Cốt truyện trong bộ tiểu thuyết liên hoàn của Nguyễn Bắc Sơn phần lớn là cốt truyện liền mạch, tuyến tính. Ở đó thời gian cốt truyện trùng với thời gian trần thuật, các sự kiện được triển khai liên tục theo mạch thời gian từ trước đến sau, quan hệ nhân quả được duy trì, kịch tính được chú trọng. Cuốn hút bằng những chi tiết đắt giá, những yếu tố ngoài cốt truyện được xây đắp công phu, được đan cài một cách khéo léo mà tự nhiên. Đây là kiểu cốt truyện truyền thống, ra đời từ thời cổ đại còn tồn tại đến ngày nay, dễ đọc, dễ nắm bắt. Bằng cách ấy, Nguyễn Bắc Sơn, dù đi trên lối cũ, vẫn để lại dấu ấn của riêng mình.
Kiểu trần thuật phổ biến trong tiểu thuyết được viết theo lối truyền thống là thường mở đầu bằng cách giới thiệu về một địa điểm, địa danh nào đó, nói chính xác thì đó chính là bối cảnh không gian của truyện, hoặc mở đầu bằng bối cảnh xảy ra câu chuyện. Trước khi tham gia vào các sự kiện, tình huống truyện, nhân vật thường được giới thiệu khái quát về lai lịch, diện mạo, tính tình. Mở đầu Luật đời và cha con là bối
cảnh xảy ra câu chuyện: “Ngôi nhà hai tầng giữa một con phố cũ, nằm ở khu trung tâm thành phố, vốn của một quan chức thời thuộc Pháp. Hàng rào sắt lửng, nửa dưới là tường gạch phủ đầy hoa tigôn… Ngôi nhà vuông vắn lành lặn, không phình trước đẻ sau, không cơi nới. Cổng sắt gần như còn nguyên vẹn. Chỉ tấm sắt bưng phía dưới bị nước mưa ăn mòn, chứng tỏ chủ nhân ngôi nhà sống nguyên tắc đến mức nào”
[47, tr.1]. Vậy là ngay từ đầu tác giả đã đi theo kiểu trần thuật phổ biến truyền thống. Ngôi nhà được giới thiệu ở đây chính là của gia đình ông Hòe - những nhân vật liên quan đến câu chuyện “Luật đời” trong tác phẩm.
Ngay sau khi giới thiệu bối cảnh câu chuyện, trước khi để cho các nhân vật tham gia vào hệ thống các sự kiện, nhà văn đã phác họa khái quát về từng nhân vật. Chẳng hạn như, ngay ở chương 1 cuốn Luật đời và cha con nhà văn đã miêu tả khái quát về nhân vật ông Hòe. Ông Hòe là một người lính thời chống Pháp, rất phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Bây giờ ông là cán bộ cao cấp trung ương, làm công tác tuyên giáo, phổ biến đường lối chính sách của Đảng. Ngoại hình của ông được giới thiệu qua “bộ mặt
chữ điền” [47, tr.11], “gương mặt to, quắc thước” [47, tr.7], đặc biệt là “cặp lông
mày lưỡi mác” [47,tr.10]. Tính tình của ông “hiền lành, cả ngày chả nói một câu”
[47, tr.7 - 8]. Bà vợ giễu ông là “ông nghị quyết” bởi theo bà suốt ngày ông chỉ biết giảng về nghị quyết. Hay nhân vật Kim Phụng - vợ của ông Hòe cũng được miêu tả khái quát ở chương 3 của tiểu thuyết này. Bà “là một phụ nữ mặt hơi sát xương, tóc
phi dê, áo sơ mi dài tay cổ bẻ có in ba chữ MDV (mậu dịch viên)” [47, tr.65]. Tính
tình đanh đá, chua ngoa, thực dụng. Tuy nhiên, bà Phụng “là người biết cách tổ chức
gia đình” [47, tr.73]. Bà quán xuyến tất tần tật mọi chuyện trong nhà, ngoài nhà. Đặc
biệt, bà là người biết sử dụng triệt để những mối quan hệ của mình để đạt được mục đích. Cứ như vậy, tác giả bao giờ cũng để ra một vài trang sách để giới thiệu khái quát về nhân vật của mình trước khi cho nhân vật tham gia vào quá trình diễn biến của câu chuyện. Điều đó khiến cho người đọc có những hình dung khái quát nhưng cụ thể, chân thực về chân dung, tính cách của nhân vật. Từ đó góp phần nhận diện về nhân vật cũng như có thể có những dự kiến, kiến giải xác đáng cho cách hành xử trước mọi biến cố, sự kiện xảy ra đối với nhân vật.
