Lứa tuổi học sinh THPT đã xuất hiện và hình thành rất nhiều loại động cơ học tập đan xen, bao trùm là động cơ mang ý nghĩa xã hội và động cơ cá nhân. Thái độ của thanh niên học sinh đối với các môn học trở nên có tính lựa chọn hơn.
Đặc điểm nổi bật về sự phát triển trí tuệ của thanh niên học sinh là: tính chủ định, tính chủ động, tính tích cực, tính tự giác được thể hiện rõ rệt ở tất cả các quá trình nhận thức. Có thể nói, năng lực tư duy, năng lực tưởng tượng và các khả năng khác ở thanh niên được hoàn thiện nhanh chóng và có chất lượng cao:
Các quá trình cảm giác và tri giác đạt tới mức độ hoàn thiện và tinh tế. Tri giác có mục đích đã đạt tới mức độ cao, quan sát trở nên có mục đích, có hệ thống và toàn diện hơn.
Ở tuổi thanh niên học sinh, ghi nhớ có chủ định giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động trí tuệ của các em. Đồng thời, vai trò của ghi nhớ lôgic trừu
tượng, ghi nhớ ý nghĩa ngày một rõ rệt (các em biết sử dụng tốt hơn các phương pháp ghi nhớ: tóm tắt ý chính, so sánh đối chiếu, ...). Khả năng tư duy lý luận, tư duy độc lập, sáng tạo rất phát triển. Các em tư duy lôgic, chặt chẽ, có căn cứ và nhất quán hơn lứa tuổi trước; đồng thời tính phê phán của tư duy cũng phát triển. Khả năng vận dụng các thao tác tư duy khá nhuần nhuyễn và đạt kết quả cao. Vốn từ của thanh niên phong phú, đa dạng và chính xác hơn thiếu niên. Quá trình tự ý thức diễn ra sôi nổi, khả năng tự giáo dục, tự tu dưỡng cũng khá phát triển ở lứa tuổi thanh niên học sinh.
Sự thay đổi về đặc điểm tâm lí một cách có chiều sâu như vậy đã tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh có thể hoạt động học tập độc lập ở một mức độ nhất định, có nhu cầu học hỏi từ xung quanh, trau dồi kiến thức, kỹ năng từ các hoạt động học tập mang tính tích cực, chủ động, độc lập hay hợp tác. Điều này cho thấy sự phù hợp khi vận dụng hình thức học theo hợp đồng vào giảng dạy cho lứa tuổi học sinh THPT theo góc độ tâm lí học.