8. Đóng góp của luận văn
2.2.3. Con người luôn dằn vặt day dứt khôn nguôi
Những nét vẽ về hình dáng, tính cách chỉ là một khía cạnh là hình thức bên ngoài, con người thực của Nguyễn Khuyến là chính con người mang một bầu tâm sự không thể giãi bày. Đó là niềm ưu thời mẫn thế, là lòng yêu nước thương dân, lòng căm thù giặc xâm lược, muốn chống lại thực dân... nhưng rốt cuộc chẳng làm được gì. Nhà thơ luôn dằn vặt day dứt: dằn vặt mâu thuẫn trong bản thân; về hay ở?; say; cuối cùng cho mình là người vô tích sự.
Nguyễn Khuyến dằn vặt day dứt ở những mâu thuẫn ngay trong chính bản thân mình - từ việc nhỏ nhặt như nhận hay không nhận miếng thịt đến sự day dứt không làm tròn trách nhiệm của một đấng nam nhi thời loạn.
“Nhân tặng nhục” được viết nhân dịp, có người đi ăn cỗ đám ma về, đưa biếu ông miếng thịt. Gặp hồi đói kém, người cho thịt lại có ý rất ân cần, nên ông không phải là không thích:
Tử ý nhất hà ân,
Dư tâm nguyên bất dục. (Nhân tặng nhục)
Dịch: Ơn người có ý ân cần,
Lòng ta đâu có ngại ngần mảy may. (Có người cho thịt) Nhưng vừa thích lại chợt nghĩ đến mình trong tư cách người nhận, ông thấy xấu hổ vì rõ ràng mình đã bị liệt vào một loại người thấp hèn. Ông cố sức đem bao nhiêu điển cố ra để thanh minh... nhưng cuối cùng vẫn phải nhìn thẳng vào tình cảnh hiện của mình, và sự ươn hèn của con người mình:
Ta dư bệnh nhi bần, Phong trần thái lục đục.
Dịch: Thương ta đau ốm, nghèo nàn, Phong trần lại quá ươn hèn hơn ai.
Trong lúc cảm thán nhất, ông hiểu ra tất cả cái thế “lưỡng đao” của mình: nhận hay không nhận chỉ là danh giới giả tạo chia cắt hai nỗi đau có thực, luôn luôn bám riết lấy cuộc đời ở ẩn của ông, mà ông không có cách gì cùng một lúc chối bỏ cả hai: một bên là cái nhục vì lụy người, và một bên là cái nghèo. Miếng thịt ở đây đã trở thành một biểu tượng đa nghĩa, chứa đầy mâu thuẫn giữa phần con và phần người, bản năng và xã hội:
Bất thực linh nhân cơ, Thực chi linh nhân nhục. Bất thực linh nhân bì, Thực chi linh nhân tục.
Dịch: Không ăn, cái bụng đói meo,
Ăn vào, cái nhục mang theo bên người. Không ăn, mình phải còm còi,
Ăn vào, mang tiếng con người bê tha.
Tiếp nữa, niềm day dứt đối với cụ Tam Nguyên là sự bất lực trước những biến đổi của thời cuộc. Ông cô đơn, trống trải khi mình đang bị chính thực tại mà mình đã dày công vun đắp, đã bỏ bao nhiêu trí lực để mà cải tạo nó giờ đây nó lại bỏ rơi và loại dần ông. Thay vào đó là bao nhiêu cảnh tượng buồn đau hiện ra trước mắt, người thì bán nước chạy theo giặc, người thì không hiểu được những thủ đoạn của bọn đế quốc nên vô hình chung trở thành những con rối trong tay chúng. Bạn bè thì thưa dần, mưu của người cũng đã cùng, còn cơ trời thì không biết ra sao. Cuộc sống hiện tại đã chôn vùi tất cả những gì là đẹp đẽ, tinh túy của cuộc đời. Cho nên con người như Nguyễn Khuyến không biết đi đâu về đâu trước bao nhiêu vận hội mới của hiện tại:
Mãn mục đa tân thức, Thương Tâm cố cựu hy. Nhân cùng thiên vị định? Đạo táng, ngã an quy?
