Sạt lở mái đê phía sông:

Một phần của tài liệu Bài giảng Thiết kế đê và công trình bảo vệ bờ (Trang 153)

1. Mái đê bị xói lở do sóng vỗ:

Biện pháp chủ yếu là hạn chế tác động trực tiếp của sóng vào mái đê, đắp lấp lại các chỗ sạt lở.

Tùy theo mức độ sạt lở, các biện pháp thường được sử dụng là: Thả và neo buộc

giằng các bó cành cây nửa nổi nửa chìm để ngăn tác động của sóng vỗ trực tiếp vào mái. Xếp các bao tải đất lấp chỗ sạt lở. Thả rồng đá, rồng đất để đắp vào chỗ bị sạt lở.

2. Mái đê bị xói lở do dòng chảy xiết thúc vào mái và chân đê:

Ở những đoạn sông cong gấp khúc, dòng chảy lũ thường áp sát và húc vào phía bờ lõm. Khi đê giáp sông, dòng chảy có thể thúc thẳng vào làm cho mái đê phía sông bị xói lở. Tốc độ và phạm vi xói lở phát triển rất nhanh, vì vậy phải tập trung xử lý nhanh chóng kịp thời.

Nguyên tắc xử lý là:

- Giảm tốc độ nước chảy và lái dòng chảy chính ra xa bờ.

- Củng cố chân đê và chống xói lở hàm ếch dễ gây ra trượt mái đê qui mô lớn và nhanh chóng.

- Chống sạt lở thêm chỗ đang lở. - Gia cố chân đê to hơn và chắc hơn.

Các biện pháp thường được sử dụng bao gồm:

+ Thả rồng đá hoặc rồng đất để củng cố chân đê và mái đê phía sông. Rồng đá, rồng đất có đường kính từ 0,6 m đến 0,8 m, chiều dài từ 5 m đến 12 m, thậm chí có thể dài đến 20 m.

+ Thả các cụm cây, cây to vào khu vực nước xoáy để giảm tốc độ dòng chảy. Có thể ghép 4 đến 5 cây tre tươi cả gốc, rễ, cành lá thành cụm. Mỗi cụm cây có thể buộc

chặt với một rọ đá hộc có thể tích từ 0,2 m3 đến 0,5 m3. Các cụm cây được thả theo

hình hoa thị, với khoảng cách giữa các cụm từ 3 đến 5 m. Loại cây dùng để thả là các cây có tán rộng, cành không giòn như tre, nhãn, bưởi, vải, duối. Không dùng các cây như phi lao, gạo vì tán hẹp, cành giòn.

+ Thả bao tải đất, đắp mở rộng, giật cấp chân đê phía sông để gia cố chân đê to hơn, chắc hơn.

+ Trong lũ, cũng như tiếp tục sau lũ có thể thực hiện biện pháp mỏ hàn cứng hoặc

mỏ hàn mềm để chủ động đẩy dòng chủ lưu ra xa. Tuy nhiên, để ứng cứu tình huống

trong lũ, thường khó thực hiện được biện pháp mỏ hàn, vì mất nhiều thời gian chuẩn bị, thi công gặp nhiều khó khăn.

3. Mái đê bị sạt trượt do lũ rút nhanh:

Khi lũ sông rút nhanh, dòng thấm trong thân đê thấm trở lại phía sông do đó dễ gây trượt mái đê phía sông. Có thể kiểm tra, đánh giá khả năng xảy ra bằng các dấu hiệu:

Mái dốc đê phía sông không đủ thoải, đất đắp đê có tính trương nở tan rã khi ngâm

nước, cường suất hạ thấp mực nước lũ lớn hơn 0.5 m/ ngày đêm.

Trước hết, để tránh sạt lở xảy ra, cần tránh chất tải nặng, đi lại làm sũng đất, gây

rung động trên đỉnh đê phía sông.

Có thể xử lý bằng biện pháp: Hộ chân đê phía sông bằng rồng đá, rồng đất, rọ đá,

bao tải đất, đồng thời đắp lấp chỗ sạt lở, đắp áp trúc mái thượng lưu có bề rộng cơ từ 2 m đến 4 m, đất đắp là đất sét, á sét ít thấm nước.

Một phần của tài liệu Bài giảng Thiết kế đê và công trình bảo vệ bờ (Trang 153)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)