Triệu chứng phụ khác của VDDƯ

Một phần của tài liệu nghiên cứu phát hiện một số dị nguyên ở bệnh nhân viêm da dị ứng bằng test da (Trang 55 - 57)

Theo kết quả ở bảng 3.9, trong các triệu chứng phụ chúng tôi nghiên cứu nhận thấy: khô da (82,9%), thời tiết/cảm xúc (65,8%), viêm da bàn tay/bàn chân không đặc hiệu (58,1%), mặt tái/đỏ da (56,4%), tuổi phát bệnh sớm (52,1%), dày sừng nang lông (33,3%), ngứa khi ra mồ hôi (30,8%), dị ứng thức ăn (29,9%), da vẽ nổi (18,8%), vảy cá (17,9%), vảy phấn alba (15,4%), viêm môi (12%), dị ứng lông len/chất tẩy (7,7%), thâm quanh mắt (5,1%), nếp cổ trước (4,3%), nếp dưới mi mắt của Dennie Morgan (4,3%) và một số triệu chứng khác không có trường hợp nào.

+ Khô da (82,9%): Kết quả khô da của chúng tôi tương đương với các tác giả: Nguyễn Thị Lai (81,33%) [28], Châu Văn Trở (78,91%) [41], Hoàng Thị Thúy Hương (76,9%) [22]. Điều này cho thấy khô da là đặc điểm rất thường gặp ở bệnh nhân VDDƯ. Nguyên nhân của khô da trên bệnh nhân VDDƯ là do sự giảm sản xuất filaggrin, giảm lượng ceramide trên bề mặt da và làm tăng sự mất nước qua da [21]. Da khô tăng lên khi bệnh nặng và giảm đi khi bệnh ổn định, nhiều trường hợp trên lâm sàng biểu hiện viêm da nhẹ không thấy hiện tượng khô da nhưng khi khai thác tiền sử thì nhận thấy có biểu hiện khô da.

Da khô làm cho bệnh nhân dễ bị kích thích, ngứa và làm bệnh nặng thêm. Do đó, bôi các chất dưỡng da, giữ ẩm đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị VDDƯ [19].

Như vậy, da khô là đặc điểm thường gặp có vai trò quan trọng trong chẩn đoán VDDƯ.

+ Thời tiết/cảm xúc (65,8%): Đây là một trong nhiều đặc điểm được nhiều tác giả quan tâm. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Lai và cs thì 100% bệnh nhân có đặc điểm này [28]. Nghiên cứu của Hoàng Thị Thúy Hương tỷ lệ này chiếm 49,2% [22]. Nhân tố thời tiết và cảm xúc liên quan đến sự khởi phát bệnh hay tái phát bệnh, không phải là nguyên nhân gây bệnh. Nhiều bệnh nhân sau những căng thẳng về thần kinh như mất ngủ, tổn thương tinh thần, học tập căng thẳng (ở học sinh –sinh viên…), thời tiết thay đổi làm bệnh tái phát hoặc nặng lên rõ rệt.

+ Viêm da bàn tay/bàn chân không đặc hiệu (58,1%): Theo Nguyễn Thị Lai tỷ lệ này chiếm 70,67% [28], theo Châu Văn Trở tỷ lệ viêm da bàn tay/bàn chân không đặc hiệu chiếm 57,81% [41]. Bệnh nhân VDDƯ hay bị viêm da bàn tay/chân không đặc hiệu có thể ở bệnh nhân này đã có một nền da khô nên dễ làm tổn thương viêm da tay/chân khi tiếp xúc với tác nhân kích thích. Việc rửa tay thường xuyên với chất tẩy rửa có vai trò rất quan trọng trong việc khởi phát, kéo dài hoặc làm bệnh nặng thêm triệu chứng này.

