Xuất nhập khẩu là hoạt động mua bán diễn ra trên phạm vi quốc tế. Nó không phải là những hành vi mua bán riêng lẻ mà là một hệ thống các quan hệ mua bán trong một nền kinh tế có tổ chức cả bên trong và bên ngoài một quốc gia. Các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của môi trường trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến môi trường luật pháp, môi trường kinh tế, môi trường văn hóa.
1.3.1.1.Môi trường luật pháp
Đây là yếu tố tiền đề mà doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu phải nắm rõ và tuân thủ vô điều kiện vì nó thể hiện đường lối lãnh đạo của chính phủ mỗi nước và nó bảo vệ lợi ích chung của tầng lớp xã hội, lợi ích của từng nước trên thị trường quốc tế.
Các yếu tố chính trị, luật pháp đó sẽ tác động tới quá trình kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc thiết lập một hành lang pháp lý và chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ hành lang đó. Các doanh nghiệp không thể điều chỉnh các yếu tố này mà ngược lại các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh những hoạt động của mình sao cho phù hợp.
Sự ổn định về chính trị sẽ giúp hoạt động kinh doanh của công ty không bị gián đoạn. Giảm tối thiểu những rủi ro do sự bất ổn định chính trị gây ra. Ngày nay khi mà quá trình kinh tế phát triển đạt đến mức cao, các nước thường tăng cường các hoạt động ngoại giao nhằm duy trì môi trường chính trị ổn định. Tạo điều kiện phát triển hiệu quả kinh tế.
Yếu tố pháp luật trong kinh doanh quốc tế ảnh hưởng ngày càng lớn đến hiệu quả kinh doanh nói chung, hiệu quả sử dụng vốn nói riêng. Các chính sách thuế, đặc biệt là thuế xuất, nhập khẩu sẽ tác động trực tiếp đến chi phí
của doanh nghiệp. Các quy định về hạn ngạch xuất nhập khẩu sẽ tác động đến việc hoạch định chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến số lưọng hàng hóa xuất nhập khẩu, hay chính là tác động đến doanh thu của hoạt động xuất nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngoài việc phải chịu sự quản lý, điều tiết của các công cụ kinh tế vĩ mô do Nhà nước ban hành, còn chịu sự tác động của môi trường luật pháp quốc tế. Đó là luật quốc tế, luật của từng quốc gia mà doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại đó, cũng như các mối quan hệ luật pháp tồn tại giữa các nước này. Luật quốc tế và luật quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nói một cách khác luật pháp sẽ quy định và cho phép doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực nào, hình thức nào.
Mỗi quốc gia có một hệ thống pháp luật riêng điều chỉnh các hoạt động kinh doanh quốc tế. Luật quốc tế theo nghĩa rộng bao gồm những ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quốc tế, theo nghĩa hẹp nó bao gồm các hiệp định chi phối các mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền. Những mối quan hệ giữa các nước có liên quan đến dòng di chuyển hàng hoá, các nhân tố sản xuất, các dòng di chuyển này cũng chịu sự chi phối của luật pháp quốc gia và hiệp định quốc tế.
1.3.1.2. Môi trường kinh tế
Hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu phải có sự am hiểu và có những kiến thức kinh tế nhất định. Tính ổn định hay không ổn định về kinh tế và chính sách kinh tế của một quốc gia nói riêng và của khu vực cũng như của thế giới nói chung có tác động trực tiếp đến hoạt động nhập khẩu và hiệu quả hoạt động nhập khẩu. Trong số các nhân tố thuộc môi trường kinh tế, ta đặc biệt lưu ý tới một số nhân tố như: Các chính sách vĩ mô của nhà nước, thị trường tài
chính các quan hệ kinh tế quốc tế, sự phát triển của nền sản xuất trong và ngoài nước, sự biến động của thị trường trong và ngoài nước, sự biến động của tỷ giá hối đoái, hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc, hệ thống tài chính Ngân hàng…
* Các chính sách vĩ mô của nhà nước
Chính sách vĩ mô của Nhà nước tác động một phần không nhỏ đến huy động và sử dụng vốn trong các doanh nghiệp xuất nhập khẩu . Nhà nước thường tác động vào nền kinh tế thông qua hệ thống các chính sách, đó là công cụ hữu hiệu của nhà nước để điều tiết nền kinh tế. Các chính sách kinh tế chủ yếu là chính sách tài chính, tiền tệ. Nhà nước sử dụng các chính sách này để thúc đẩy hoặc kìm hãm một thành phần kinh tế, một ngành kinh tế hay một lĩnh vực nào đó. Từ cơ chế giao vốn, đánh giá tài sản cố định, sự thay đổi các chính sách thuế, chính sách cho vay, bảo hộ và khuyến khích nhập một số loại công nghệ nhất định đều có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Các quy định của Nhà nước về phương hướng, định hướng phát triển của các ngành kinh tế cũng ảnh hưởng đến việc huy động và sử dụng vốn trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là những quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp. Đây là căn cứ quan trọng để giải quyết kịp thời những vướng mắc về cơ chế quản lý tài chính nảy sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đồng thời nó cũng là tiền đề để thực hiện nguyên tắc hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp. Rõ ràng với một cơ chế quản lý tài chính chặt chẽ, có khoa học, hợp quy luật thì việc huy động, quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp sẽ đạt kết quả cao, hạn chế được sự thất thoát vốn.
