2.1.2.1.1. Tăng trƣởng nền kinh tế
Đây là giai đoạn Hàn Quốc xây dựng kinh tế theo mô hình hướng ngoại với chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khai thác thị trường thế giới và liên kết quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề bế tắc, đặc biệt là sự hạn chế về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút vốn đầu tư, tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới ... Mô hình chiến lược này có đặc điểm là: Quan tâm đặc biệt đến việc phát triển các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu; phát triển thành phần kinh tế tư bản tư nhân ở trong nước, đồng thời thực hiện chính sách liên kết với tư bản nước ngoài, bao gồm các công ty xuyên quốc gia (NTC) và đa quốc gia (MNC) trong quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ …; tạo điều kiện đầu tư thuận lợi với tư bản nước ngoài và thiết lập các khu chế xuất hướng về xuất khẩu để thu hút ngoại tệ bổ sung vào cán cân mậu dịch trên thị trường quốc tế, thu hút nguồn vốn và tiếp thu kỹ thuật - công nghệ, kinh nghiệm điều hành, quản lý của nước ngoài, đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến, mở rộng và xây dựng mới cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ, thực hiện tái sản xuất xã hội một cách năng động, đa dạng trên cơ sở một nền kinh tế tiên tiến hiện đại. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Có sáu vấn đề nổi bật trong phát triển kinh tế của Hàn Quốc trên cơ sở triển khai mô hình kinh tế hướng ngoại là:
Mở rộng chức năng kinh tế của nhà nước và thực hiện cải cách hành chính, trong sạch hoá bộ máy chính phủ.
Sự thay đổi quan niệm về vai trò của nhà nước ở Hàn Quốc xuất phát từ những nguyên nhân bên trong cũng như bên ngoài. Trước hết, Chính phủ Park Chun Hee không thể lập lại mô hình chức năng của nhà nước của các chính phủ tiền nhiệm, bởi lẽ chúng đã thất bại qua thử nghiệm. Hơn nữa, những người lãnh đạo Hàn Quốc đa phần được đào tạo ở nước ngoài nên có điều kiện để tiếp xúc, nắm bắt những quan điểm, lý thuyết mới về vai trò, chức năng kinh tế của nhà nước của các nhà lý luận tư sản, trong đó họ rất chú ý đến những quan điểm, lý thuyết mở rộng chức năng kinh tế của bộ máy nhà nước, thừa nhận cả tính hiệu quả của những công cụ kế hoạch hoá, khẳng định sự mở rộng can thiệp của nhà nước và sử dụng công cụ kế hoạch hoá kiểu xã hội chủ nghĩa không phương hại đến con đường phát triển tư bản chủ nghĩa và phát triển tư bản tư nhân.
Ngoài ra, Hàn Quốc có truyền thống là bộ máy nhà nước kiểm soát chặt chẽ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Yếu tố truyền thống này đã được khơi dậy, được kế thừa và phát triển dưới thời Chính phủ Park Chun Hee trong một điều kiện cấp thiết đòi hỏi phải tăng cường vai trò của nhà nước mới duy trì được sự ổn định và phát triển.
Để nâng cao năng lực quản lý của nhà nước, củng cố niềm tin trong nhân dân, Chính phủ Park đã rất chú trọng đến việc làm trong sạch bộ máy chính phủ và Park Chun Hee là người đi đầu, thể hiện rõ qua việc lựa chọn nhân sự, loại bỏ những người thiếu năng lực, phẩm chất đạo đức kém và chống tham nhũng.
Thực hiện kế hoạch hoá kinh tế bằng các kế hoạch kinh tế 5 năm.
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962 - 1966) là kế hoạch bản lề có tính chất mở đường cho Hàn Quốc chuyển sang chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu. Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1967 - 1971) đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp với mô hình đầu vào - đầu ra động. Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1972 - 1976) tập trung nâng cấp công nghiệp thông qua việc
xây dựng các ngành công nghiệp nặng và hoá chất, chú tâm đến việc xây dựng các chính sách phân định nguồn vốn quốc gia có hiệu quả. Kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1977 - 1981) tiếp tục phát triển các ngành đã định với các quy định chi tiết hơn, phi tập trung hoá hơn … Tuy mục tiêu và chiến lược phát triển của mỗi kế hoạch có những điểm khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ nhưng nhìn chung mỗi kế hoạch đều:
- Theo đuổi mục tiêu đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, xây dựng các cơ sở kinh tế vững chắc nhằm cải thiện kinh tế ngành, tăng năng suất, đẩy nhanh từng bước công nghiệp hoá nhằm đem lại sự ổn định phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước.
