8. Đóng góp của luận văn
3.3. Quan hệ thầy trò
Hiếu học vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Những người có trách nhiệm thường rất hay khích lệ, động viên thế hệ sau dùi mài đèn sách để bước tiếp cha ông. Trước khi về Yên Đổ, Nguyễn Khuyến vừa làm quan, vừa làm thầy dạy học. Đây cũng là khoảng thời gian Nguyễn Khuyến vẫn rất tâm huyết với sự
nghiệp giáo dục. Ông gửi gắm những tâm sự, những lời khuyên chân thành của mình tới học trò:
Đen thì gần mực, đỏ gần son, Học lấy cho hay, con hỡi con. Cái bút, cái nghiên là của quý, Câu kinh, câu sử ấy mùi ngon… (Thơ khuyên học)
Vận dụng tục ngữ dân gian “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” Nguyễn Khuyến muốn khuyên các học trò phải biết lựa chọn môi trường, hoàn cảnh sống sao cho thuận lợi. Cách xưng hô gọi học trò là “con”, tạo ra khoảng cách thân mật giữa thầy và trò, đồng thời Nguyễn Khuyến cũng động viên học trò chăm chỉ dùi mài kinh sử. “Bút nghiên” biểu tượng cho sự nghiệp khoa cử mà nam nhi trong xã hội xưa cần phấn đấu, “câu kinh câu sử” chỉ nội dung cơ bản của Nho học, chỉ khi nắm vững được những thứ đó thì học trò mới nên công trạng được. Qua tiểu sử, cuộc đời Nguyễn Khuyến ta có thể biết được Nguyễn Khuyến đã dành rất nhiều thời gian, công sức cho việc học hành, thi cử. Khi đứng ở vị trí người thầy, ông lại truyền những lời tâm huyết ấy cho những học trò của mình.
Vàng mua chứa để, vàng hay hết, Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn. (Thơ khuyên học)
“Vàng” là thứ thuộc về vật chất, vật chất dù có nhiều đến bao nhiêu thì trước nhu cầu của con người nó cũng sẽ bị mai một. “Chữ” thuộc về mặt tri thức, nó thuộc tinh hoa của nhân loại, thì dù có đem bán đi, đem dùng vào việc này hay việc khác thì chữ hãy còn trong mỗi con người, mặt khác nếu đem thi thố tài năng, biết tận dụng tri thức thì có thể sẽ còn được thêm nhiều chữ nữa. Lời khuyên rất chí tình, chí lí. Nó chỉ có thể được nói lên từ một trái tim thực sự tâm huyết, yêu người, yêu nghề. Hai câu thơ cuối thể hiện ứoc mơ Nguyễn Khuyến gửi gắm vào học trò của mình:
Nhờ phật một mai nên đấng cả, Bõ công cha mẹ mới là khôn. (Thơ khuyên học)
Nên “đấng cả” là nên đấng bậc ở địa vị cao sang, có tiếng tăm. Ở đây ý muốn nói học trò đỗ đạt làm quan. Nguyễn Khuyến dùng từ “khôn” để chỉ những học trò biết chọn bạn mà chơi, biết học thầy, học bạn, không để phí công sức của thầy, tiền của của cha mẹ. Có thể nhận thấy tình cảm, tâm huyết mà Nguyễn Khuyến dành cho học trò của mình là rất nhiều.
