Chính sách tín dụng.
Chính sách cho vay của ngân hàng sẽ quyết định mở rộng hay thu hẹp cho vay bởi vì nó phản ánh mục tiêu tài trợ của ngân hàng. Toàn bộ các vấn đề liên quan đến hoạt động cho vay như quy mô, lãi suất, kỳ hạn, đảm bảo tiền vay, phương thức cho vay,... đều được quy định trong chính sách tín dụng. Do đó, chính sách tín dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của hoạt động cho vay. Một chính sách tín dụng đúng đắn, phù hợp sẽ thu hút nhiều khách hàng và tăng lợi nhuận đồng thời hạn chế rủi ro cho ngân hàng, giúp ngân hàng tận dụng những cơ hội kinh doanh, tận dụng lợi thế có sẵn và phát huy tốt nhất tiềm lực của mình.
Quy mô vốn của ngân hàng.
Hoạt động kinh doanh đem lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng thương mại là hoạt động cho vay. Tuy nhiên, hoạt động cho vay lại phụ thuộc rất lớn vào quy mô nguồn vốn của ngân hàng. Quy mô vốn của Ngân hàng quyết định khả năng cho vay của Ngân hàng. Nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu được hình thành từ các nguồn sau:
Nguồn vốn chủ sở hữu (vốn tự có);
Nguồn tiền gửi và các nghiệp vụ huy động tiền gửi;
Nguồn đi vay và các nghiệp vụ đi vay của NHTM;
Các nguồn khác như: Nguồn từ ủy thác, nguồn trong thanh toán....
Theo quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19/04/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì qui mô vốn tự có của ngân hàng thương mại quyết định trực tiếp đến giới hạn tín dụng cho một khách hành hoặc một nhóm khách hàng có liên quan như sau:
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không
được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
Tổng mức cho vay và bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một khách
hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một nhóm khách hàng
có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
Tổng mức cho vay và bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một nhóm
khách hàng có liên quan không được vượt quá 60% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
Tổng dư nợ cho vay của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng tối đa không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài.
Tổng mức cho vay và bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài
đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài.
Tổng dư nợ cho vay của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với nhóm
khách hàng có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài, trong dó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài.
Tổng mức cho vay và bảo lãnh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài
đối với một nhóm khách hàng có liên quan không được vượt quá 60% vốn tự có của ngân hàng nước ngoài.
Nguồn vốn tự có của ngân hàng thương mại ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giới hạn tín dụng tối đa cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng liên quan thì nó còn có vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn của ngân hàng. Khi ngân hàng có nguồn vốn tự có lớn thì ngân hàng có thể mở rộng quy mô hoạt động của mình như đầu tư tài sản cố định, mở rộng mạng lưới hoạt động từ đó có thể nâng cao khả năng huy động vốn từ các tổ chức, các nhân. Nguồn vốn mà ngân hàng huy động được thông qua tiền gửi và các hoạt động huy động tiền gửi đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền tệ thông qua hoạt động chính là huy động để cho vay. Chính vì vậy, không quá khi cho rằng quy mô nguồn vốn huy động mới là là yếu tố quyết định đến quy mô của hoạt động cho vay cũng như tính hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế
nói chung và DNVVN nói riêng là vô cùng đa dạng và phong phú vì vậy các ngân hàng phải không ngừng nỗ lực tăng vốn tự có và đa dạng hoá các hình thức huy động. Do đó, khi quy mô vốn càng cao, Ngân hàng càng mong muốn được cho vay nhiều hơn để tăng thu nhập và tăng uy tín.
Thông tin tín dụng
Việc nắm bắt thông tin tín dụng trước, trong và sau khi cho vay đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ngân hàng thương mại khi ra quyết định cho khách hàng vay vốn cũng như chất lượng khoản cho vay sau này. Việc xác định thông tin tín dụng được các cán bộ ngân hàng thực hiện bằng nhiều cách và nhiều phương pháp khác nhau trong quá trình thẩm định khách hàng như: phỏng vấn khách hàng, tìm hiểu thông tin qua các đối tác, người thân bạn bè của khách hàng... ở Việt Nam hiện nay, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng nói chung và cho vay nói riêng của các tổ chức tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước có thành lập Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Trung tâm thông tin tín dụng cung cấp cho các tổ chức tín dụng biết được tình hình quan hệ tín dụng trong quá khứ và tại thời điểm hiện tại của một khách hàng cho dù đó là cá nhân, doanh nghiệp hoặc một tổ chức kinh tế... . Việc hỏi tin CIC trước khi cho vay giúp cho ngân hàng thương mại có thể biết được khách hàng mình định cho vay đã và đang có quan hệ với tổ chức tín dụng nào hay chưa, đồng thời cũng cho biết trong quá trình quan hệ tín dụng khách hàng đã từng phát sinh nợ xấu hay nợ quá hạn chưa. Từ thông tin do CIC cung cấp thì lãnh đạo ngân hàng có thể kết hợp với kết quả thẩm định của cán bộ tín dụng để ra quyết định cho vay hoặc từ chối cho vay đối với khách hàng. Thông thường hiện nay đối với các khách hàng từng phát sinh nợ xấu và nợ quá hạn trên thông tin CIC thì các ngân hàng thương mại đều từ chối cho vay. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh việc xác định thông tin tín dụng trước cho vay thì việc
xác định tìm hiểu thông tin tín dụng đối với khách hàng trong quá trình vay vốn và sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn cũng góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng. Trong quá trình khách hàng vay vốn nhân viên ngân hàng vẫn phải thường xuyên hỏi thông tin tín dụng để nắm bắt được tình hình dư nợ của khách hàng tại các tổ chức tín dụng khác từ đó đưa ra phương án thu hồi nợ của khách hàng tại ngân hàng mình.