Dịch nghĩa:
Bao nhiêu thể thức mới hiện ra đầy trước mắt, Đau lòng về nỗi những người bạn cũ thưa dần.
Mưu của người đã cùng rồi, mà cơ trời vẫn chưa biết ra sao? Đạo học mất rồi ta biết đi về hướng nào?
(Gửi ông Bùi Ân Niên ở Châu Giang)
Tất cả những nề nếp của xã hội, những tư tưởng của đạo nho giờ đã tan biến. Thay vào đó là một lối sống mới, một cách nhìn nhận mới nên một vị nho học như Nguyễn Khuyến không còn “đất để dụng võ” nữa. Bởi vậy Nguyễn Khuyến đã chán cảnh làm quan, ông coi hơn mười năm làm quan ở chốn quan trường là một việc làm đầy “lặn lội” vất vả. Ông tự thấy cảm thương mình nửa đời chịu nhiều lênh đênh trong cõi phù thế.
Con người luôn dằn vặt day dứt ở Nguyễn Khuyến còn thể hiện ở việc về hay ở ?. Đối với một nhà nho đã từng theo đuổi học hành ra làm quan để thực hiện hoài bão, lí tưởng của mình như Nguyễn Khuyến thì việc cáo quan về nhà không phải là chuyện dễ dàng. Hành động “dứt áo từ quan” của ông không có được cái thanh thản như các bậc hiền nhân khi xưa. Ông luôn sống trong mâu thuẫn, giằng xé nội tâm mạnh mẽ giữa quyết định “về hay ở”. Có lúc những âm thanh quen thuộc gợi tình quê da diết:
Quyên đã gọi hè quang quác quác, Gà rừng gáy sáng tẻ tè te.
... Lại còn giục giã về hay ở,
Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe. (Về hay ở)
Tiếng chim quyên đã gọi hè hay tiếng gà gáy buổi sớm đã làm động lòng người xa quê. Âm thanh như giục giã, mời gọi nhà thơ trở về chốn thanh bình yên ả khi xưa. Nhưng, hơn ai hết, ông thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với nước, với
dân “Ơn vua chưa chút đền công. Cúi xuống hổ đất, ngửa trông thẹn trời”. Thêm nữa, ông thường đắn đo ngẫm trước, nghĩ sau:
Bỏ nước há không bạn bè ở lại,
Về nhà chưa chắc con cháu đã khen hay.
(Cảm tác)
Đặt mình trong các mối quan hệ cơ bản, Nguyễn Khuyến lại càng day dứt, xót xa trước quyết định “về hay ở”. Với nước, ông thấy mình là kẻ đớn hèn, bỏ cuộc; với bạn bè ông là kẻ lạc loài, tự đi một lối riêng; với con cháu, ông chẳng ra gì vì phụ lòng tin yêu của chúng bởi quan niệm của người xưa “một người làm quan cả họ được nhờ”, ông đã mất 37 năm đèn sách giờ lại tháo lui, sống cuộc đời thiếu thốn, đầy bi kịch tinh thần.
Trở về “vườn Bùi chốn cũ” Nguyễn Khuyến lúc nào cũng dằn vặt day dứt về sự lựa chọn của mình. Nhà thơ khẳng định ông cũng như “Bành Trạch”, “Ôn Công” khi xưa treo ấn từ quan lui về ở ẩn, tìm đến thơ văn, đàn hát hay uống rượu để tiêu sầu cũng là do thời thế mà thôi. Nhưng đây chỉ là cái cớ để nhà thơ tự động viên an ủi mình “sao chẳng về đi”, còn thực chất trong lòng nhà thơ luôn có sự trăn trở, giày vò.
