CHƢƠNG 4 BÀN LUẬN
4.1.1. Tình hình mẫu mô xương sọ gửi bảo quản trong 9 năm
Trong 9 năm, kể từ 2002 đến hết 30/12/2010 đã có 3587 mẫu xương sọ được gửi bảo quản tại labo. Tỉ lệ ghép lại đạt 61,8%; tử vong 20,2%; chưa ghép lại 17,8% (Bảng 3.1). Trong khi đó, từ 1999 đến tháng 11/2007, theo Trần Công Toại, labo bảo quản mô - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã bảo quản được gần 18.000 mẫu xương sọ, trong đó cấy ghép trở lại khoảng 8.000 mẫu, đạt tỉ lệ 44,4%. Nếu so sánh 2 trung tâm trong nước chúng ta thấy số mẫu bảo quản tại labo - Đại học Y Hà Nội chỉ bằng 1/5 so với labo bảo quản tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Điều này có thể do labo được thành lập và đi vào hoạt động sớm hơn nên thông tin về labo đến các bệnh viện, đặc biệt đến các trung tâm phẫu thuật thần kinh rộng rãi hơn. Các nhà lâm sàng đã nhận thấy việc sử dụng mảnh xương sọ bảo quản lạnh sâu của chính bệnh nhân là vật liệu phù hợp trong điều kiện hiện tại của nước ta. Mặc dù thành lập muộn hơn, số mẫu xương sọ gửi ít hơn rất nhiều, nhưng tỉ lệ ghép lại tại labo bảo quản trường Đại học Y Hà Nội lại cao hơn. Số lượng mảnh xương ghép lại đánh giá một phần hiệu quả của phương pháp bảo quản.
Trong 638 mẫu chưa ghép lại: có 5 mẫu xương được các nhà bảo quản và các nhà lâm sàng khuyến cáo không ghép lại do bị biến tính vì để lâu trong tủ lạnh thường tại bệnh viện. Trong 5 mẫu trên có 3 mẫu được gửi từ bệnh viện Việt Đức (60%), 1 mẫu gửi từ bệnh viện Hà Giang và 1 mẫu gửi từ bệnh viện Thanh Nhàn; 157 mẫu có thời gian bảo quản trên 5 năm, những mẫu này các nhà bảo quản mô cũng khuyến cáo không nên ghép lại. Vì theo các nghiên cứu,
phương pháp bảo quản lạnh sâu ở nhiệt độ từ -600C đến -800
C chỉ bảo quản được trong vòng 5 năm. Nếu vượt quá thời gian đó một số protein có mặt trong chất căn bản xương như BMP có thể bị biến tính. Chính protein BMP này sẽ kích thích quá trình tái tạo lại xương ở vùng lân cận của mảnh ghép. Nếu lựa chọn mảnh xương sọ của bệnh nhân, có thể sẽ ảnh hưởng đến tình trạng của mảnh xương cũng như tình trạng của bệnh nhân sau khi được cấy ghép [30]. Tuy nhiên, các mẫu xương đó hiện vẫn được bảo quản tại labo vì nguyện vọng của người nhà bệnh nhân. Thêm vào đó, nếu bệnh nhân có đủ điều kiện để ghép lại về mặt lâm sàng, các nhà phẫu thuật vẫn có thể cân nhắc nên lấy mẫu xương sọ đó làm vật liệu cấy ghép hay dùng các vật liệu khác thay thế. Việc lựa chọn vật liệu nào để cấy ghép cần phải tính toán đến ưu nhược điểm của chúng. Ngoài ra, có 25 mẫu để ở tủ lạnh thường tại bệnh viện trên 7 ngày, những trường hợp này cần phải đảm bảo nghiêm ngặt về quy trình xử lý, bảo quản tiếp theo, đặc biệt kết quả cấy khuẩn lần 2 phải âm tính mới được ghép lại. Trong số 25 mẫu này, có tới 21 mẫu được gửi từ bệnh viện Việt Đức (chiếm 84%), 3 mẫu gửi từ bệnh viện Xanh Pôn (chiếm 12%) và 1 mẫu gửi từ bệnh viện Hà Giang. Những mảnh xương này dù được ghép lại sẽ có thể có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc ghép. Để đánh giá được điều này cần có thêm nghiên cứu về khả năng liền xương, tình trạng của mảnh ghép sau khi được ghép lại theo thời gian.
Bên cạnh đó, có 10 mẫu xương sau mổ được cấy dưới da bụng, nhưng vì lý do nhiễm khuẩn nên phải lấy ra và gửi bảo quản tại labo. Mảnh xương cấy dưới da bụng đã được chứng minh là có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, dễ bị ăn mòn, di chuyển nhưng một số bệnh viện vẫn tiến hành cách bảo quản này vì nhiều lý do. Năm 2007, có 1 mẫu cấy dưới da bụng được thực hiện tại bệnh viện Việt Đức; năm 2009 có 3 trường hợp tại BV Đa khoa Thanh Hoá. Thậm chí năm 2010, có 3 trường hợp được thực hiện tại bệnh viện Việt Trì – Phú
Thọ, 1 trường hợp tại BV Đa khoa Vĩnh Phúc. Labo bảo quản đã đi vào hoạt động từ 2002, những ưu điểm của phương pháp bảo quản lạnh sâu mảnh xương sọ cũng đã được nghiên cứu nhiều, song vẫn còn những trường hợp bệnh nhân được cấy ghép dưới da bụng sau phẫu thuật mở hộp sọ. Để lý giải cho điều này, có thể do thói quen phẫu thuật của một số bác sỹ; sự tiếp cận với những thông tin liên quan đến kỹ thuật bảo quản mô của các nhà ngoại khoa chưa được cập nhật.
Có 726 trường hợp bảo quản nhưng không ghép lại vì bệnh nhân tử vong, chiếm 20,2%. Nhiều trường hợp trong số đó phải bảo quản hàng năm, thậm chí 3-4 năm. Gia đình chấp thuận bảo quản như một phần thân thể của người bệnh, khi chết mang về an táng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong ngay trong ngày đầu, tuần đầu. Theo chúng tôi, các bác sỹ phẫu thuật nên có tiên lượng sát với tình trạng bệnh nhân để hạn chế những trường hợp phải mang xương đi bảo quản nhưng không ghép lại được vì bệnh nhân tử vong nhằm giảm chi phí bảo quản, tiết kiệm cho gia đình người bệnh. Cá biệt có từ 0,2% -4% mẫu chúng tôi không khai thác được một trong các thông số như: giới, tuổi, nguyên nhân mở hộp sọ cũng như các yếu tố liên quan đến quy trình xử lý và bảo quản, tình trạng mảnh xương... Điều này do nhiều nguyên nhân: thứ nhất gặp trong những trường hợp bệnh nhân vô danh, không có phiếu gửi mô và không phải người nhà bệnh nhân mang tới gửi; thứ 2 do lỗi của nhân viên phòng bảo quản và khoa ngoại của các bệnh viên quên không ghi đầy đủ thông tin vào phiếu; thứ 3 do lỗi khách quan: một số mẫu đã được đóng gói, xử lý, chiếu xạ tại Thành phố Hồ Chí Minh nên không thể khai thác được tình trạng mảnh xương sau phẫu thuật cũng như số lượng mảnh xương trong một mẫu bảo quản và một số thông tin khác.