- Gắn liền với mô hình công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, khai thác thị trường nước ngoài để có nguồn ngoại tệ nhập khẩu hàng hoá, thiết bị và công nghệ ngày càng cao hơn.
- Khuyến khích xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng việc thực hiện hàng loạt cải cách trong khu vực kinh tế quan trọng như: chế độ quản lý hành chính, hải quan, thuế, tài chính, ngân hàng … Đồng thời ban hành bộ luật tổng hợp về thúc đẩy vốn từ bên ngoài, khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư vào các chương trình kinh tế trọng điểm trong nước với các chính sách và bước đi cụ thể.
- Liên tục cải cách cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế từng thời kỳ và yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá đất nước.
- Chuyển từ mục tiêu chủ yếu là tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hoá nhanh sang gắn liền kế hoạch phát triển kinh tế với phát triển xã hội.
Mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu:
Trong quá trình phát triển kinh tế dưới thời Park Chun Hee, hình thức chủ yếu để thu hút vốn nước ngoài của Hàn Quốc là vay nợ. Hình thức vay nợ bao gồm các khoản nợ vay các chính phủ hoặc tổ chức tiền tệ quốc tế với lãi
suất vừa phải, tín dụng xuất khẩu, các khoản vay nợ ngân hàng tư nhân. Tính đến năm 1983, 94,9% tổng số vốn nhập trong thời kỳ này là do vay nợ, trong đó khoản vay tài chính do Chính phủ vay lên tới 12,4 tỷ USD, chiếm 45% tổng số vốn nhập từ nước ngoài và các khoản vay thương nghiệp là 13,8 tỷ USD (chiếm 49,9%). Điều đáng chú ý là, mặc dù vay nhiều nhưng Hàn Quốc không sa vào vũng lầy nợ nước ngoài như một số nước khác, mà trái lại, trở thành nước điển hình trong việc vay nợ nước ngoài nhiều nhưng khá thành công trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển.
Từng bước đẩy mạnh công cuộc hiện đại hoá nông thôn.
Do ban đầu tập trung vốn để nhập khẩu nguyên liệu cần thiết cho công nghiệp hoá và bước đầu phát triển một số ngành công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, nông nghiệp do vậy ít được quan tâm. Mặt khác, Chính phủ lại tìm cách giữ giá nông sản thấp nhằm tạo ra sự ổn định kinh tế, đồng thời duy trì mức lương thấp giúp cho hàng hoá của Hàn Quốc có sức mạnh trên thị trường thế giới. Đường lối này đã không khích lệ nông dân sản xuất, dẫn đến tình trạng thực phẩm thường xuyên thiếu hụt trong nước, lương thực cũng không đủ cung ứng phải nhập ngoại …Vì vậy Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng lương trong nông nghiệp, trợ giá sản xuất lương thực, và đặc biệt đảm bảo đầu ra cho sản xuất.
Tích cực thúc đẩy khoa học - kỹ thuật để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Từ việc thực hiện các kế hoạch 5 năm, các nỗ lực dành cho phát triển khoa học - kỹ thuật của Hàn Quốc đã trở nên rộng lớn và đồng bộ hơn trong thực tế với những nét rất đáng chú ý. Trước hết, Hàn Quốc đã tích cực đưa kỹ thuật tiên tiến, thích hợp từ các nước phát triển vào trong nước để đồng hoá và cải tiến, đồng thời khuyến khích phát triển năng lực bên trong vì phát triển kỹ thuật theo phương châm “sáng tạo” hơn “bắt chước” để nhanh chóng lao vào cuộc cạnh tranh nhằm làm chủ kỹ thuật và kinh tế.
