8. Đóng góp của luận văn
1.3.2. Sự nghiệp sáng tác
Nguyễn Khuyến trước hết là một nhà Nho – một nhà Nho chính thống. Trong suốt gần ba mươi năm lăn lộn ở “cửa Khổng, sân Trình”. Tư tưởng Nho giáo đã thấm sâu vào con người Nguyễn Khuyến nhưng tên tuổi Nguyễn Khuyến đi cùng năm tháng lại là Nguyễn Khuyến với tư cách của một nhà thơ.
Ông làm thơ từ khá sớm và làm bằng nhiều thể tài. Những năm sống ở quê nhà Nguyễn Khuyến sống chan hòa gắn bó với cảnh sắc thôn quê và chính mảnh đất quê hương ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ sáng tác nên hơn 800 tác phẩm gồm thơ, văn, câu đối, hát nói… viết bằng chữ Hán và chữ Nôm nhưng thành công nhất là ở thể loại thơ Nôm. Có bài tác giả viết bằng chữ Hán rồi dịch ra chữ Nôm hoặc viết bằng chữ Nôm rồi dịch ra chữ Hán, cả hai đều rất điêu luyện. Thơ Nguyễn Khuyến tiêu biểu cho tâm hồn người Việt và mang phong vị cốt cách Á Đông. Những tuyển tập tác phẩm của Nguyễn Khuyến có quy mô lớn phải kể đến “Thơ văn Nguyễn Khuyến” (NXB Văn học, Hà Nội 1971), “Nguyễn Khuyến tác phẩm”
(NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1984), “Nguyễn Khuyến tác phẩm và lời bình” (NXB Văn học, Hà Nội 2007)...
Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Khuyến được cắm mốc lớn khi ông cáo quan về ở ẩn. Thời kì từ quan về ở ẩn là thời kì sáng tác chủ yếu của nhà thơ. Tác phẩm của Nguyễn Khuyến chủ yếu được xoay quanh ba nội dung lớn: Bộc bạch tâm sự của mình; viết về con người cảnh vật và cuộc sống ở quê hương – vùng đồng bằng chiêm trũng ở Bắc Bộ; chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỉ, cơ hội thời bấy giờ. Thơ văn Nguyễn Khuyến để lại giá trị nhiều mặt cho nền văn học Việt Nam. Qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Khuyến đã cho thấy tâm sự yêu nước thiết tha, tình yêu con người, cảnh vật thiên nhiên và phong tục tập quán vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ. Bên cạnh đó những tác phẩm của ông còn thể hiện sự thâm thúy sâu cay của một nhà thơ luôn dùng tiếng cười để đả kích, chế giễu, phản kháng đối với bọn thống trị thực dân Pháp, bọn quan lại và những người xấu xa trong xã hội. Nguyễn Khuyến không chỉ là một nhà thơ trữ tình mà ông còn là một nhà thơ trào phúng, tiếng nói trữ tình và trào phúng trong thơ ông hòa quyện với nhau đã tạo nên một phong cách độc đáo trong thơ ca trung đại Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Toàn bộ sáng tác của mình, những vần thơ Nguyễn Khuyến viết về nông thôn là đặc sắc hơn cả và những vần thơ ấy đã làm nên cái riêng của thơ ông. Trong mảng thơ ca viết về nông thôn, Nguyễn Khuyến có những vần thơ viết cuộc sống một cách chân thật mà sâu sắc. Đặc biệt là những dòng thơ ông viết cho riêng mình, viết về đời sống cá nhân và những mối quan hệ tình cảm riêng tư của mình. Đó là những dòng thơ thể hiện rõ nhất con người sâu sắc của Tam Nguyên Yên Đổ. Chủ đề đời tư xuất hiện là một nhu cầu tất yếu của đời sống, của tình cảm và trở thành một hiện tượng nghệ thuật đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khuyến.