1.6.1. Biến chứng sớm trong mổ và sau mổ
1.6.1.1. Nhiễm khuẩn niệu
Nhiễm khuẩn niệu rất hiếm khi xảy ra sau soi niệu quản với tỷ lệ 0,3 – 2%. Những bệnh nhân không được điều trị kháng sinh trước mổ thường có nguy cơ nhiễm trùng trong và sau mổ cao hơn.Tuy nhiên vấn đề sử dụng kháng
sinh dự phòng trong soi niệu quản điều trị sỏi niệu quản vẫn còn nhiều bàn cãi. Nguyễn Khoa Hùng và cs. (2013) nghiên cứu trên 60 bệnh nhân sỏi niệu quản được điều trị bằng soi niệu quản với kháng sinh dự phòng đã kết luận rằng kháng sinh dự phòng là liệu pháp an toàn có thể áp dụng cho những trường hợp không có nhiễm khuẩn niệu trước mổ, phẫu thuật được tiến hành thuận lợi, không có tai biến [32].Tuy nhiêntheo Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Vũ Lê Chuyên (2013)trong tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện còn quan trọng, dự phòng nhiễm khuẩn niệu sau mổ dưới dạng kháng sinh bao phủ phẫu thuật là an toàn hơn so với kháng sinh dự phòng một mũi tiêm [29].Để làm rõ vấn đề này cần có các nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Chống chỉ địnhsoi niệu quản ở bệnh nhân đang có nhiễm trùng niệu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng huyết. Ở bệnh nhân đang có triệu chứng tắc nghẽn và có sốt, dẫn lưu thận qua da hoặc đặt sonde JJ niệu quản là bắt buộc[62], [105].
1.6.1.2. Chảy máu
Chảy máu trong soi niệu quản thường liên quan với sự phân rã sỏi trong quá trình tán. Hệ quả là làm giảm tầm nhìn trong quá trình phẫu thuật. Chảy máu nặng xảy ra trong soi niệu quản là rất hiếm. Chảy máu nhẹ xảy ra với tỷ lệ 0,3 – 2,1%. Đôi khi chảy máu có thể đòi hỏi ngưng phẫu thuật và thường được xử trí bằng cách đặt sonde JJ [76], [103], [108].
1.6.1.3. Thủng niệu quản
Thủng niệu quản xảy ra trong soi niệu quản chiếm tỷ lệ 1,2 – 6,1%. Niệu quản bị thủng do đưa dây dẫn, máy soi, máy tán sỏi niệu quản quá mạnh, lạc đường. Thủng niệu quản thường được xử trí bằng cách đặt sonde JJ trong 2 – 3 tuần. Nếu không đặt được sonde JJ, dẫn lưu thận qua da là phương pháp được lựa chọn. Phẫu thuật mở hiếm khi được chỉ định [105], [110].
1.6.1.4. Đứt niệu quản và lộn lòng niệu quản
Biến chứng nặng nề nhất của soi niệu quản là đứt niệu quản do nhổ. Điều này thường xảy ra khi rọ Dormia vướng vào niêm mạc niệu quản trong khi kéo rọ ra ngoài. Tai biến này cần được xử trí bằng phẫu thuật mở, khâu nối lại niệu quản. Để tránh nhổ đứt niệu quản, rọ Dormia chỉ nên được sử dụng dưới tầm quan sát ở niệu quản đoạn thấp.
Lộn lòng niệu quản là một biến chứng rất hiếm của soi niệu quản. Cơ chế tương tự như đứt niệu quản do nhổ. Tai biến này thường được xử trí bằng mổ mở hoặc mổ nội soi [105],[108], [110].
Hình 1.8. Cơ chế nhổ bật niệu quản với rọ Dormia trong soi niệu quản(Nguồn:Wimpissinger F, Stackl W (2007),Emergencies in Urology[105]) 1.6.1.5. Sỏi di chuyển lên thận
Sỏi di chuyển lên thận có thể xem như một thất bại của nội soi niệu quản tán sỏi. Để hạn chế hiện tượng này cần thận trọng khi soi tán sỏi mà niệu quản đoạn trên sỏi giãn lớn, nhất là sỏi nằm ở vị trí cao gần bể thận. Đối với các trường hợp này nên nhẹ nhàng đặt dây dẫn qua sỏi lên trên, giữ cho sỏi không di chuyển, đồng thời giữ cho bệnh nhân nằm tư thế đầu cao, hạ thấp áp lực nước rửa và áp lực tán [76], [108].
1.6.2. Biến chứng muộn sau mổ 1.6.2.1. Hẹp niệu quản
Thường do tổn thương niệu quản trong phẫu thuật như thủng niệu quản. Có thể ngăn chặn biến chứng này bằng cách giảm thiểu chấn thương niệu quản trong mổ và đặt sonde JJ trong những trường hợp thủng niệu quản [76], [105], [110].
1.6.2.2. Quên sonde JJ
Tình trạng quên sonde JJ hiếm khi xảy ra nhưng có thể gây ra biến chứng tiết niệu nghiêm trọng. Hay gặp là tạo vôi quanh sonde hay tạo vôi và phân mảnh. Để hạn chế biến chứng này cần quản lý bệnh nhân chặt chẽ sau phẫu thuật [105], [108], [110].