Đến năm 1973, Nhà nước tiếp tục ban hành cả một đạo luật khuyến khích phát triển các dịch vụ thiết kế - chế tạo trong nước quy định các công trình đầu tư quốc gia phải do các công ty Hàn Quốc đảm nhiệm với các biện pháp hỗ trợ tài chính kèm theo. Nhờ vậy, đến cuối thập niên 1970, các công ty thiết kế - chế tạo của Hàn Quốc đã trưởng thành nhanh chóng.
Trong thời gian này, Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt coi trọng việc bồi dưỡng các nhà khoa học sáng tạo và công nhân có trình độ kỹ thuật cao, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của nghiên cứu, ứng dụng ở khu vực tư nhân cũng như nhà nước bằng việc tăng cường giáo dục khoa học và công nghệ. Mở rộng chương trình đào tạo tại nước ngoài cho những nghiên cứu cấp cao và bắt đầu có chính sách khuyến khích hồi hương cán bộ khoa học Hàn Quốc ở nước ngoài. Ngoài ra, Hàn Quốc bắt đầu chú trọng nâng cao đầu tư, nghiên cứu và triển khai (R&D), thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu để giúp nhà nước giải quyết vấn đề khoa học và công nghệ.
2.1.2.1.2. Quá trình thực hiện công bằng xã hội
Trong giai đoạn 1961 - 1979, song song với những nỗ lực và thành công trong tăng trưởng kinh tế, vấn đề phát triển xã hội, quyền dân chủ, quyền con người ở Hàn Quốc cũng ngày càng được đặt ra và được quan tâm giải quyết nhiều hơn. Điều này vừa nằm trong chiến lược phát triển của Chính phủ, vừa do tác động của yếu tố khách quan tạo nên: tăng trưởng kinh tế không thể tách dời sự phát triển xã hội và yêu cầu cải thiện đời sống, tự do dân chủ ngày càng cao trong các giai tầng xã hội. So với Đài Loan và Singapore, ở Hàn Quốc, các chính sách xã hội được ban hành và thực thi có hiệu lực diễn ra muộn hơn với một hệ thống đảm bảo xã hội không đồng bộ và ít hiệu quả bằng, nhất là trong giai đoạn khởi đầu quá trình tăng trưởng kinh tế.
Giai đoạn này, Hàn Quốc thực hiện chiến lược kinh tế tổng quát là tăng trưởng kinh tế đi trước, công bằng xã hội đi sau với phương thức: trước là
tăng trưởng sau là phân phối, là dân chủ hoá xã hội. Điều đó có nghĩa là khâu phát triển xã hội cũng nằm trong sự “toàn tâm, toàn ý” của chính phủ và nhân dân với quyết tâm “trước hết thắt lưng buộc bụng, tất cả cho tăng trưởng kinh tế, sau đó mới đặt vấn đề hưởng thụ, công bằng xã hội”. [25, tr.51 - 52]. Qua nghiên cứu tình hình xã hội Hàn Quốc trong giai đoạn 1961 - 1979, ta thấy ở Hàn Quốc:
Bước đầu thực hiện các chính sách xã hội cải thiện điều kiện sống của nhân dân.
Việc cải thiện điều kiện sống của nhân dân thông qua hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo những quyền lợi đích thực của công dân cũng như nâng đỡ, trợ giúp cho những người có hoàn cảnh không may trong xã hội, nó có tác dụng giáo dục có ý thức cộng đồng trong mỗi công dân để cùng nhau phấn đấu xây dựng một xã hội phát triển và ổn định, công bằng và văn minh.
Hệ thống an sinh xã hội của Hàn Quốc bao gồm hai loại: các chương trình bảo hiểm và các chương trình cứu trợ công cộng hay giúp đỡ không hoàn lại. Loại thứ nhất bao gồm các trường hợp đình trệ kinh doanh, y tế, trợ cấp thất nghiệp, tuổi già, tai nạn công nghiệp, phụ cấp gia đình, chi cho sinh đẻ và tang lễ. Loại thứ hai gồm các hình thức cứu trợ như sự hỗ trợ thu nhập và chăm sóc sức khoẻ nhằm vào người nghèo, người già yếu, tàn tật … Một số hệ thống phúc lợi xã hội đã được đặt ra, được mở rộng và phát triển dần theo sự điều chỉnh của Chính phủ cho phù hợp với tình hình.
