Trong nước

Một phần của tài liệu Thực trạng bảo quản lạnh sâu mảnh xương sọ để ghép tự thân tại labo bảo quản mô trường đại học y hà nội từ 2002 – 2010 (Trang 28 - 33)

Hiện nay, các mảnh xương sọ sau khi mổ giải áp được bảo quản tại một số trung tâm bảo quản mô: Ngân hàng mô – Trường Đại học Y khoa Phạm

Ngọc Thạch; Labo bảo quản mô -Trường Đại học Y Hà Nội. Theo Trần Công Toại, kể từ khi thành lập (1999) cho đến tháng 11/2007, ngân hàng mô - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã lưu trữ gần 18.000 mẫu xương sọ, trong đó có khoảng 8000 mẫu đã được ghép lại cho chính người bệnh. Nhưng tính đến hết năm 2010, theo Trần Công Toại đã có hơn 26.000 mảnh xương sọ được bảo quản lạnh sâu tại labo và khoảng 15.000 mẫu được ghép lại cho bệnh nhân. Như vậy chỉ trong vòng 3 năm sau đó số lượng mảnh xương bảo quản cũng như ghép lại đã tăng lên rất nhiều. Điều này phản ánh một thực tế là các nhà ngoại khoa đã thấy được những ưu điểm của mảnh ghép bảo quản lạnh sâu hơn các phương pháp khác và lựa chọn ưu tiên số một để bảo quản cho các mảnh xương sau phẫu thuật là phương pháp bảo quản lạnh sâu. Sự ra đời của ngân hàng mô ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấy ghép mô xương tự thân được tiến hành rộng rãi, mặc dù chưa thể đáp ứng được đủ nhu cầu. Năm 2002, Nguyễn Kim Chung đã báo cáo 107 trường hợp được tạo hình sọ bằng xương sọ tự thân bảo quản lạnh sâu tại labo từ tháng 1/2000 đến 6/2000 cho kết quả tạo hình rất tốt [5].

Năm 2002, Labo bảo quản mô - Trường Đại học Y Hà Nội đã nghiên cứu ứng dụng qui trình bảo quản lạnh sâu để bảo quản các mảnh xương sọ. Tại Labo bảo quản mô -Trường Đại học Y Hà Nội trong 8 năm áp dụng, đã có hơn 3000 mảnh xương sọ được bảo quản, trong đó hơn 2000 mảnh đã được ghép trả lại cho bệnh nhân. Phương pháp hiện đang được Labo áp dụng là phương pháp bảo quản lạnh sâu. Cũng có một số nghiên cứu đánh giá về quy trình bảo quản tại labo. Nguyễn Thị Thuý Hằng đã báo cáo: từ 2/2002 đến 2/2005, labo đã bảo quản được 410 mẫu, trong đó 4,9% mẫu có kết quả cấy khuẩn lần 1 dương tính (cấy khuẩn trước khi xử lý mảnh xương để đánh giá tình trạng vô khuẩn); các bệnh lý viêm xương, thời gian vận chuyển mảnh xương đến labo chậm, đóng gói không đúng quy cách và tình trạng mảnh

xương còn nhiều cân cơ sau phẫu thuật có liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn mảnh xương trước khi bảo quản lạnh sâu [8]. Sau đó, năm 2008 Đào Xuân Lý đã nghiên cứu trên 86 trường hợp phẫu thuật tạo hình ổ khuyết sọ bằng xương sọ tự thân bảo quản lạnh sâu ở labo tại Bệnh viện Xanh Pôn và cho kết quả lâm sàng sau phẫu thuật khá tốt: 68% bệnh nhân hết đau đầu, 97,1% hết đau tại ổ khuyết, 96,5% đạt kết quả tốt về tạo hình [13]. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng phương pháp bảo quản mảnh xương sọ ngoài cơ thể mới đưa vào áp dụng ở nước ta khoảng 10 năm nay và hiện mới áp dụng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội (Đại học Y Hà Nội) và TP Hồ Chí Minh (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Chính vì vậy các báo cáo, tổng kết cũng như các công trình nghiên cứu chưa nhiều, đặc biệt là nghiên cứu về hiệu quả cấy ghép và khả năng liền xương.

Ngày nay phương pháp tạo hình khuyết sọ bằng xương sọ tự thân bảo quản lạnh sâu đang được thực hiện ở các nơi có chuyên ngành phẫu thuật thần kinh. Ưu điểm của ghép xương tự thân là dùng lại đúng mảnh xương sọ của bệnh nhân, là mảnh ghép lý tưởng nhất vì: vừa với kích thước và hình dạng, không gây phản ứng miễn dịch, kích thích sinh xương tạo xương mới tốt nhất, đảm bảo độ cứng..