Quy trình tín dụng
Quy trình tín dụng là bảng tổng hợp mô tả công việc của ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của một khách hàng cho đến khi quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng. Vì vậy, đối với ngân hàng thương mại thì quy trình tín dụng luôn đóng vai trò là “Kim chỉ nam” cho mọi hoạt động tín dụng của ngân hàng. Quy trình tín dụng của một ngân hàng thương mại thường phụ thuộc nhiều vào mô hình tổ chức cũng như định hướng phát triển của ngân hàng đó. Nhưng nhìn chung các ngân hàng đều xây dựng quy trình tín dụng với những mục đích chính như sau:
Về mặt quản lý, quy trình tín dụng có tác dụng:
Làm cơ sở cho việc phân định quyền, trách nhiệm cho các bộ phận
trong hoạt động tín dụng.
Làm cơ sở để thiết lập các hồ sơ, thủ tục vay vốn.
Về mặt hiệu quả, một quy trình tín dụng hợp lý sẽ giúp cho ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Kiểm soát nội bộ
Kiểm soát nội bộ là những phương pháp và chính sách được thiết kế để ngăn chặn gian lận, giảm thiểu sai sót, khuyến khích hiệu quả hoạt động, và nhằm đạt được sự tuân thủ các chính sách và quy trình được thiết lập. Một hệ
thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ giúp đem lại các lợi ích sau cho ngân hàng:
Đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính của ngân hàng;
Giảm bớt rủi ro gian lận hoặc trộm cắp đối với ngân hàng do bên thứ ba hoặc nhân viên của ngân hàng gây ra;
Giảm bớt rủi ro sai sót không cố ý của nhân viên mà có thể gây tổn hại cho ngân hàng;
Giảm bớt rủi ro không tuân thủ chính sách và quy trình kinh doanh của ngân hàng;
Ngăn chặn việc tiếp xúc những rủi ro không cần thiết do quản lý rủi ro chưa đầy đủ.
Như vậy, kiểm soát nội bộ có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Ngân hàng có hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ giảm thiểu được những rủi ro đạo đức trong quá trình cấp tín dụng cũng như có thể phát hiện được những rủi ro sau khi cho vay. Từ đó có những phương án xử lý kịp thời để tránh thất thoát vốn cho ngân hàng.
Trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Ngân hàng.
Để một hợp đồng tín dụng được ký kết phải qua rất nhiều giai đoạn cần có sự tham gia của rất nhiều nhân viên ngân hàng, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ tín dụng. Cán bộ tín dụng là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng vì vậy phong cách giao tiếp, trí tuệ của họ là cái đầu tiên mà khách hàng cảm nhận được và nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút khách hàng. Cán bộ tín dụng đưa ra các quyết định tín dụng dựa trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính kết hợp với cảm nhận và kinh nghiệm
nghề nghiệp. Do đó, suy cho cùng các quyết định của họ không tránh khỏi yếu tố chủ quan. Các cán bộ tín dụng có kiến thức sâu, rộng, vững vàng về nghiệp vụ sẽ phân tích tốt tình hình tài chính của khách hàng, đánh giá tốt tính hiệu quả của dự án, từ đó ra các quyết định tín dụng chính xác.
Bên cạnh các cán bộ tín dụng là người tham gia trực tiếp trong hoạt động cho vay, nhân viên các phòng ban khác sẽ hỗ trợ tích cực trong việc phát triển hoạt động cho vay và đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngân hàng cũng có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định hướng, các chính sách phù hợp phát triển hoạt động này.
Thêm vào đó, cán bộ tín dụng là người trực tiếp cho vay, xác định mức dư nợ nên họ cần có nhận thức và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn. Không thiếu những trường hợp cán bộ tín dụng móc ngoặc với doanh nghiệp và cũng không thiếu trường hợp doanh nghiệp mua chuộc cán bộ ngân hàng để được vay vốn. Do đó, ngân hàng cần có chính sách đãi ngộ hợp lý và thường xuyên bồi dưỡng, nhắc nhở nhân viên của mình về ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.
Công nghệ ngân hàng.
Công nghệ ngân hàng ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của ngân hàng, trong đó có hoạt động tín dụng. Những ngân hàng có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt sẽ tạo được uy tín tốt và thu hút được nhiều khách hàng. Với công nghệ cao, hiện đại, các nghiệp vụ sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian cho khách hàng và tạo điều kiện cho việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, các thông tin được xử lý tốt hơn, tín dụng được quản lý dễ dàng hơn.
Trong xu hướng nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động Marketing của ngân hàng ngày càng được chú trọng hơn. Hoạt động Marketing thực sự trở thành chiếc cầu nối giữa ngân hàng và khách hàng, đem đến cho khách hàng sự hiểu biết và niềm tin vào ngân hàng, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm ngân hàng có chất lượng, thoả mãn cao nhất nhu cầu cho khách hàng, từ đó thu hút họ đến với ngân hàng nhiều hơn, thường xuyên hơn.