IV. Giải pháp thực hiện quy hoạch
6. Giải pháp cơ chế, chính sách
6.1. Chính sách đầu tư
- Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối, bao gồm: Đê bao, trạm bơm, hệ thống cống, kênh mương cấp nước biển, hệ thống cống, kênh mương thoát lũ, công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, giải phòng mặt bằng. Hỗ trợ xây dựng trường học, trạm xá, khu tái định cư, đào tạo nghề, di dân tái định cư, điện, nước sạch nông thôn theo Quyết định số 161/QĐ- TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020.
- Đầu tư sản xuất, chế biến muối thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, nhà đầu tư có dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến muối được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đó, được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba, mức vay tối đa 100% giá trị đầu tư thiết bị sản xuất muối sạch; hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất vay thương mại đối với các khoản vay trung hạn, dài hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối mức vay tối đa bằng 70% giá trị của dự án; thời hạn cho vay không quá 12 năm theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho diêm dân trong vùng quy hoạch sản xuất muối và doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phục vụ sản xuất, kho muối dự trữ theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Sử dụng lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối.
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Đối với vùng chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang mục đích sản xuất khác được hỗ trợ: kinh phí đào tạo nghề cho lao động phải chuyển đổi; thu nạp lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp đã sử dụng đất của họ; đầu tư các dự án chuyển đổi về xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi và sản xuất thử để mở rộng sản xuất; xây dựng khu tái định cư và di dân kinh tế mới trong trường hợp phải di dời từ vùng muối đến định cư nơi sản xuất khác.
6.2. Chính sách về giá cả
- Nhà nước xác định muối là mặt hàng bình ổn muối lâu dài theo Luật định, thực hiện chính sách quản lý giá muối và điều tiết hợp lý khi thị trường biến động, đảm bảo bù đắp được chi phí sản xuất muối của diêm dân và đảm bảo có lãi (khoảng 30% trên giá thành), để diêm dân có thể sống được bằng nghề muối, từ đó họ mới yên tâm sản xuất.
- Cơ chế thu mua tạm trữ muối điều tiết hợp lý khi thị trường biến động dựa trên cơ sở xác định được cung cầu muối và giá muối do Thủ tướng Chính phủ quyết định. UBND các tỉnh chỉ đạo việc thu mua tạm trữ đảm bảo mua đúng đối tượng diêm dân, giao đúng cơ quan thu mua để ngân sách Nhà nước được quản lý chặt chẽ, quyền lợi của diêm dân được đảm bảo.
- Nhà nước thực hiện chính sách quản lý giá muối, đồng thời cũng sẽ có các chính sách quản lý lưu thông, điều tiết hợp lý khi thị trường biến động; vừa hạn chế bất lợi cho diêm dân, nắm chắc nguồn hàng xã hội để cân đối cung cầu; vừa quản lý các chủng loại muối lưu thông đến từng đối tượng, phục vụ và quản lý nguồn thu cho ngân sách theo từng chủng loại muối.
- Nhà nước cần tăng vốn dự trữ lưu thông cho sản xuất muối để điều tiết thị trường. Có chính sách bình ổn giá muối cho người dân, không để giá muối xuống thấp hơn so với giá sàn.
- Nhà nước tăng cường lực lượng dự trữ quốc gia, khi cần thiết có thể dùng lực lượng này để hoà giá: Trường hợp giá muối xuống quá thấp (ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống diêm dân), nhà nước sẽ tăng lượng dự trữ quốc gia; trường hợp giá muối tăng cao quá mức do mất mùa muối, có tình trạng đầu tư tích trữ làm thị trường bất ổn, nhà nước sẽ xuất kho dự trữ để bán ra.
6.3. Chính sách tín dụng
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba, mức vay tối đa 100% giá trị đầu tư thiết bị sản xuất muối sạch; hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất vay thương mại đối với các khoản vay trung hạn, dài hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối, mức vay tối đa bằng 70% giá trị của dự án; thời hạn cho vay không quá 12 năm theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho diêm dân trong vùng quy hoạch sản xuất muối và doanh nghiệp vay vốn với lãi xuất ưu đãi để đầu tư phục vụ sản xuất, kho muối dự trữ theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Hỗ trợ 100% từ nguồn Ngân sách nhà nước cho khuyến diêm để xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn cho diêm dân trong sản xuất muối theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm công tác quản lý và điều hành hoạt động khuyến diêm đến từng tỉnh. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý, giám sát kiểm tra vốn đầu tư đến từng hộ để tránh thất thoát vốn.
- Đối với ruộng muối đầu tư mới cần được hỗ trợ trực tiếp (không hoàn lại) 50% giá trị công trình cho diêm dân, phần còn lại hộ diêm dân được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, thực hiện cơ chế Nhà nước và dân cùng làm.
- Hỗ trợ tập huấn, đào tạo (ngắn hạn, trung hạn) về kỹ thuật, về quản lý cho cán bộ phụ trách ngành muối từ Trung ương đến địa phương; tập huấn cho diêm dân về ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất như kỹ thuật làm ô kết tinh, kỹ thuật lót bạt, quy trình chuyền dẫn nước trên ruộng muối,…