1.6. Các vật liệu thay thế mảnh xƣơng sọ [7], [13], [20], [25], [28], [29], [33], [42], [47] [33], [42], [47]

Lịch sử nghiên cứu tạo hình hộp sọ cho thấy có nhiều loại vật liệu khác nhau phục vụ cho công tác điều trị. Các vật liệu này cần phải hướng theo tiêu chuẩn của một vật liệu lý tưởng, bao gồm [13]:

Có tính phù hợp mô cao.

Bền, không bị ion hoá và không bị ăn mòn. Dễ uốn và dễ tạo hình.

Sẵn sàng để sử dụng. Dễ tiệt trùng.

Các vật liệu:

Titan: Không cho tia X đi qua, tương hợp mô cao, không bị ăn mòn, tuy nhiên khó uốn khuôn khi mổ và đắt tiền. Vì không cho tia X đi qua nên sẽ gây khó khăn cho các bác sỹ trong việc thăm khám não về sau nếu phải chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ, [28], [29].

Cacbon composite: Vật liệu làm mảnh ghép là tổ hợp cacbon hay composite cacbon - một loại polymer được trộn lẫn với sợi cacbon theo tỷ lệ nhất định. Nó tương thích sinh học với cơ thể con người, nghĩa là có độ bền, xốp, độ dẫn nhiệt và độ dày gần giống xương sọ, dễ tiệt trùng và giá thành rẻ. Ngoài ra, nó không cản quang như titan nên cho phép các bác sỹ thuận lợi trong thăm khám lần sau. Ở Việt Nam đã sản xuất được vật liệu cacbon “Intost-2” và nhiều tác giả đã dùng vật liệu này cho kết quả tốt [7], [20], [33].

Nhựa Acrylic (Methyl Methacrylate): Được sử dụng dưới hai dạng: Một dạng được làm sẵn và một dạng được làm cùng thời điểm phẫu thuật. Nhựa acrylic được làm để tạo hình cùng thời điểm phẫu thuật sẽ gây một số nhược điểm: do nó gây ra phản ứng toả nhiệt, chính vì vậy sẽ gây tổn thương mô xung quanh, gây tăng tiết dịch mạnh và gây nhiễm trùng. Vì vậy, để khắc phục những nhược điểm trên ta có thể sử dụng nhựa acrylic đã được làm sẵn, đồng thời sẽ rút ngắn thời gian phẫu thuật [25], [33].

Gốm (ceramic): có đặc tính ổn định, cứng, tương hợp mô, nhưng bất lợi là dễ vỡ.

Xi măng sinh học [42]: gồm 2 thành phần là bột và dung môi. Khi trộn chúng với nhau theo tỉ lệ quy định, ta sẽ tạo thành một loại bột nhão. Khi đặt vào nơi cần tạo hình, bột nhão này sẽ chảy vào và ôm sát mọi ngóc ngách của khuyết hổng và đông cứng trong khoảng 6 phút. Trong thời gian này,

phẫu thuật viên sẽ tranh thủ tạo hình mặt ngoài sao cho khớp với những đường nét của xương. Nếu cần, phẫu thuật viên có thể dùng khoan để điêu khắc cho những đường nét của mảnh ghép trở nên hoàn hảo. Nhờ vậy, ca phẫu thuật sẽ đạt hiệu quả thẩm mỹ rất cao, mô ghép gần như không di lệch. Xi măng sinh học đã bộc lộ các ưu điểm: dung nạp tốt, có độ cứng, độ chịu lực tốt, ít bị di lệch …mà lại dễ tạo hình theo ý muốn. Chi phí dùng xi măng sinh học thấp hơn nhiều so với titan và các vật liệu khác. Nhược điểm chính của xi măng sinh học là đông cứng rất nhanh nên phẫu thuật viên cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ và phải thao tác thật khéo léo, chính xác.

Các vật liệu khác: kim loại (vàng, bạc, nhôm), tantalium, nhựa cứng, kính hữu cơ…, nhưng các vật liệu này không còn được sử dụng rộng rãi nữa.

Như vậy, có rất nhiều vật liệu có thể sử dụng để tạo hình sọ như: xương tự thân (xương sọ, xương sườn, xương chậu...), xương đồng loại, xương dị loại và các vật liệu thay thế mô xương. Mỗi vật liệu đều có những ưu nhược điểm riêng. Nhưng trong tất cả các vật liệu đó, mảnh xương sọ của chính bệnh nhân được bảo quản lạnh sâu để ghép lại là lựa chọn phù hợp nhất trong điều kiện hiện tại ở nước ta.

CHƢƠNG 2

Một phần của tài liệu Thực trạng bảo quản lạnh sâu mảnh xương sọ để ghép tự thân tại labo bảo quản mô trường đại học y hà nội từ 2002 – 2010 (Trang 28 - 33)