Khi con người quyết tâm, tin tưởng vào việc mình làm càng nhiều thì khi kết quả trái với mong muốn họ trở nên hụt hẫng và rất thất vọng. Dạy học là một nghề đặc biệt và học trò cũng là một sản phẩm đặc biệt. Những người làm thầy nếu chứng kiến học trò của mình đỗ đạt thì sẽ hạnh phúc vô bờ bến, nhưng một khi học trò đã không tu chí, quyết tâm rồi lại phụ công thầy thì đó quả là một điều đau xót. Nguyễn Khuyến càng gia công bao nhiêu thì học trò lại càng phụ công ông bấy nhiêu, bởi đạo học bấy giờ đã bộc lộ rất nhiều rạn nứt. Trong bài “Học trò phụ công thầy” Nguyễn Khuyến viết:
Bấy lâu trú ngụ chốn sơn đông, Bảo chúng nên rồi chúng phụ công. Bể thánh mênh mông nhờ cái ốc, Rừng nho lai láng bắt con ong…
(Học trò phụ công thầy)
“Nguyễn Khuyến dạy học ở nhiều nơi khác nhau nhưng chủ yếu ở phía đông núi Nho Quan, Kỳ Cầu, liễu Đôi…” [ 30, tr. 112]. Khác cách xưng hô gọi học trò là “con” như trong bài “Thơ khuyên học”, ở đây Nguyễn Khuyến gọi học trò là “chúng”, một thái độ vừa coi thường, vừa thất vọng, vừa bực tức, ta có cảm giác như Nguyễn Khuyến cố giấu đi sự nghẹn ngào bởi ông nhận thấy một nỗ lực của mình dành cho học trò chẳng khác nào “dã tràng xe cát”. Quan trọng hơn cả là nỗi lo tương lai nước nhà sẽ ra sao với tầng lớp Nho sĩ này?
Thành ngữ ta có câu “nhạt như nước ốc ao bèo”, tục ngữ thì nói “nuôi ông tay áo”, Nguyễn Khuyến đã mượn thành ngữ, tục ngữ kết hợp với các hình ảnh tượng trưng: cái ốc trong bể mênh mông, con ong trong rừng nho để ngụ ý chỉ thái độ nhạt nhẽo của học trò với đạo học, đồng thời thể hiện thái độ thất vọng với những học trò của mình. Và cuối cùng, như không nén được tức giận, ông đã mỉa mai một cách sâu cay những người học trò ấy:
Cửa Vũ những toan loài trắm chép, Đòng đong cân cấn giỗ mồi không. (Học trò phụ công thầy)
Nguyễn Khuyến đã sử dụng hai hình ảnh tương phản là loài trắm chép với đòng đong, cân cấn. “Theo Đại Nam nhất thống chí, Vũ môn - cửa Vũ ở dãy núi Khai Trương (Giăng Màn) thuộc huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) là một dòng suối ba bậc, tương truyền mỗi năm đến tháng tư có nước nguồn thì cá chép vượt dòng để hoá rồng” [ 30, tr. 113]. Nguyễn Khuyến dùng hình ảnh cá chép để nói về những người học trò có chí, vượt qua khó khăn thử thách để đi thi, đỗ đạt làm quan, làm rạng rỡ cho thầy và cho cha mẹ. Còn đòng đong, cân cấn là loại cá bé, ít có giá trị nhưng khi câu thì lại rỉa rất tốn mồi, hàm ý chỉ những cậu học trò lười biếng, học không chịu học, cốt chỉ đến học để làm tốn sức thầy giáo và tốn tiền cha mẹ.
Nguyễn Khuyến xuất hiện trước Tú Xương một thời gian, ông đã sớm nhận ra sự mục ruỗng, suy đồi trong đạo học, và sau đó, Tú Xương cũng phải thốt lên rằng: Đạo học làng ta chán lắm rồi,
Mười người đi học chín người thôi. (Than đạo học)
Có thể thấy sự buồn chán, nỗi ưu tư và thất vọng ngập tràn trong lòng Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến là một nhà Nho yêu nước, lòng yêu nước ấy thể hiện qua việc ông cố gắng đào tạo cho đất nước một thế hệ văn sỹ tài giỏi, thế nhưng ước
nguyện của ông lại vấp phải một thực tại đó là xã hội lố lăng buổi giao thời. Giáo dục là công cụ để cải tạo xã hội, nhưng một khi xã hội ấy dột từ nóc dột xuống, không ai chăm lo cho giáo dục thì vô hình chung biến giáo dục thành một thứ phản tác dụng. Trong xã hội ấy, mọi giá trị đều bị hạ bệ và trở nên kệch kỡm giữa thời đại.