Ngôn ngữ hài hước, dí dỏm

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn (Trang 89 - 92)

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại càng ngày càng gần với hiện thực đời sống. Chất liệu đó khiến cho tiểu thuyết giống như bức tranh đa màu, đa sắc diện về cuộc đời, về con người. Càng gần với hiện thực bao nhiêu thì những mặt trái, những nghịch lí xã hội lại càng rõ bấy nhiêu. Phản ánh điều đó, tiểu thuyết đã đan xen tự nhiên những câu chuyện hài hước với ngôn ngữ hài hước, dí dỏm. Nguyễn Bắc Sơn là một trong số các nhà văn thành công với thứ ngôn ngữ này trong tiểu thuyết của mình.

Tiếng cười được bật ra trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn là từ những tình tiết bất ngờ mang đậm yếu tố bi hài, từ những câu chuyện hài hước với ngôn ngữ hài hước, dí dỏm. Ta có thể kể ra rất nhiều những mẩu chuyện hài hước, dí dỏm được kể đan xen trong tiểu thuyết của ông. Mỗi câu chuyện đều được rút ra từ chính thực tế cuộc sống, đều phản ánh cuộc sống, đều ngầm rút ra những ý nghĩa riêng: từ thời bao cấp đến hiện nay, từ vấn đề xã hội đến vấn đề chính trị. Đằng sau tiếng cười cũng ẩn chứa sự phê phán không trực diện của nhà văn. Chất hài hước đã tạo ra được sức hấp dẫn của tác phẩm với bạn đọc. Trong bộ tiểu thuyết liên hoàn của ông, người đọc bắt gặp những câu chuyện hài hước cười ra nước mắt. Đó là cái hài của ngôn từ, cái hài ở nội dung câu chuyện, cái hài còn đọng lại dư vị khi ta gấp trang sách lại. Những câu chuyện được cóp nhặt từ đời sống, được hình tượng hóa qua giọng văn đầy chất hài hước của tác giả.

Đó là tình tiết: trong đợt đi công tác miền Nam thời bao cấp, nhân vật Lê Hòe bên cạnh sự oai vệ, quan phương của người chuyên rao giảng chính trị, nghị quyết còn là một con người rất đời thường, cũng có lúc cần đến mấy chai mỡ đem ra Hà Nội, thậm chí phải cân đo đong đếm những chai mỡ mình đang sở hữu xem có bị ăn bớt không?

Hay đó còn là câu chuyện đầy bất ngờ qua cách trả tiền thù lao cho thầy giáo dạy con của bà Phụng. Vốn là người chặt chẽ, tính toán, bà Phụng đã nghĩ ra tuyệt chiêu trả lương cho thầy giáo của con theo kiểu của một mậu dịch viên thời bao cấp: cho thầy giáo của con cái chân giò rồi trừ vào tiền thù lao giảng dạy. Khi đưa cho

thầy giáo, bà không nói là trừ tiền chân giò vào tiền lương nên khiến cho thầy giáo trẻ nhận món quà giấy báo không khỏi xúc động và tò mò: “vừa đạp xe, vừa với một tay xuống cái túi vải đeo ở ghi đông nắn nắn, bóp bóp. Nó nằng nặng. Nó mềm mềm. Nó nhũn nhũn. Nhưng nắn mạnh tay, lại thấy nó cưng cứng. Nó dài dài. Nó to to. Có chỗ bằng cổ tay. Nắn tiếp xuống, có chỗ to hơn. Thầy giáo dạy toán đã vận dụng hết trí tưởng tượng của môn hình học không gian mà vẫn không đoán nổi nó là cái gì.

Chả nhẽ lại dừng lại, mở ra xem thì kỳ quá” [47, tr.75]. Sau khi về nhà anh giáo trẻ

giải thích đầu đuôi câu chuyện cho vợ, bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, chị gọi tên đích danh món quà: Đó là một cái chân giò. Và cuộc tranh luận giữa hai vợ chồng diễn ra: vợ gọi là quà biếu, chồng nói là cho. Cuộc tranh luận thực sự đã ngã ngũ khi người vợ xem đến món thù lao dạy học thấy thiếu. Như vậy, mọi thắc mắc đã được giải đáp: bà Phụng đã bán lại cái chân giò - tiêu chuẩn của gia đình cho vợ chồng anh giáo. Mẩu chuyện được đan xen với lời kể hấp dẫn của tác giả: từ ngôn ngữ đến tình tiết câu chuyện, liên tiếp tạo những bất ngờ cho người đọc với từng “móc xích” của câu chuyện. Đó là chuyện hài hước được nhặt nhạnh từ thời bao cấp. Qua mẩu chuyện nhỏ đó tác giả đã phản ánh một thực trạng có thực trong cuộc sống: thời kì một bộ phận nhỏ những cán bộ nhà nước như bà Phụng có quyền hành và lộng hành dẫn đến cảnh: người ăn không hết, kẻ lần không ra.

Hoặc là chuyện cô ôsin Dự đã đem đến cảm giác bâng khuâng, khơi dậy bản năng đàn ông trong cõi sâu kín của ông Hòe. Dự ngồi nhờ bán gạo ở nhà ông bà Lê Hòe, thỉnh thoảng giúp làm một vài việc nhà, ông Hòe rất mến Dự. Sự khỏe khoắn chất phác và lanh lợi của cô gợi lên trong cõi sâu thẳm lòng ông bóng dáng người vợ cũ. Sự hiện diện của Dự với đường nét gợi cảm của gái một con không khỏi làm ông bâng khuâng “phút chốc bản năng đàn ông trong cõi sâu kín, tưởng như đã chết bất

ngờ trỗi dậy đòi hỏi”. Từ việc nhờ đấm lưng ông đề nghị cô ngồi hẳn lên lưng ông

cho giãn xương cốt. Cái cảnh đầy chất bi hài ấy lọt vào mắt Lê Đại.

Những chuyện hài hước trong tác phẩm thường được kể theo điểm nhìn người kể chuyện, có khi được lồng trong lời kể của nhân vật: trong một lần tắm bùn, Hùng đã kể cho Kiên nghe một câu chuyện hài xảy ra ở quê anh. Bệnh viện huyện có bác sĩ Khải chữa vô sinh giỏi: “Ca nào cũng chữa được mới tài…Chỉ có một nhược điểm

nhỏ là…con sản phụ hắn chữa đều giống hắn như đúc khuôn” [51, tr.475]. Lí do là hắn đã lừa và đẩy những người phụ nữ nhẹ dạ, khát khao có con vào cảnh bất đắc dĩ. Nhưng có ông chồng đã vác gậy vào bệnh viện hỏi tội Khải, hắn ta co giò chạy khắp bệnh viện, chạy ra phố huyện, trốn vào nhà vệ sinh. Tức giận, Khải đã quyết định kỉ luật mình: “Anh ta đưa tay xuống bóp d…Nhưng đố ai làm được việc ấy? Đau quá sẽ phải thôi ngay. Người ta có thể tự treo cổ, tự nhảy xuống giếng chứ không thể tự bóp

d… để trừng phạt mình” [51, tr.476].

Câu chuyện do Hùng kể tưởng chỉ là giải khuây về mặt tinh thần nhưng thực tế nó đề cập đến một vấn đề có tính chất chính trị - xã hội: Vấn đề chống tham nhũng. Nếu có một cơ quan chống tham nhũng, cơ quan ấy phải độc lập, phải đứng ngoài hệ thống thiết chế của cơ thể mình. Mẩu chuyện nhỏ đã đưa ra kết quả tất yếu: các cơ quan hành pháp, luật pháp và tư pháp phải tách ra, cụ thể là ba cơ quan công an, tòa án, viện kiểm soát.

Có thể kể ra rất nhiều những mẩu chuyện hài hước, dí dỏm được kể đan xen trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn. Những câu chuyện hài làm giảm đi “độ

nóng” của một số vấn đề chính trị xã hội được đề cập đến trong tác phẩm. Mục đích

chính không phải chỉ giảm “độ nóng” của những vấn đề chính trị mà còn có ý nghĩa phản ánh cuộc sống và tạo được sức hấp dẫn của tác phẩm với người đọc.

Tóm lại, nghệ thuật tổ chức trần thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn đã có những thành công nhất định. Như lời nhận xét của nhà phê bình Bích Thu: nhà văn đã có dụng ý tổng hợp trong nó các loại hình văn học ở nhiều dạng thức: các câu chuyện tiếu lâm hiện đại, thơ dân gian thời đổi mới, các bài hát, các bức thư, các bài báo, các ghi chép trong sổ tay. Để làm mới phương thức trần thuật, rút ngắn khoảng cách giữa người trần thuật với nhân vật, cho phép người trần thuật có thái độ thân mật, gần gũi với nhân vật. Các dạng thức kể trên góp phần làm cho những vấn đề của cuộc đời với những quy luật nghiệt ngã của nó được giãn ra, đỡ căng thẳng, nặng nề trong tâm lí tiếp nhận và thưởng thức của người đọc. Với cách trần thuật này, người viết đã chuyển tải được những vấn đề, những thông tin nóng, kích thích cảm hứng nghiên cứu của người đọc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn (Trang 89 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)