm sử dụng các chất gây ô nhiễm môi trường mà EU nêu ra trong Phụ lục I của Chỉ thị 96/23/EEC. Họ xây dựng các tiêu chuẩn ngành về vùng nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm và sạch bệnh đối với các cơ sở nuôi công nghiệp [11, 38].

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thái Lan cũng có một số hạn chế nhất định: (1) Thiết bị kiểm tra dư lượng kháng sinh không tương đương với

EU nên dẫn tới tình trạng nhiều lô hàng thuỷ sản, thịt gà xuất khẩu sang EU vi phạm quy định kiểm tra thú y bị EU tiêu huỷ hoặc trả lại; (2) Các doanh nghiệp thuỷ sản Thái Lan còn chậm trễ trong việc mua máy ELISA kiểm tra dư lượng kháng sinh trong hàng thuỷ sản xuất khẩu. Tính đến thời điểm này, cả nước Thái Lan mới có 5 máy ELISA, trong khi đó Việt Nam có trên 20 máy [11, 39]. Chính vì vậy dẫn tới tình trạng EU đã kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường đối với thuỷ sản và thịt gà của Thái Lan Đến tháng 5/2003 EU mới bãi bỏ biện pháp kiểm tra 100% các lô hàng thuỷ sản và thịt gà xuất khẩu của Thái Lan, chuyển sang áp dụng biện pháp kiểm tra thông thường.

Công nghiệp dệt của Thái Lan là một ngành được đầu tư phát triển từ rất sớm. Mặc dù ngành này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng tác hại môi trường của nó cũng rất lớn. Đó là ô nhiễm bụi, ô nhiễm nước do sử dụng nhiều loại hoá chất độc hại ở khâu nhuộm. Để hạn chế ô nhiễm môi trường và vượt qua rào cản thương mại do việc sử dụng thuốc nhuộm Azo, từ năm 1996 Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp để xử lý môi trường trong ngành dệt như sử dụng thuốc nhuộm không chứa Azo. Đáp ứng yêu cầu này hàng dệt may của Thái Lan đã có sức cạnh tranh ở một số thị trường thuộc EU, đặc biệt là Đức.

Mặc dầu tỷ trọng ngành nông nghiệp của Thái Lan đang có xu hướng giảm dần, nhưng đóng góp của nó đối với nền kinh tế là rất lớn. Ngành chế biến nông sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Thái Lan. Tuy nhiên việc tăng năng suất cây trồng cũng đi liền với việc sử dụng chưa hợp lý quỹ đất, rừng, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng nông sản xuất khẩu, môi trường sinh thái ở nông thôn và sức khoẻ của bà con nông dân. Trong thương mại quốc tế, việc lạm dụng quá mức thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật ở Thái Lan đã gặp phải phản ứng của Nhật Bản bằng việc hạn chế nhập khẩu rau quả. Chính vì vậy từ năm 1992, Thái Lan đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định môi trường của nước nhập khẩu như ban hành các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm như gạo, cà phê, kiểm soát chặt chẽ nguồn thuốc trừ sâu và phân bón, quy định mức sử dụng hoá chất trong nông nghiệp, giảm trợ cấp trong nông nghiệp. Thái Lan cũng áp dụng việc dán nhãn sinh thái cho sản phẩm gỗ.

Ngoài ra, Thái Lan còn tham gia nhiều hiệp định quốc tế về môi trường để được hưởng các ưu đãi tài chính. Việc hạ thấp mức độ sử dụng ODS xuống

dưới mức 0,3kg/người Thái Lan đã được hưởng ưu đãi 10 năm về tài chính do quỹ quốc tế giúp các nước đang phát triển loại bỏ ODS, CFC. Tham gia rộng rãi các hiệp định thương mại đa phương cũng giúp cho Thái Lan có vị thế thuận lợi trong giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường như vụ cấm nhập khẩu cá hồi và tôm của Mỹ. Thái Lan cũng là một trong những nước đang phát triển đầu tiên áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả.

Tóm lại, Thái Lan đã có nhiều biện pháp để đối phó với các hàng rào môi trường nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường. Một trong những thành công của Thái Lan là ứng phó kịp thời trước những thay đổi quy định và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu để từ đó có những giải pháp thích hợp. Sự kết hợp hài hoà biện pháp hỗ trợ, khuyến khích với những biện pháp bắt buộc trên cơ sở pháp luật đã có tác dụng tích cực để đối phó với yêu cầu của thị trường.

Một phần của tài liệu Khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trong thương mại quốc tế của một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam (Trang 29)