+ Mặt tái/đỏ da (56,4%): Theo Nguyễn Thị Lai tỷ lệ này khá thấp (10,67%) [28], theo Hoàng Thị Thúy Hương tỷ lệ mặt tái/đỏ da chiếm 53,8% [22]. Tỷ lệ có sự khác nhau giữa các tác giả vì mặt tái/đỏ da do nhiều nguyên nhân (do rối loạn vận mạch, thời tiết…) nên đặc điểm này thường không điển hình trong VDDƯ.

+ Dày sừng nang lông (33,3%): Theo Châu Văn Trở tỷ lệ này chiếm 18,75% [41], theo Nguyễn Thị Lai dày sừng nang lông chiếm 26% [28]. Đó là những sẩn sừng li ti ở lỗ chân lông, nhìn khó thấy, sờ vào nhám giống da gà. Dày sừng nang lông có thể gặp ở những người bình thường, tuy nhiên ở bệnh nhân VDDƯ thì biểu hiện nặng hơn và thường gặp hơn.

+ Ngứa khi ra mồ hôi (30,8%): Theo Nguyễn Thị Lai khi nghiên cứu trên 150 bệnh nhân là người lớn tỷ lệ này chiếm 69,33% [28]. Điều này có thể do da bệnh nhân bị

giảm ngưỡng ngứa bẩm sinh nên dễ bị ngứa bởi các kích thích thông thường mà người bình thường thì không bị ngứa. Mặc khác bệnh nhân bị ngứa do ra mồ hôi có thể do tuyến mồ hôi của bệnh nhân dễ mẫn cảm hơn tuyến mồ hôi của người bình thường. Kết quả của chúng tôi thấp hơn tác giả Nguyễn Thị Lai có thể do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là cả trẻ em và người lớn nên việc khai thác ở đối tượng trẻ nhỏ mang tính chất chủ quan. Mặc khác, bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đi khám khi có triệu chứng ngứa nhưng họ không khẳng định ngứa là do ra mồ hôi nên kết quả của chúng tôi không cao.

+ Dị ứng thức ăn (29,9%): Theo Nguyễn Thị Lai (2001) tỷ lệ này chiếm 30,67% [28]. Dị ứng thức ăn là phản ứng nhạy cảm, nghĩa là để phản ứng dị ứng với DN trong thức ăn xảy ra thì người đó cần phải có sự tiếp xúc trước đó với thức ăn. Ở lần tiếp xúc đầu tiên, DN kích thích tế bào lympho tạo ra các kháng thể IgE đặc hiệu với DN, sau đó IgE được giải phóng gắn với bề mặt tế bào mast ở các mô cơ thể. Những lần tiếp xúc tiếp theo, DN trong thức ăn kết hợp với kháng thể IgE đặc hiệu trên bề mặt tế bào mast và giải phóng ra các chất hóa học như histamin. Tùy theo vị trí tổ chức giải phóng ra các chất hóa học mà gây ra các triệu chứng dị ứng thức ăn khác nhau [32],[42].

+ Các triệu chứng khác: da vẽ nổi (18,8%), vảy cá (17,9%), vảy phấn alba (15,4%), viêm môi (12%), dị ứng lông len/chất tẩy (7,7%), thâm quanh mắt (5,1%), nếp cổ trước (4,3%), nếp dưới mi mắt của Dennie Morgan (4,3%).

Theo Nguyễn Thị Lai (2001) da vẽ nổi (84,2%), vảy cá (5,33%), vảy phấn alba (20,67%), viêm môi (49,33%), dị ứng lông len/chất tẩy (64%), thâm quanh mắt (26,67%), nếp cổ trước (8,67%), nếp dưới mi mắt của Dennie Morgan (9,33%) [28]. Những đặc điểm này ít đặc hiệu cho bệnh VDDƯ bởi một số bệnh nhân không phải VDDƯ cũng có thể có các đặc điểm này nên kết quả của chúng tôi khác so với Nguyễn Thị Lai.

Một phần của tài liệu nghiên cứu phát hiện một số dị nguyên ở bệnh nhân viêm da dị ứng bằng test da (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w