Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một vài cơ sở sản xuất giống cá biển nhỏ lẻ, không đáp ứng được nhu cầu con giống cho người nuôi. Nguồn giống chủ yếu là từ khai thác ngoài tự nhiên (bằng cách câu, bẫy hoặc dùng lưới) và một phần giống cá được mua từ Cát Bà, Hải Phòng hoặc mua từ Trung Quốc. Vì vậy chưa chủ động được nguồn giống, chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng và tính thời gian của con giống cho nghề nuôi cá lồng trên biển cả ở quy mô gia đình và quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó khó kiểm soát được mầm bệnh trên đàn giống, chất lượng giống chưa đảm bảo, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của đàn cá thương phẩm.
Hầu hết các hộ nuôi mua lại cá giống đã được thuần dưỡng của các cơ sở thu gom giống trên địa bàn xã, thị trấn gần đấy. Những hộ nuôi với quy mô lớn thường tự
mua cá giống từ nơi khác về, hoặc tùy từng điều kiện và mục đích sản xuất của từng hộ mà người nuôi tự đánh bắt cá giống ngoài tự nhiên bằng cách câu, đánh lưới...
Bảng 3.6 Tỷ lệ % về nguồn gốc cá giống tại các hộ nuôi ở Vân Đồn
Khai thác tự nhiên
Giống nhân tạo Trung Quốc
Giống nhân tạo trong nước Cá song (%) Cá giò (%) Cá hồng mỹ (%) 35 30 25 60 60 65 5 10 10
Hình 3.7 Tỷ lệ % về nguồn gốc cá giống tại các hộ nuôi ở Vân Đồn
Rõ ràng nguồn giống 3 loài cá song, giò, hồng mỹ từ Trung Quốc đều chiếm tỷ lệ cao nhất, từ 60 – 65%, tiếp theo đến nguồn giống từ khai thác tự nhiên, với tỷ lệ từ 25 – 35% và tỷ lệ thấp nhất (5 – 10%) là nguồn giống nhân tạo trong nước. Tuy nhiên, nguồn giống cá song từ sản xuất nhân tạo (5%) được người nuôi sử dụng ít hơn so với cá giống giò (10%) và hồng mỹ (10%) từ sản xuất nhân tạo. Ở nước ta, cá song tuy đưa vào cho sinh sản nhân tạo thành công từ năm 1999 - 2000, nhưng do ương cá song bột khó khăn nên tỷ lệ sống giai đoạn cá bột đến cá giống còn rất thấp, chỉ 0,102 – 0,416% [9]. Tỷ lệ sống của cá song đạt thấp là tình hình chung đang xảy ra ở nhiều quốc gia. Tỷ lệ sống của cá song trong các thí nghiệm của các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản của AQD/SEAFDEC (Aquaculture Department, South East Asian Fisheries Development Center) chỉ đạt 0,1 – 0,2% [37]. Các nghiên cứu khác ở Đài Loan cũng tương tự, tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng đến cá giống của cá song chỉ đạt từ 1 – 3% [9].
Mặt khác giống cá song đắt (khoảng 30.000 – 50.000đ/con cỡ 6 – 10 cm) hơn so với các loài cá khác từ 10.000 – 30.000 đ/con cùng cỡ nên đối với những hộ có mức thu nhập thấp hay những hộ nuôi cá quy mô nhỏ, lẻ thường tự khai thác cá giống ngoài tự nhiên. Trong khi hiện nay người dân có xu hướng nuôi cá song nhiều hơn cá giò và cá hồng mỹ. Vì vậy cá song giống có nguồn từ khai thác tự nhiên chiếm tỷ lệ khá cao (35%). Qua trao đổi với ngư dân, cá giống khai thác ngoài tự nhiên ngày càng hiếm và khó đánh bắt. Trước đây, nguồn lợi cá giống ở khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh rất phong phú, sản lượng cá giống hàng năm có thể khai thác khoảng 300 nghìn tấn cá song, 10 nghìn tấn cá hồng, cá tráp và 200 nghìn cá vược giống [17]. Trong những năm gần đây do việc khai thác quá mức, thiếu qui hoạch, môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm nặng đã làm cho nguồn lợi giống các cá biển kinh tế bị giảm sút nghiêm trọng. Đây là vấn đề đáng báo động về việc suy kiệt nguồn lợi tự nhiên khi mà nước ta chưa chủ động được nguồn giống.
Ngoài cá song, trong thời gian 1994 - 1995, Viện Nghiên cứu Hải sản - Hải Phòng cũng đã cho sinh sản thành công cá giò, cá hồng và cá tráp. Nhưng tỷ lệ sống của cá bột đến cá giống còn rất thấp, dưới 1% [17 ]. Năm 1999, Viện đã sản xuất nhân tạo được 10.000 cá giò giống cỡ 10 – 15cm, cung cấp cho ngư dân và một số cơ sở sản xuất nuôi lồng trên biển của Quảng Ninh và Hải Phòng [17]. Mặc dầu vậy, số lượng cá giống sản xuất được ở những cơ sở này chỉ dừng lại ở mức rất hạn chế.
Từ năm 2005 đến nay Trại Nuôi trồng Thủy sản 4 (Trường Cao đẳng Thủy sản) đã cho sinh sản nhân tạo thành công nhiều loài cá biển như cá tráp đen, cá tráp vây vàng, cá hồng đỏ, cá vược, cá hồng mỹ, cá giò; mới đây nhất là cá sủ đất và cá chim vây vàng. Hiện Trại đang tiếp tục duy trì và nhân rộng cá giống chất lượng để cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Ninh, hiện tỉnh đang xây dựng trại sản xuất và khu nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà, dự kiến công trình sẽ đi vào hoạt động và cung cấp giống thủy hải sản cho địa bàn tỉnh vào năm 2012 [6].