Cốt truyện truyền thống luôn tuân theo trật tự thời gian, vì thế thường bắt đầu bằng một thời điểm trong quá khứ với cái nhìn hồi cố của người kể chuyện rồi kể
ngược trở lại về phía hiện tại theo dòng tuyến tính. Không khó để gặp trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn những kết cấu như thế. Lối kể chuyện trùng khít thời gian cốt truyện và thời gian trần thuật ấy làm cho câu chuyện trở nên dễ hiểu, dễ nắm bắt, phù hợp với khả năng tiếp nhận của số đông người đọc. Ở chương 2 của Luật đời và cha con sau cuộc “ghé về thăm bố mẹ vợ” [47, tr.29] của anh con rể Trần Kiên, ông Hòe
đã “nhớ tới thằng con trai đầu của người vợ trước ở quê. Giá mà Lê Hồi còn…”. Sau
đó, nhà văn đã dành khoảng 27 trang sách còn lại của chương 2 [47, tr.34 - 61] để hồi tưởng lại chuyện về mẹ con thằng Hồi. Câu chuyện ấy đã là chuyện của quá khứ nhưng nhờ có nó mà ta biết rõ hơn về gia cảnh của ông Hòe cũng như những day dứt, ân hận của ông vì theo ông: “Tôi đã giết hai mẹ con nó” [47, tr.61]. Đến chương 4, mở đầu cũng là những trang sách hồi cố lại sự việc xảy ra trong quá khứ. Đó là chuyện ông Hòe được mời về phổ biến nghị quyết ở quận Hoàng Long và được “xin ý kiến về một vấn đề do thực tiễn công tác đặt ra mà họ còn lúng túng không biết làm
thế nào để gỡ” [47, tr.81]. Vấn đề đó là việc xem xét để kết nạp Đảng cho Trần Kiên
- phân xưởng trưởng phân xưởng Cơ khí Động lực. Trần Kiên là một kĩ sư trẻ mới ra trường mấy năm, có trách nhiệm trong công việc, thẳng thắn, dám nghĩ dám làm. Anh đã kiên quyết không để ba công nhân “một người đã có tuổi, hai người trung niên” đi họp chi bộ khi đang trong giờ làm việc. Việc làm này đã khiến anh bị gọi lên văn phòng Đảng ủy để khiển trách, rồi cả việc xem xét kết nạp Đảng của anh cũng bị ảnh hưởng. Song cuối cùng, lẽ công bằng đã thuộc về anh, anh được kết nạp Đảng. Chỉ khoảng 8 trang sách, tác giả đã giúp ta hình dung khái quát về một trong những nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết liên hoàn với những phẩm chất rất đáng quý trọng. Khảo sát số chương sách có hồi cố trong Luật đời và cha con , chúng ta có được tỉ lệ 50%, chiếm 10/20 chương. Như vậy, có thể nhận thấy, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn khá dụng công trong việc sử dụng cái nhìn hồi cố. Cách viết này khiến câu chuyện được kể diễn ra tự nhiên, theo trình tự thời gian. Đồng thời nhờ nó bạn đọc có thể nắm bắt, theo kịp với diễn tiến của câu chuyện.
Hầu hết những câu chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn là câu chuyện về cơ chế, về xã hội, về cuộc sống với những con người rất người và rất đời. Cốt truyện mang tính truyền thống của Nguyễn Bắc Sơn cuốn hút người ta bởi cái duyên ngầm. Nét duyên ấy ẩn hiện trong mỗi tiểu thuyết của ông, do vậy, tuy nói về những vấn đề
chính trị nhưng không khô khan, nhàm chán mà còn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Trong bộ tiểu thuyết liên hoàn của mình, Nguyễn Bắc Sơn đã vẽ lên được gần như toàn cảnh cuộc sống hôm nay với những chuyện về gia đình, về xã hội và cơ chế hiện tại.
Luật đời và cha con chủ yếu xoay quanh câu chuyện về một gia đình - những
con người thật bằng xương bằng thịt trong xã hội mới. Đại gia đình ông Hòe có tới 3 thế hệ: thế hệ thứ nhất: Ông Hòe, bà Kim Phụng; thế hệ thứ hai: Lê Đại, Thụy Miên,Trần Kiên, Thảo Tần (những đứa con); thế hệ thứ ba: Lê Cường, Thùy Dương, cu Thành (những đứa cháu). Ba thế hệ ấy với tuổi tác, công việc, cách nhìn đời, nhìn người khác nhau nên đã có những hành xử khác nhau trước sóng gió cuộc đời. Không thể nói rằng ông Hòe là trụ cột của gia đình vì ông có một bà vợ tháo vát, biết quán xuyến mọi công việc của gia đình. Nhưng có thể khẳng định chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, nơi để các con tìm thấy bình yên sau những xô đẩy của dòng đời chính là ông bố Lê Hòe. Lê Hòe vốn từng là lính trong kháng chiến chống Pháp, sau này ông là cán bộ Tuyên giáo. Do vậy, ông bố này là người sống có nguyên tắc và có vốn hiểu biết, tầm nhìn khá sâu rộng. Điều này đã khiến các con luôn tìm đến ông để hỏi ý kiến, bàn luận về những vấn đề quan trọng và họ cũng luôn nhận được những câu trả lời thỏa đáng từ phía ông. Tuy nhiên, là lớp người của thế hệ trước, ông không tránh khỏi có những hạn chế trong tư tưởng, suy nghĩ. Chẳng hạn như trước việc con trai Lê Đại xin ra khỏi Đảng, ông Hòe đã có những phản ứng rất mạnh: “Con tôi xin ra khỏi Đảng? Anh có còn để cho tôi nhìn mặt mọi người không? Có để cho tôi sống
