8. Đóng góp của luận văn
3.4. Quan hệ bạn bè
Nhà nho vẫn coi “bằng hữu” như một đạo trong “ngũ luân” và sự kết bạn là một điều cần thiết cho cuộc đời. Nho gia đề cao bằng hữu gắn với quan niệm đạo đức: “lấy văn chương kết bạn, lấy bạn để giúp lòng nhân” (Tăng Tử) còn phần tình cảm ở nghĩa bạn bè ít được các cụ nói tới. Đến Nguyễn Khuyến, tình bạn hầu như không còn cái quan niệm đạo đức kiểu Nho gia mà đó là sự liên kết bền chặt của những tấm lòng, của nhu cầu tình cảm. Viết về bạn với Nguyễn Khuyến bao giờ cũng là tiếng nói của con tim chân thành và cởi mở.
Tình cảm Nguyễn Khuyến dành cho bạn mình được bộc lộ một cách kín đáo và chân thành. Tình cảm ấy được thể hiện trong nhiều bài thơ viết về tình bạn của ông. Hẳn người đọc đã rất quen thuộc với thi phẩm tiêu biểu Bạn đến chơi nhà: Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà. Cải chửa ra hoa, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách trầu không có, Bác đến chơi đây ta với ta.
Câu thơ đầu là lời vào đề rất tự nhiên như một tiếng reo vui khi lâu ngày mới được gặp lại bạn. Lời thơ vừa như thông báo, vừa như bộc lộ tình cảm của tác giả. Bạn bè đến thăm nhau đã là một đáng quý, đây lại là người bạn lâu ngày mới gặp.
Theo tâm lí của người Việt, người đọc hình dung ra cảnh Nguyễn Khuyến sẽ tiếp bạn rất chu đáo. Thế nhưng những câu thơ tiếp theo lại làm cho người đọc hoàn toàn bất ngờ: “Trẻ đi vắng”, “Cải, bầu” thì đã hết mùa, “cà, mướp” thì chưa ra hoa. Có lẽ Nguyễn Khuyến làm bài thơ tiếp bạn vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ. Ta thấy tất cả các loại thực phẩm đều xuất hiện: cá, gà, bầu, mướp, cà… nhưng đều không bắt được, hoặc hết hoặc vẫn còn ở dạng tiềm ẩn, ta có thể nhận thấy sự đạm bạc được đẩy lên tới mức tối đa nhưng nó còn đạm bạc tới mức:
Đầu trò tiếp khách trầu không có, Bác đến chơi đây ta với ta.
Miếng trầu – món ăn, tập tục rất phổ biến khi xưa trong mỗi cuộc nói chuyện mà Nguyễn Khuyến cũng không có. Ta thấy giọng văn không hề cầu kì, khuôn sáo, màu mè của ông Tam nguyên. Văn chương bộc lộ nguyên hình một phong cách dân gian, bình dị mà sâu sắc. Nét đẹp ấy được bao phủ bởi tình cảm thiết tha, tri âm tri kỷ chân thành của con người. Và cuộc tiếp bạn chỉ còn “ta với ta”, lúc này chủ và khách không phan biệt ngôi thứ nữa, tuy hai mà là một. Ẩn sau bên trong sự nghèo khó thanh bần ấy là một tình bạn đẹp, cao quý, vượt lên mọi vật chất bình thường. Với những bài thơ, câu đối viết về tình bạn, tình hàng xóm, Nguyễn Khuyến thực sự trở thành nhà thơ của làng quê, của tình đời, tình người:
Ai lên nhắn gửi bác Châu Cầu, Lụt lội năm nay bác ở đâu? Mấy ổ lợn con rày lớn bé?
Vài gian nếp cái, ngập nông sâu? (Lụt hỏi thăm bạn)
Đọc câu thơ đầu tiên ta đã cảm nhận thấy tình cảm tha thiết mà tác giả dành cho người bạn của mình – ông tuần phủ người làng Châu Cầu tên là Bùi Văn Quế. Tình cảm ấy được thể hiện ở sự quan tâm sâu sắc mà Nguyễn Khuyến dành cho
bạn. Câu thơ đầu nghe như một lời nói bình thường hàng ngày, không hề trau chuốt gọt giũa. Nguyễn Khuyến quan tâm tới bạn từ chỗ ở (vì Hà Nam là miền đất trũng, những ngày nước lụt thì việc ở và đi lại rất khó khăn), rồi đến “gia tài” của bạn đó là mấy ổ lợn con, sau đó là cái ăn “vài gian nếp cái”. Sự quan tâm, lo lắng cho bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn thật đáng quý. “Ổ lợn con”, “gian nếp cái” là những chi tiết rất bình dị, chân thực. Chúng ta ít thấy trong văn học trung đại nhưng vần thơ như thế. Văn chương đã lột xác từ vỏ bọc của những tượng trưng ước lệ, của điển tích, điển cố để gần hơn với đời thường.
