Tình hình nghiên cứu tại Campuchia

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trong hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI (system of rice intensification) cho vùng đất không chủ động nước tại Cao Bằng (Trang 32 - 33)

Cây lúa là cây lương thực quan trọng nhất ở Campuchia, năm 1997, trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (CEDAC – Centre Etude et de Developpement agricole Cambodgien) đã được thành lập như một tổ chức phi chính phủ với mục đích để phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ thông qua việc nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng. Tổ chức này đã và đang hợp tác với nông dân để xúc tiến, đẩy mạnh nền nông nghiệp bền vững ở Campuchia, với mục tiêu là sản xuất hợp lý trong vùng trang trại, hiệu quả sinh thái của các biện pháp thâm canh lúa và sự hòa hợp của các cây trồng trong hệ thống canh tác [26].

SRI được giới thiệu với Campuchia bởi CEDAC vào năm 2000, lúc đầu chỉ có 28 nông dân tham gia thử nghiệm SRI. Trong những năm đầu tiên, nông dân rất khó chấp nhận những nguyên tắc của SRI, đặc biệt là việc cấy mạ non lần lượt trong một ô vuông thay cho các hàng. Nhưng những kết quả đạt được về sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa đa làm cho mọi người dân chấp nhận các kỹ thuật này. Khi những ruộng lúa áp dụng thâm canh theo SRI bắt đầu trỗ và vào chắc, những người nông dân xung quanh rất ngạc nhiên và tò mò muốn tìm hiểu về SRI. Mặc dù nhìn thấy kết quả của các biện pháp SRI, họ vẫn nghĩ rằng những người nông dân làm thí nghiệm đã nhận được những hạt giống đặc biệt, và nhiều nông dân quan tâm đã bắt đầu đặt hàng hạt giống cho mùa tới.

Năm 2002, sau hai lượt thí nghiệm, một vào mùa mưa và một vào mùa khô, CEDAC đã giành được sự tin tưởng của nông dân tham gia thí nghiệm về SRI. Họ cũng đã sửa đổi các nguyên tắc canh tác của SRI cho phù hợp với tập quán canh tác của nhiều địa phương khác nhau. Một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Khmer về SRI, với những hình vẽ minh họa đã được xuất bản để phổ biến tới nhiều nông dân [26].

Bên cạnh đó, CEDAC còn chia sẻ kinh nghiệm của họ về SRI với những nước khác trong vùng, họ đã thiết lập sự liên hệ để chia sẻ kinh nghiệm với khoa nông học - đại học Los Banos, Philippines (UPLB – University of the Philippines at Los Banos), họ cũng chia sẻ kinh nghiệm của họ với các cán bộ nông nghiệp của Community Aid Abroad (CAA), một tổ chức phi chính phủ của Lào. Cuối tháng 10, đầu tháng 11, nhứng nông dân ở Campuchia đã chia sẻ kinh nghiệm của họ với nông dân và các thành viên của các tổ chức phi chính phủ đến từ Thái Lan, Inđonêsia, Philippines, Bangladesh và Ấn Độ trong một cuộc họp diễn ra ở Thái Lan vào tháng 10, tháng 11 năm 2001 [26].

Do những thành công ban đầu của SRI, chính phủ Campuchia, đặc biệt là ngài bộ trưởng bộ nông nghiệp Chan Sarun, đã chính thức bắt đầu ủng hộ và thúc đẩy phát triển SRI trong năm 2005. Kể từ đó SRI đã được đẩy mạnh trong tất cả các tỉnh của Campuchia. Theo báo cáo chính thức của MAFF (thư ký SRI), số nông dân của Campuchia tham gia SRI là 104.000 nông dân, bao gồm 58.000 ha diện tích canh tác. Năng suất trung bình của SRI là 3,53, tấn/ha, so với năng suất lúa bình quân của cả nước là 2,62 tấn/ha.. Nông dân làm việc với trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (CEDAC), đã bắt đầu thay đổi hệ thống canh tác của họ, khi áp dụng SRI họ có thể tăng năng suất lên gấp đôi hoặc gấp ba sản lượng. Sản lượng lúa tăng từ 1,5-1,8 tấn/ha lên 2,5-4 tấn/ha (tăng từ 50- 150%), lượng hạt giống giamt ừ 70-80%, phân bón hóa học giảm 50% (từ 150kg/ha xuống còn 75 kg/ha) [29][30]..

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trong hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI (system of rice intensification) cho vùng đất không chủ động nước tại Cao Bằng (Trang 32 - 33)