Trong thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970 một số luật bảo hiểm xã hội đã được áp dụng ở Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện hoạt động cho các chương trình xã hội khác nhau, đó là: Luật hưu bổng công nhân viên chức (1960), Luật bảo hiểm thuỷ thủ (1962), Luật bảo hiểm bồi thường tai nạn công nghiệp, Luật bảo hiểm y tế và Luật hưu bổng công nhân (1963), Luật hưu bổng cho giáo viên các trường tư nhân (1973). Phạm vi của hệ thống bảo hiểm này đã từng bước được mở rộng, tuy vậy cũng phải từ kế hoạch 5 năm
lần thứ 4 (1976 - 1981) trở đi, khi chủ trương thực hiện tăng trưởng, công bằng, hiệu quả cùng với việc thúc đẩy phát triển xã hội được đề cập chính thức trong mục tiêu kế hoạch của Chính phủ, thì hệ thống bảo hiểm mới thực sự phát triển.
Trong giai đoạn này, các hoạt động trợ giúp công cộng cũng từng bước được mở rộng đến các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt như những người nghèo khổ, sức khoẻ kém, người già và người thương tật, tàn tật, mắc bệnh tâm thần. Các hoạt động bao gồm sự ủng hộ về thu nhập và chăm sóc sức khoẻ dựa trên các Luật chăm sóc đời sống, Luật bồi thường và trợ giúp cho quân nhân (1961), Luật cứu trợ tai hoạ và luật chăm sóc đặc biệt cho những người có công với Tổ quốc (1969), các dự án phân bố giúp đỡ người nghèo. Năm 1977 đã thông qua chương trình chăm sóc y tế cùng với việc sửa đổi Luật bảo hiểm y tế năm 1963 và sự mở rộng dần chương trình bảo hiểm đã tạo nền tảng để củng cố hệ thống bảo hiểm y tế cho những năm đó. Cùng năm, Chính phủ cũng đã triển khai một chương trình bảo hiểm phúc lợi xã hội, trong đó bao gồm cả sự quan tâm đến những bệnh cấp tính, bệnh viện cho người nghèo [42, tr.182 - 183]. Ngoài ra, một số gia đình nghèo khó cũng đã được trợ cấp các chi phí chất đốt cũng như học phí cho con em họ học ở trường trung học. Bên cạnh hoạt động cứu trợ của nhà nước, các hệ thống dịch vụ xã hội khác do tư nhân giúp đỡ cũng có xu hướng tăng lên cùng với sự biến đổi xã hội do công nghiệp hoá, đô thị hoá và do số lượng người cao tuổi tăng lên nhằm trợ cấp đời sống và nâng cao phúc lợi của người bị thiệt thòi về xã hội như trẻ em không nơi nương tựa, người già, người bị bệnh kinh niên và tâm thần, các gia đình không có đàn ông.
Từ năm 1963, Luật bảo hiểm y tế đã được đề ra nhưng cho đến trước năm 1976 cũng chỉ có một vài chương trình thí điểm được thực hiện. Tháng 1 năm 1997, Luật bảo hiểm y tế cho công nhân viên chức, giáo viên trường học tư nhân và công nhân được phê chuẩn (luật này được bổ sung vào năm 1980).
và dự án trên. Tiền đóng bảo hiểm hàng tháng của công nhân chiếm từ 3-8% lương tháng của họ trong khi của công nhân viên chức và nhân viên trường học tư là 4,6%. Đối với những người công tác ở những vùng núi và hải đảo xa xôi và những người phụ thuộc, người làm công tác ở nước ngoài, tiền đóng bảo hiểm của họ giảm đi một nửa. Tiền đóng bảo hiểm cho những người cá thể và gia đình họ được trả bằng tiền mặt và hiện vật. Bảo hiểm bao gồm việc thanh toán khám và điều trị, phẫu thuật, cung cấp thuốc men và các dịch vụ y tế khác … cũng như chi trả cho các chi phí tang lễ, trợ cấp sinh đẻ. Đối với công nhân viên chức, nhân viên trường học tư, bảo hiểm y tế cung cấp chi phí tang lễ theo quy định.
Sự bồi thường cho công nhân ở Hàn Quốc được lưu ý sớm. Ngay từ