7. Kết cấu của luận văn
1.1.2. Tầm quan trọng của vấn đề xoá đói giảm nghèo đối với tăng
trƣởng và phát triển kinh tế bền vững.
Nghèo đói đi liền với lạc hậu, chậm phát triển là trở ngại lớn đối với phát triển. Nói một cách khác xoá đói giảm nghèo là tiền đề của tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại sự phát triển kinh tế xã hội vững chắc, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội là nhân tố bảo đảm thành công công tác xoá đói giảm nghèo. Tóm lại, chúng có mối liên hệ tác động
qua lại mang tính nhân quả giữa đói nghèo với lạc hậu, chậm phát triển, giữa xoá đói giảm nghèo với phát triển. Nghèo đói càng gay gắt thì phát triển càng bị kìm hãm. Trình độ phát triển càng chậm chạp thì càng thiếu điều kiện và khả năng để khắc phục nghèo đói.
Trong thời đại mở cửa, giải quyết vấn đề xoá đói giảm nghèo càng trở nên bức xúc. Bởi vì mở cửa gắn liền với việc giao lưu với các nước, hoà nhập với bên ngoài, các nước nghèo, chậm phát triển sẽ gặp nhiều bất lợi trong quan hệ kinh tế. Nước nghèo luôn thua thiệt trong cạnh tranh kinh tế khi sản phẩm làm ra với chất lượng thấp, giá thành cao hoặc hàng hoá xuất khẩu chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô, lợi nhuận thu được rất thấp. Xoá đói giảm nghèo không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn phải xoá đói giảm nghèo cả về văn hoá. Đây cũng là một chướng ngại vật đối với phát triển không chỉ ở từng người, từng hộ gia đình mà còn ở cả cộng đồng, kìm hãm sự phát triển không kém gì lực cản đói nghèo về kinh tế thậm chí còn tệ hại hơn vì nó chứa chấp các mầm mống của các bệnh hoạn suy thoái.
Xoá đói giảm nghèo là cơ sở để duy trì cho sự ổn định về chính trị xã hội. Từ nghèo đói về kinh tế sẽ ảnh hưởng đến các mặt xã hội chính trị. Các tệ nạn xã hội phát sinh như trộm cắp, cướp giật, ma tuý, mại dâm ... đạo đức bị suy đồi, an ninh xã hội không được đảm bảo đến một mức nhất định có thể dẫn tới rối loạn xã hội. Nếu nghèo đói không được chú ý giải quyết, tỷ lệ và cấp độ của nghèo đói vượt quá giới hạn an toàn sẽ dẫn đến hậu quả về mặt chính trị như mất ổn định chính trị, ở mức cao hơn là khủng hoảng chính trị. Nếu giải quyết không thành công vấn đề xoá đói giảm nghèo (trước hết là xoá đói) sẽ không thể thực hiện được sự công bằng xã hội và sự lành mạnh xã hội nói chung. Như thế mục tiêu phát triển và phát triển bền vững của xã hội XHCN cũng không thực hiện được.
Đồng thời nghèo đói luôn dẫn tới những sức ép căng thẳng về xã hội và chính trị. Trong quá trình hội nhập sự lệ thuộc của nước nghèo đối với nước giầu là điều khó tránh khỏi bắt đầu từ kinh tế rồi xâm nhập vào văn hoá, hệ tư tưởng chính trị. Muốn phát triển phải mở cửa, hội nhập hợp tác song phương và đa phương nhưng phải trên cơ sở giữ vững chủ quyền và không đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc.
Do vậy xoá đói giảm nghèo có vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở nước ta hiện nay.