* Thị trường tài chính
Ở nước ta hiện nay chưa có một thị trường tài chính theo đúng nghĩa của nó, vì vậy việc dẫn vốn từ người thừa vốn đến người có cơ hội đầu tư
nhưng thiếu vốn là hết sức khó khăn. Do đó việc huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hạn chế. Thị trường chứng khoán tuy đã hình thành nhưng chỉ là thị trường sơ cấp gây cản trở đối với doanh nghiệp trong việc huy động vốn hoặc giải phóng vốn, do đó việc quản lý vốn cũng kém hiệu quả. Thị trường vốn chưa thực sự hoàn chỉnh và chưa thực sự biến động theo giá thị trường mà vẫn chủ yếu là giá áp đặt.
Như vậy, thị trường tài chính chưa phát triển là điều hết sức khó khăn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện các chính sách đầu tư trong việc trường hợp có vốn nhàn rỗi. Điều này cũng có nghĩa là việc đạt được mục đích sử dụng vốn là không dễ dàng. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp không đủ khả năng khắc phục mặc dù chúng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
* Các quan hệ kinh tế quốc tế.
Hiện nay trên thế giới ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức kinh tế quốc tế như: ASEAN, APEC, NAFTA, WTO…Việc tham gia vào các tổ chức này đều đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia. Các nhà sản xuất kinh doanh mở rộng được thị trường tiêu thụ ra nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước thì đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, còn các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn hàng hơn và việc được hưởng hay không được hưởng những sự ưu đãi từ phái nước bạn hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ song phương giữa hai nước, nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Chính điều này đã thúc đẩy các quốc gia tích cực trong quan hệ ngoại giao với nước khác, tich cực tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc gia nhằm tạo ra những mối quan hệ bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của nước mình.
* Sự phát triển của nền sản xuất trong và ngoài nước.
Hoạt động xuất nhập khẩu chịu sự tác động trực tiếp của tình hình sản xuất trong và ngoài nước. Sự phát triển của nền sản xuất trong nước tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với hàng nhập khẩu, có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Còn nếu sản xuất trong nước kém phát triển, không thể sản xuất ra những sản phẩm mang tính công nghệ cao, kỹ thuật cao thì nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên. Ngược lại, sự phát triển của nền sản xuất ở nước ngoài tạo ra những sản phẩm mới hơn, hiện đại hơn, có giá trị sử dụng cao hơn, hấp dẫn khách hàng hơn nên nó sẽ thúc đẩy nhập khẩu. Với xuất khẩu, sự phát triển của nền sản xuất trong nước sẽ thúc đẩy xuất khẩu. Tất cả những điều đó nói lên rằng sự phát triển của nền sản xuất trong và ngoài nước có ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và hiệu quả sử dụng vốn của hoạt động nhập xuất khẩu.
* Sự biến động của thị trường trong và ngoài nước.
Ta có thể hình dung hoạt động xuất nhập khẩu như chiếc cầu nối thông thương giữa hai thị trường tạo ra sự phù hợp, gắn bó cũng như sự tác động qua lại giữa chúng.
Với hoạt động nhập khẩu: rõ ràng, nếu có sự biến động giá cả, sự tồn đọng hay giảm về nhu cầu hàng hoá nào đó ở thị trường trong nước sẽ làm giảm ngay số lượng mặt hàng đó tại thị trường nhập khẩu và ngược lại.
Với hoạt động xuất khẩu: biến động giá cả trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, biến động của thị trường trong nước sẽ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.