nữa không đây?” [47, tr.166]. Anh con trai Lê Đại là một trong những người cấp tiến
trước thời cuộc, thích ứng nhanh với guồng máy cơ chế thị trường. Lê Đại vốn là lính, sau đó anh xin ra quân về một cơ quan kinh tế thành phố Thanh Hoa, rồi xin ra khỏi Đảng. Trước việc xin ra khỏi Đảng của mình, suy nghĩ của anh rất giản đơn: mình xin ra khỏi Đảng không phải vì mình không tán thành cương lĩnh, lí tưởng hằng theo đuổi mà chỉ vì một hình thức như nó đang có anh không theo được. Sau này, tích lũy đủ kinh nghiệm làm ăn, vốn liếng, anh thành lập Công ty cổ phần Sao Việt. Anh đã rủ những người bạn trong quân ngũ ngày xưa cùng tham gia, góp vốn làm ăn. Chẳng mấy chốc công ty làm ăn phát đạt, ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh. Anh đã cưới Kiều Linh - người tình cũ của con trai về làm vợ. Cuộc sống của hai vợ chồng thuận bồm xuôi gió, công việc ngày càng phát triển. Lê Đại đã có cuộc sống
sung túc, hạnh phúc - là niềm ao ước của rất nhiều người trong xã hội. Lê Đại chính là đại diện tiêu biểu cho những con người tích cực trong xã hội mới với cơ chế mới.
Lửa đắng không còn là câu chuyện về một gia đình mà ở đây là chuyện của toàn
xã hội, chuyện cơ chế. Hay nói khác đi, vấn đề được nói đến trong Lửa đắng rộng hơn, bao quát hơn ở Luật đời và cha con. Qua hơn 600 trang sách, ta thấy các nhân vật đổi vị trí liên tục. Trần Kiên được xóa án kỉ luật, khôi phục chức bí thư Quận ủy đồng thời kiêm chức chủ tịch quận, được bầu vào Trung ương, được đề bạt phó chủ tịch thành phố. Đoàn Hùng từ thư kí trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Thảo Tần xin từ chức Phó hiệu trưởng trở về với nghề dạy học quen thuộc. Thanh Diệu từ chức Phó Chủ tịch Ủy ban để về công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố. Sán leo lên đến chức phó giám đốc Sở thì bị vạch rõ chân tướng,…qua những nhân vật này, nhà văn khiến người đọc hình dung được sự sắp xếp nhân sự đang diễn ra khẩn trương, nhanh chóng ở cấp thành phố và trên thành phố. Sự sắp xếp nhân sự này là sự chuyển đổi, xáo trộn tất nhiên của những cá nhân trong cơ chế mới của thời kì đổi mới. Nói như Vũ Duy Thông: “Không thể có một dàn nhân sự hoàn hảo trong một hệ thống tổ chức không có chút bất hợp lý nào, nhưng qui luật của cuộc sống đòi hỏi phải tiến tới sự hợp lý và nhất định sẽ tiến tới sự hợp lý, cho dù sự hợp lý luôn chỉ là một cái đích, không bao giờ hoàn toàn đạt được, đó là điều tác giả muốn nhắn gửi
tới bạn đọc và đó cũng là tính luận đề ẩn sâu trong Lửa đắng” [51, tr.7]. Tiểu thuyết
nói về những bảo thủ, hạn chế trong bộ máy hành chính thời hiện đại - tất cả qui cho trách nhiệm tập thể, cho cơ chế, cho người tiền nhiệm. Vậy là, tất cả đều có liên quan nhưng bản thân mình chỉ là một mắt xích nhỏ trong hệ thống gây ra những sai lầm, khuyết điểm ấy. Chính vì vậy, cơ chế xã hội rơi vào tình trạng trì trệ, bảo thủ. Đó còn là tình trạng dối trên chèn dưới, yếu kém, vô trách nhiệm của nhiều cấp cơ quan bảo vệ pháp luật,…Tuy có những con sâu tạo nên trì trệ, yếu kém trong xã hội, song người đọc không hề thất vọng mà còn bị lôi cuốn vào những câu chuyện chính trị ấy. Đây chính là duyên ngầm trong cách kể chuyện của nhà văn. Bởi lẽ nhà văn đã biết đưa vào trong câu chuyện của mình những âm hưởng lạc quan, những phẩm chất cao đẹp đó là Tổng Bí thư, là Kiên, là Đại, là Đoàn Hùng, Thanh Diệu, Thảo Tần và một số nhân vật khác. Họ chính là những con người tích cực của thời đại mới.
Có thể nói rằng, Nguyễn Bắc Sơn luôn trung thành với lối viết truyền thống, cốt truyện cổ điển với mạch tuyến tính, trật tự nhân quả. Cốt truyện ấy khiến câu chuyện rất dài mà vẫn logic, liền mạnh. Đồng thời giúp người đọc có thể nắm bắt, theo kịp với nội dung, diễn biến của câu chuyện.