Chúng tôi chỉ xem xét tiền sử can thiệp sỏi tiết niệu cùng bên và sỏi bàng quang, nhằm đánh giá và tiên lượng trước phẫu thuật nhất là trên những bệnh nhân đã có tiền sử mổ mở cùng bên với bên niệu quản sẽ soi tán sỏi. Vì trên những trường hợp này thường có những biến đổi về giải phẫu, có thể ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật.
Ngược lại, đối với những trường hợp đã có tiền sử tán sỏi nội soi cùng bên, khả năng can thiệp lại tỷ lệ thành công sẽ cao hơn do niệu quản thường giãn rộng do lần soi trước, việc đặt máy sẽ dễ dàng hơn.
Những bệnh nhân có tiền sử mổ lấy sỏi bàng quang dường như không phải là yếu tố tiên lượng ảnh hưởng nhiều đến thủ thuật soi niệu quản.
4.3. Thời gian mắc bệnh
Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian mắc bệnh kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi nhập viện < 1 năm chiếm tỷ lệ cao nhất với 63,7 %. Khác biệt có ý nghĩa thống kê với 2 nhóm còn lại với p < 0,01.
Nguyễn Quốc Vinh (2007) nghiên cứu trên 76 bệnh nhân cho biết thời gian mắc bệnh < 1 năm cũng chiếm tỷ lệ cao nhất với 84,21 % so với hai nhóm còn lại lần lượt là 13,16 % (1-3 năm) và 2,63% (> 3 năm) [59].
Võ Tất Thắng (2006)cũng cho kết quả tương tự khi nghiên cứu trên 32 bệnh nhân với thời gian mắc bệnh lần lượt của 3 nhóm < 1 năm, 1-3 năm và > 3 năm lần lượt là 46,9 %, 40,6 % và 12,5 % [45].
Như vậy, kết quả của chúng tôi phù hợp với các tác giả trên. Tuy nhiên, sự đánh giá này chỉ mang tính chất tương đối vì có thể bệnh nhân mắc bệnh
trong một thời gian dài nhưng không có triệu chứng, chỉ đến khi có sự tắc nghẽn thận – niệu quản hoặc xuất hiện các rối loạn tiểu tiện (tiểu buốt, tiểu rắt) cũng như rối loạn thành phần nước tiểu (tiểu đục, tiểu máu) mới khiến bệnh nhân lo lắng và đến khám bệnh.