2.1.2.1.Một số qui định của Việt Nam
Có thể nhận thấy, kể từ khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, môi trường pháp luật của Việt Nam đối với lĩnh vực thương mại quốc tế càng ngày phát triển, tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển. Đầu tiên phải kể đến là sự cam kết về hàng hóa của Việt Nam dẫn đến nhiều thay đổi. Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp, cá nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Các mức thuế quan cũng được cắt giảm, tạo điều kiện cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Cụ thể:
Giảm thuế nhập khẩu: Tại thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của 3.800 dòng thuế (chủ yếu là các dòng có thuế suất trên 20%), ràng buộc ở mức thuế hiện hành với khoảng 3.700 dòng và ràng buộc mức thuế trần (cao hơn mức thuế suất tại thời điểm đó) với khoảng 3.700 dòng thuế.
Theo cam kết về cắt giảm thuế suất của Việt Nam khi gia nhập WTO, Chính phủ đã cho ban hành Thông tư 193/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 về Biểu khung thuế xuất khẩu, Biểu khung thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có quy định:
- Thay đổi thuế suất của hơn 1000 dòng thuế, trong đó thuế suất của 945 mặt hàng được cắt giảm theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết WTO năm 2012 (những dòng có mức thuế suất năm 2011 cao hơn mức cam kết WTO năm 2012 nên phải cắt giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức cam kết WTO năm 2012)
- Điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu của 87 dòng thuế là các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được hoặc để khắc phục bất hợp lý, bảo đảm phù hợp với mức thuế nhập khẩu thành phẩm hoặc mối tương quan với các mặt hàng khác tương tự cùng nhóm. Trong số 87 dòng thuế giảm, có 7 dòng thuế có mức giảm từ 1- 2%, 80 dòng thuế có mức giảm nhiều hơn.
- Điều chỉnh thuế suất do cơ cấu lại số lượng mức thuế suất nhằm đơn giản trong thực hiện. Với việc thực hiện cơ cấu lại mức thuế suất, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 chỉ còn 33 mức (giảm 15 mức so với năm 2011). (Bộ Tài Chính, Những
thay đổi của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng từ năm 2012)
Việc đưa ra biểu thuế mới đã khiến thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mở cửa hơn so với trước khi gia nhập WTO, tạo cơ hội thu hút các nhà nhập khẩu kinh doanh các loại hình hàng hóa, dịch vụ vào Việt Nam. Việc đơn giản hóa các mức thuế suất cũng giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, việc một loạt các thông tư, nghị định được thông qua nhằm điều chỉnh lại các mức thuế suất của một số các mặt hàng, cũng như việc có sự thay đổi về thuế suất của các mặt hàng trong biểu thuế hằng năm, có thể thấy Luật thuế xuất nhập khẩu hiện nay vẫn mang tính chất luật khung, quy định những điểm cơ bản, tổng quát về các đối tượng điều chỉnh. Còn thuế suất hay giá tính thuế lại quy định cụ thể, chi tiết ở những văn bản dưới luật với tính ổn định không cao. Đây còn là một yếu điểm của pháp luật về thuế xuất nhập khẩu ở Việt Nam, vẫn đang được các nhà làm luật nghiên cứu và khắc phục để tăng cường tính cạnh tranh cho môi trường nhập khẩu trong nước cũng như thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
2.1.2.3.Môi trường pháp lý về xuất khẩu tại Trung Đông
Tính đến nay, đã có 5 nước trên tổng số 19 quốc gia Trung Đông gia nhập WTO, gồm: Kuwait, Bahrain, Ai Cập, Qatar, và United Arab Emirates (UAE), và 4 nước hiện tại đang trong quá trình đàm phán để gia nhập tổ chức này. Đó là các nước: Saudi Arabia, Jordan, Oman, Lebanon. Trong vài năm trở lại đây, cùng với quá trình đàm phán để gia nhập WTO, các nước này cũng đã tiến hành cải cách và thay đổi môi trường pháp luật, tiến tới là đáp ứng các nhu cầu khi trở thành thành viên của tổ chức. Nhìn chung, do cùng tham gia vào WTO, luật pháp về xuất nhập khẩu ở các nước này có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Tổ chức này bao gồm 6 nước thành viên: Kuwait, Bahrain, Ai Cập, Qatar, UAE và Saudi Arabia.