Tất cả những sự biến động của thị trường trong và ngoài nước đều ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hay chính là đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp
* Sự biến động của tỷ giá hối đoái
Đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế, sự thay đổi của tỷ giá hối đoái tác động trực tiếp tới chi phí, doanh thu và kết quả hoạt động xuất nhập khẩu. Tỷ giá hối đoái biến động sẽ thúc đẩy hoặc hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Tăng hoặc giảm doanh thu, chi phí, chính là ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh ngiệp.Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái là yếu tố mà công ty không thể kiểm soát, vì vậy mà nhà nước cần đưa ra chính sách tỷ giá hối đoái nhằm thúc đẩy và tăng hiệu quả xuất khẩu, nhập khẩu của các công ty tham gia hoạt động kinh doanh Quốc tế. * Sự cạnh tranh trên thị trường
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng những cơ hộ i thách thức trên thị trường quốc tế sẽ tác động lớn đến sự thành bại của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ít có đối thủ cạnh tranh hoặc có ưu thế vượt trội so với đối thủ cạnh tranh thì khả năng thu lợi nhuận lớn của doanh nghiệp đó là lớn. Ngược lại với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ít có cơ hội phát triển và gặp sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ cạnh tranh thì hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp đó sẽ thấp. Sự cạnh tranh không chỉ tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp trong hiện tại mà còn trong tương lai. Bởi vì nếu doanh nghiệp có được thắng lợi ban đầu trong cuộc cạnh tranh sẽ tạo được ưu thế về vốn, về uy tín, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh trong tương lai. * Hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
Hoạt động xuất nhập khẩu là hoạt động kinh tế giữa các thương nhân ở các nước cho nên sự xa cách nhau về không gian là đặc điểm nổi bật. Vì vậy, nói đến hoạt động xuất nhập khẩu không thể tách rời hệ thống giao thông vận tải và thông tin liên lạc. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, khi mà sự cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ thì yêu cầu về việc cung cấp hàng hoá đầy đủ, kịp
thời, chính xác ngày càng trở nên là nhu cầu số một, là yếu tố đầu tiên tạo niềm tin và uy tín đối với khách hàng. Bên cạnh đó, một yếu tố mang tính canh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đó là làm thế nào để lựa chọn cho được phương tiện vận tải vừa đáp ứng được các yêu cầu trên mà giá cước lại rẻ. Có thể nói việc lựa chọn phương thức vận chuyển đúng đắn sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn của hoạt động xuất, nhập khẩu vì nó sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Với hệ thống giao thông vận tải thuận tiện, an toàn và hệ thống thông tin liên lạc nhanh nhậy, rộng khắp sẽ cho phép các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội kinh doanh, làm đơn giản hoá hoạt động xuất, nhập khẩu, giảm bớt các chi phí và rủi ro, nâng cao tính kịp thời, nhanh gọn trong quá trình xuất, nhập khẩu.
* Hệ thống Tài chính - Ngân hàng.
Hệ thống Tài chính - Ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc quản lý, cung cấp vốn và thanh toán nên nó can thiệp tới tất cả các hoạt động của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế, dù doanh nghiệp đó lớn hay nhỏ hay ở bất cứ thành phần kinh tế nào. Hệ thống Ngân hàng cung cấp vốn, giúp các doanh nghiệp trong nghiệp vụ thanh toán quốc. Các mối quan hệ, uy tín, nghiệp vụ thanh toán liên Ngân hàng của Ngân hàng rất thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu bảo đảm được lợi ích của mình.
1.3.1.3.Môi trường văn hóa:
Môi trường văn hoá xã hội được coi là “một tổ hợp phức tạp bao gồm nhiều yếu tố, tín ngưỡng, luật pháp, nghệ thuật, luân lý và tất cả những thói quen khác mà con người đã thu nhận được”. Vùng ảnh hưởng của nền văn hoá có thể trải qua nhiều nước hoặc nhiều vùng. Đây là điều mà các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu cần phải chú ý, bởi nó ảnh hưởng lớn đến sức
mua hàng hoá. Chẳng hạn, những người Ấn độ không bao giờ ăn thịt bò, những người theo đạo hồi không ăn mặc hở hang, các doanh nghiệp cần phải biết những nét đặc trưng của từng dân tộc để có chiến lược xuất khẩu phù hợp. Bên cạnh đó, xu hướng vận động của dân số, thu nhập của khách hàng là các yếu tố quyết định đến chất lượng và cơ cấu hàng xuất khẩu. Vì vậy, khi nghiên cứu thị trường trước hết phải nghiên cứu các tham số môi trường này, bao gồm; dân số, xu hướng biến động của dân số, thu nhập, chủng tộc, tôn giáo, nền văn hoá.