Có thể nói, suốt một phần tư thế kỉ về quê, không một lúc nào Nguyễn Khuyến xa rời vận mệnh đất nước. Xuân qua, hạ đến, nỗi buồn vì đất nước cứ dâng lên, lòng nhà thơ dường như héo hon, thổn thức vì vận hội giang sơn. Nghe một tiếng hát giữa đêm khuya nhà thơ cũng buồn tê tái :
Một khúc đêm khuya tiếng giã chày, Nửa chen mặt nước, nửa tầng mây. Mình nghĩ vườn cũ vừa lui bước, Ngán kẻ phương trời chẳng dứt day. (Nghe hát đêm khuya)
Đã lui bước trở về “vườn cũ”, nhà thơ vẫn không nguôi lo lắng cho những người khác vẫn ở lại không dứt được chốn danh lợi phú quý. Nhà thơ còn tự động
viên mình không nên hối tiếc quá khứ, yên phận với con đường mà mình lựa chọn mặc dù ông biết rằng thân phận ở ẩn giống như “trồng lan trong ngõ tối”, cô đơn, không có người tri ngộ
Bẻ liễu thành đài thôi cũng xếp, Trồng lan ngõ tối ngát nào hay. (Nghe hát đêm khuya)
Nguyễn Khuyến trở về với nông thôn nhưng tấm lòng của ông không hề nguội lạnh đối với việc nước. Cho đến lúc chết, tâm hồn ông cũng không mấy khi thanh thản. Suốt một phần ba cuộc đời mình, Nguyễn Khuyến đã sống trong một thứ âm thanh tuy ảo não nhưng luôn vấn vít bên tai ông: tiếng cuốc kêu tượng trưng cho lòng nhớ nước:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ. Thâu đêm ròng rã kêu ai đó, Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ. (Cuốc kêu cảm hứng)
Khi xưa các nhà thơ thường mượn tiếng cuốc để bộc bạch nỗi niềm tâm sự nhớ nước thầm kín của mình. Bà Huyện Thanh Quan đã từng mượn tiếng cuốc kêu để biểu lộ tâm trạng hoài cổ và một nỗi buồn thoáng qua. Trong thơ Nguyễn Khuyến, ta bắt gặp tiếng cuốc kêu réo rắt và bi thương hơn nhiều. Mượn hình ảnh tiếng cuốc kêu hè nhà thơ cực tả nỗi đau rỉ máu, nỗi buồn đến thấu nát ruột gan trước cảnh điêu linh của nước nhà. Nỗi đau đó khắc khoải, triền miên thường trực từ “đêm năm canh” cho đến “ngày sáu khắc”. Hơn thế, nỗi đau đó như được nhân lên gấp bội bởi đó là nỗi đau cô đơn, niềm tâm sự không biết bày tỏ cùng ai. Tâm trạng
đau đớn, nhớ tiếc bắt nguồn từ tình cảm tha thiết của nhà thơ với vận mệnh đất nước. Tuy cáo quan về ở ẩn nhưng thẳm trong sâu kín tâm hồn Nguyễn Khuyến vẫn trăn trở lo âu cho nước, cho dân. Thế nhưng non nước thôi thúc, giục giã người ra đi cứu nước mà bản thân ông tự cảm thấy bất lực nên trăm chiều bối rối ruột tằm, dạ ngẩn ngơ.
Cuối cùng Nguyễn Khuyến cũng như bao nhà thơ tiền bối của ta cũng như của đời Đường (Trung Quốc) là tìm vào rượu, tìm vào những cơn say để lánh đời. Nguyễn Khuyến mong muốn uống một chập hàng trăm chén rượu, nhận mình là một túy ông. Đây là một phương sách của nhiều nhà thơ cổ. Thi tiên Lý Bạch của thơ Đường Trung Quốc cũng đã tràn ngập trong bao cơn say. Nguyễn Khuyến dùng rượu như một phương tiện “áp muộn, bài ưu” (dẹp lo, nén buồn) để trút đi những ưu tư, phiền muộn. Nguyễn Đình Chú từng nhận xét: “Kể cũng lạ, Nguyễn Khuyến là người nghiêm túc, mực thước nhưng chính Nguyễn Khuyến lại say nhiều, có lẽ say nhiều nhất trong thơ” [ 9, tr. 221].
Túy ông ý chẳng say vì rượu, Say vì nước thẳm với non cao. ... Có người say rượu tiếng còn nay, Cho nên say, say khướt cả ngày. Say mà chẳng biết rằng say ngã đùng ... Chớ buồn chi nghe tiếng hát làng say, Xin người gắng cạn chén này.
(Uống rượu ở vườn Bùi)
Trong bài thơ ngắn chỉ có mười ba câu nhưng Nguyễn Khuyến sử dụng đến tám từ “say”. Đây là khoảng thời gian Nguyễn Khuyến trở về nhà sau mười năm gió bụi.
Ta có thể nhận ra ông đang ngập tràn trong sự bế tắc. Nguyễn Khuyến, một con người đầy hoài bão, một người dành cả đời mình cho văn chương cử tử nhưng rốt cuộc tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Trong ông không tránh khỏi những phút giây bão tố. Đất nước trầm luân, những người tài giỏi, cương nghị như Nguyễn Khuyến nay trở thành bọt bèo trong cuộc đời. Ông mượn rượu để giải sầu. Nguyễn Khuyến không say vì rượu mà say vì “nước thẳm với non cao”. Cũng như các nhà nho xưa Nguyễn Khuyến tìm đến rượu để bầu bạn để quên đi sự đời. Nhưng rút cuộc rượu cũng không thể giúp nhà thơ quên đi nỗi đau thực tại, quên đi nỗi sầu mất nước:
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt, Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy, Độ dăm ba chén đã say nhè.
(Uống rượu mùa thu)
Mượn việc uống rượu, Nguyễn Khuyến đã miêu tả thiên nhiên và gửi gắm những tâm sự của mình. Bài thơ vừa là bức tranh tả cảnh đặc trưng một buổi chiều mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ đồng thời nó cũng là bức tranh tâm trạng của chính tác giả. Mùa thu gợi lên nỗi buồn, sự mất mát, nhưng Nguyễn Khuyến lại uống rượu một mình vào buổi chiều thu, điều đó càng làm tăng thêm sự cô liêu trống vắng. “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” có chắc đó là sắc đỏ do rượu gây ra không?. Chắc là không bởi “năm ba chén đã say nhè” phải chăng đó là sự nén nhịn, cố nuốt đi một thứ gì đó cay cực trong lòng. Cảm xúc cứ trào dâng nhưng thi nhân cố gắng để giọt lệ không trào ra, cố gắng để dấu đi nỗi buồn đang dâng đến nghẹn lòng.
Vậy là trong thơ ông, hình ảnh một túy ông ngất ngưởng cứ hiện diện đây đó: Bắc say độc chước đồi nhiên túy
Nhất dục xuyên hài thương thúy vi. (Xuân nhật III)
Dịch: Một mình ngồi uống rượu say ngả nghiêng bên cửa sổ Những toan xỏ dép để vượt non xanh.
Và đây nữa, một túy ông uống rượu dưới bóng trăng và ngâm thơ: Trầm ngâm tọa đối hàn đăng trước Nhất cú liên miên hứng vị cùng. (Trừ tịch I)
Dịch: Ngồi lặng lẽ dưới bóng đèn rót rượu nồng
Ngâm một câu thơ kéo dài hai năm liền hứng vẫn chưa cạn. (Đêm cuối năm )
Cứ thế, uống rồi say, say lại uống, uống vào lại ngâm thơ:
Túy đảo phục ngâm, ngâm phục túy. (Tự thuật I)
Dịch: Say khướt rồi lại ngâm thơ, ngâm chán rồi lại uống say. (Tự thuật I)
Nếu không say thì Nguyễn Khuyến biết làm gì nữa đây. Ông đã già, mắt mờ chân yếu, đi đâu cũng kẻ đỡ người dìu, công việc của Tam Nguyên này chỉ có say và ngủ. Nhưng liệu say khướt, say miên man như vậy có làm cho con người Yên Đổ vơi đi nỗi sầu được không? Không! Rượu cũng không làm cho nhà thơ quyên đi thế sự, một túy ông vẫn trằn trọc, giày vò hiện lên.
Mặc quái bằng song liên nhật túy,
Ngã vi bất túy thục vi tinh. (Lão thái)
Dịch: Đừng trách bên song lúc nào cũng say sưa
Nếu ta mà không say thì tỉnh với ai đây. (Vẻ già)
Như ta đã biết, Nguyễn Trãi trở về ở ẩn sau khi non sông đã thu về một mối, vấn đề trong ông nặng về thế thái nhân tình. Thơ ở ẩn Nguyễn Trãi vươn tới cái thanh cao, buồn nhưng không bế tắc. Nguyễn Khuyến không có được cái thong rong cao cả ấy, ông phải chia sẻ cuộc sống chìm đắm với nhân dân. Đã có lúc Nguyễn Khuyến buông xuôi, phó mặc cho cuộc đời:
Đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây. (Mẹ Mốc)
Thái độ yêu nước của ông cuối cùng chỉ có thể cứu vớt được nhân phẩm của ông, còn thì:
Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười, Sự đời đến thế thế thời thôi!
... Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ,
Mây trăng về đau nước chảy xuôi. (Hoài cổ)
Nỗi lòng tâm trạng đau đớn bất lực của Nguyễn Khuyến được ông đẩy lên cao độ, ông coi mình là con người vô tích sự, con người đứng ngoài cuộc:
Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ,
Có rượu thời ông chống gậy ra. (Lên lão)
“Ăn dưng” tức là ăn không. Nguyễn Khuyến quan niệm mình là người thừa của xã hội, mình không giúp ích gì được cho đời và phải ăn nhờ vào xã hội. Bao nhiêu năm đèn sách dùi mài kinh sử để rồi không giúp gì được cho nước cho dân. Nếu không là người có lương tâm thì có lẽ Nguyễn Khuyến đã không bao giờ phải chìm đắm trong những suy tư dằn vặt như vậy.
Nguyễn Khuyến là một nhà nho, con đường công danh là thi đỗ làm quan. Nhưng từ khi cụ Tam Nguyên bước vào chính trường được hơn một năm thì thực tế xã hội có nhiều thay đổi xáo trộn mạnh mẽ, thực dân Pháp tiến hành đánh Bắc Kì lần thứ nhất. Chính cuộc tấn công ấy đã làm cho con đường làm quan của ông không suôn sẻ. Ông thấu hiểu rõ nỗi nhục của kẻ sĩ nếu phải chịu thua kẻ thù, đặc biệt là đối với ông, một "Tam Nguyên" ba lần đỗ đầu mà lại không có một phương kế, không có khả năng để dẹp giặc cứu xã tắc, và Nguyễn Khuyến còn phải chịu một điều day dứt có lẽ là lớn hơn, ấy là đang bị thực tế loại dần, vô hình ông trở thành một con người đứng ngoài cuộc:
Thuật nghiệp vô tha lãn thả dung, An nhiên nhất thất vũ hoàn trung. Dĩ ưng bất khó thiên tâm hậu,
Hà hạnh vô thu thánh lượng hồng. Tài tiểu nan phân đa lũy nhục, Vị ty hề bổ tứ thời công? (Nhàn vịnh I)
Dịch nghĩa:
Công nghiệp theo người xưa không có gì khác là lười và rỗi Được yên ổn trong một ngôi nhà giữa cõi nhân gian
Đã không bỏ tấm lòng trung hậu trời phú cho, May mắn sao lại không nhận ơn lớn vua ban
Tài kém không thể chia sẻ nỗi nhục bốn cõi đầy đồn giặc Chức quan thấp bổ ích gì cho công việc bốn mùa?