Khi đã về hưu, nỗi nhớ về những người bạn cũ lại trào dâng trong lòng Nguyễn Khuyến. Qua bài thơ, ta có thể nhận ra một đời sống tình cảm rất phong phú của tác giả:
Ngày trước cùng lên lạy cửa trời, Lâu nay vắng vẻ bặt tăm hơi. Nước non man mác về đâu tá, Bè bạn lơ thơ sót mấy người… (Gửi bạn)
Nguyễn Khuyến cũng có thời gian làm quan, ông cũng có những người bạn. “Lạy cửa trời” là những ngày Nguyễn Khuyến cùng bạn vào trầu yết kiến vua, ý nói làm quan trong triều. Nếu làm quan trong một xã hội thái bình, yên ổn thì có lẽ Nguyễn Khuyến và những người bạn đồng môn đã có quãng thời gian làm việc, gắn bó lâu dài, nhưng do hoàn cảnh đất nước, do sự bấn loạn của triều đình nên giờ mỗi người một nơi, người thì chọn con đường về ở ẩn như Nguyễn Khuyễn, có người thì sẽ tiếp tục làm quan cho triều đình. Từ “man mác” gợi lên tâm trạng trống trải, vắng lặng. “Lơ thơ” gợi lên sự ít ỏi, buồn thảm. Hai từ láy diễn tả tâm trạng cô đơn, hoài niệm của tác giả về một thời cùng bạn bè công tác, đồng thời đưa tác giả trở lại thực tại của đất nước đang trong cảnh loạn lạc, bi thương. Nhớ về bạn bè đồng thời cũng là nhớ về một thời hào quang của chính mình. Bao nhiêu tâm sức của Nguyễn
Khuyến dồn cả vào sự nghiệp học hành, thi cử, nhưng tâm nguyện không trọn, ông đành ôm sầu muộn về quê hương. Những câu thơ này mang đậm nỗi niềm ưu tư, sầu muộn của Nguyễn Khuyến.
Nguyễn Khuyến sống với tình cảm chân thành nên khi những người bạn thân của ông ra đi ông đã viết lên những vần thơ hết sức cảm động. Bài thơ Khóc Dương Khuê là một bài thơ hay và gây được ấn tượng mạnh mẽ với người đọc về tình cảm Nguyễn Khuyến dành cho bạn. Dương Khuê - người đỗ cử nhân cùng khoa với Nguyễn Khuyến. Ông là một trong những người bạn thân nhất của Nguyễn Khuyến. Cả bài thơ như một tiếng nấc nghẹn ngào. Dù rất đau xót nhưng Nguyễn Khuyến đều né tránh không viết những từ nói về việc Dương Khuê ra đi như: chết, mất, từ trần, qua đời… mà chỉ nói:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Hai từ “thôi” đặt trong một dòng thơ như gợi nên sự buồn bã, thương xót, ngỡ ngàng của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi của bạn. Có lúc ông lại nói khác đi:
Làm sao bác vội về ngay?
Hay:
Sao vội vàng đã mải lên tiên?
Những câu hỏi: “làm sao?”, “sao?”, kết hợp những từ chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp như: “vội”, “mải” cho thấy sự hờn giận, trách móc của Nguyễn Khuyến với bạn, cũng chỉ vì quá thương bạn và khó có thể chấp nhận một sự thật là bạn đã ra đi. Không khí của bài thơ thật xúc động: Phần đầu bài thơ Nguyễn Khuyến ôn lại kỉ niệm của hai người từ thời hàn vi, khi hai người còn trẻ. Nguyễn Khuyến còn ví tình cảm của mình và bạn chẳng khác đâu “duyên trời”:
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời…
Nhịp điệu của bài thơ theo nhịp điệu chậm và buồn nhưng càng về cuối khi trực tiếp nói đến cái chết của bạn thì nhịp điệu, giọng thơ dồn dập, nức nở, thống thiết, nghẹn ngào:
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua. Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa. Giường kia treo những hững hờ, Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn. Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương…
Những câu thơ với những cú pháp được lặp lại như: không mua… không phải… không mua, viết đưa ai… ai biết mà đưa, chẳng ở… dẫu van chẳng ở, thương… lấy nhớ làm thương… thể hiện một sự bức bối như bị dồn nén, cảm xúc như muốn vỡ oà. Có thể nói Nguyễn Khuyến là người yêu thương bạn rất mực, ông viết lên những dòng thơ là tiếng nói của trái tim, tình bạn với ông là thiêng liêng và cao quý, ông viết chân thực đến nỗi đọc lên ai cũng phải xúc động. Ai cũng có bên mình những người bạn tri kỉ, khi mất bạn ai cũng đau xót, nhưng để viết được những vần thơ tha thiết, xót xa như Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê thì quả thực văn học không có nhiều. Bởi vậy nên tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê luôn được sánh ngang với những tình bạn lớn như: Bá Nha - Tử Kỳ, Trần Phồn - Từ Trĩ…