1. Quan điểm
- Phát triển sản xuất muối phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, theo hướng ổn định dần diện tích, gắn với xây dựng nông thôn mới, phân công lại lao động, giải quyết việc làm trên địa bàn, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho diêm dân và những người lao động sản xuất muối.
- Tập trung phát triển sản xuất muối ở những nơi có điều kiện và lợi thế theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành tổ hợp công nghiệp muối - hóa chất, gắn sản xuất với chế biến và hóa chất sau muối; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi diện tích muối không có hiệu quả sang phát triển sản xuất khác có hiệu quả cao hơn.
- Phát triển sản xuất muối phải khai thác và phát huy được những lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, gắn chuyển dịch cơ cấu sản xuất muối với đổi mới công nghệ, đầu tư mới và cải tạo đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích; đáp ứng tốt cho tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hoá chất và tăng dần lượng xuất khẩu.
- Ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Kết hợp phát huy vai trò của cộng đồng, các tổ chức quần chúng và hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường áp dụng các biện pháp hành chính, từng bước áp dụng các chế tài hình sự, đồng thời vận dụng linh hoạt các cơ chế kinh tế thị trường nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm các quy định của pháp luật các yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường được thực hiện.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển sản xuất muối theo hướng hiệu quả, bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng, đáp ứng đủ nhu cầu muối tiêu dùng của nhân dân và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, tăng dần xuất khẩu sản phẩm muối biển chứa nhiều vi lượng, giảm dần nhập khẩu, giải quyết việc làm ổn định, nâng cao mức sống cho diêm dân và những người lao động sản xuất muối, góp phần tích cực vào việc phòng, chống các bệnh rối loạn do thiếu iốt, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2015, tổng diện tích sản xuất muối có 14.660 ha, sản lượng đạt 1.100.000 tấn. Trong đó diện tích sản xuất muối công nghiệp 4.853 ha, sản lượng đạt trên 538.000 tấn, chiếm 48,9%; diện tích sản xuất muối sạch có trải bạt nền ô kết tinh chiếm 20-30% tổng diện tích sản xuất muối thủ công.
- Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối ổn định 14.500 ha, sản lượng đạt 2.000.000 tấn. Trong đó diện tích sản xuất muối công nghiệp 8.000 ha, sản lượng đạt 1.310.000 tấn, chiếm 65,5%; diện tích sản xuất muối sạch có trải bạt nền ô kết tinh chiếm 40-60% tổng diện tích sản xuất muối thủ công.
+ Giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
+ Khắc phục, cải tạo môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện điều kiện sống của người dân.
+ Tăng cường khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. - Tầm nhìn đến năm 2030:
Tập trung phát triển muối công nghiệp, muối sạch với năng suất, chất lượng cao nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh sản phẩm, nâng cao đời sống của diêm dân, góp phần ổn định xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng cho các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Dự kiến tổng diện tích sản xuất muối 16.500 ha, sản lượng 2.900.000 tấn, trong đó muối công nghiệp 1.950.000 tấn chiếm 67,24% tổng sản lượng muối; sản xuất muối có trải bạt nền ô kết tinh, phủ bạt che mưa đạt trên 80% tổng diện tích sản xuất muối.
Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải.