TRONG TRƯỜNG HỢP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Thực trạng bảo vệ môi trường trong phát triển sản xuất muối:
Phần lớn diện tích muối được sản xuất ổn định trên khu vực đất sản xuất muối có từ lâu đời thuộc 21 tỉnh và ở những vùng ven biển và được quy hoạch hệ thống kênh tiêu, phòng lũ và cắt mặn bao quanh vùng muối nên các đối tượng bị tác động như: Môi trường đất, môi trường nước ngầm, môi trường nước biển và đa dạng sinh học ven bờ môi trường nước, không khí ít ảnh hưởng.
1.1. Đối với môi trường đất và nước ngầm:
Suy thoái môi trường đất là hiện tượng phổ biến khi đất bị nhiễm mặn. Quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản muối có thể làm rò rỉ nước mặn ra môi trường bên ngoài khu vực sản xuất. Quá trình bay hơi nước sẽ làm tích tụ muối nồng độ tương đối cao trên bề mặt đất khiến cho đất trở nên nhão, ướt và nứt nẻ khi khô, đất bị kết vón ở độ sâu 80 - 100 cm. Tại vùng nhiễm mặn cao thường xuyên dễ gây nên hiện tượng hoang mạc hóa. Tác động gây suy thoái môi trường nước ngầm xảy ra khi quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản muối làm rò rỉ nước mặn ra môi trường bên ngoài khu vực sản xuất, đặc biệt sẽ theo các nguồn nước thẩm thấu vào trong đất. Quá trình thẩm thấu sẽ tích tụ muối vào trong đất gây nhiễm mặn nguồn nước ngầm.
Hầu hết diện tích sản xuất muối đã ổn định từ nhiều năm qua. Vì vậy, tác động đến môi trường đất và nước ngầm chỉ có thể xảy ra đối với diện tích mới như tại: đồng muối muối Thông thuận, tỉnh Bình Thuận và đồng muối Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận. Nguyên nhân:
- Tại đồng muối Thông Thuận do cao trình đồng muối cao hơn khu vực xung quanh và trong quá trình hoạt động sản xuất Công ty TNHH muối Thông thuận đã để nước thấm qua bờ và tràn bờ gây nhiễm mặn. Hiện nay, Công ty đã đền bù thiệt hại cho người dân và hoàn thiện lại cơ sở hạ tầng đồng muối và đi vào hoạt động sản xuất ổn định từ đầu năm 2013.
- Tại đồng muối Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận là dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại quyết định số 1111/QĐ-TTg ngày 30/11/2009 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM theo quyết định số 408/BTNMT ngày 12/4/2008. Tháng 3/2009, khi Công ty Hạ Long bơm nước biển để thi công nội đồng và bắt đầu đưa dự án vào sản xuất muối giai đoạn I (hơn 500 ha) trong khi hệ thống kênh tiêu, phòng lũ, cắt mặn chưa hoàn thiện đã phát sinh nhiễm mặn làm cây cối, hoa màu, giếng nước sinh hoạt, nhà cửa... của trên 900 hộ dân bị ảnh hưởng. Công ty Hạ Long đã tổ chức đánh giá lại hiện trạng môi trường và xác định các vấn đề phát sinh chưa được đề cập hoặc dự báo trong báo cáo ĐTM và triển khai ngay các biện pháp xử lý kỹ thuật chống nhiễm mặn như: chi trước 500 triệu đồng để GPMB 1.200 m2, thi công hoàn thành tuyến kênh tiêu, phòng lũ cắt mặn tại vị trí này; hỗ trợ hệ thống cấp nước ngọt, làm đường bê tông, bồi thường thiệt hại, trồng 8.000 cây xanh với tổng số tiền 12,27 tỷ đồng. Đến nay, hiện tượng nhiễm mặn đã giảm dần. Mặt khác, do khu dân cư xã Phước Minh lại nằm giữa Đồng muối là vùng trũng nhất, địa hình khu vực Đồng muối cao và thấp dần xuống khu dân cư. Do vậy Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 980/TTg-KTN ngày 08/7/2013 đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án muối Quán Thẻ, trong đó giao UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện đề tài “Đánh giá và dự báo phạm vị, mức độ nhiễm mặn đất, nước ngầm và không khí đối với toàn bộ khu vực xã Phước Minh, huyện Thuận Nam”. Trên cơ sở kết quả đề tài để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Công ty Hạ Long và đưa ra giải pháp khắc phục.
1.2. Đối với môi trường nước biển và đa dạng sinh học ven bờ:
Quá trình thải nước ót từ các đồng muối trực tiếp ra biển sẽ làm tăng nồng độ khu vực nước biển ven bờ. Hiện tượng này có lợi cho sản xuất muối nhưng có thể lảm ảnh hưởng cho các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản ven bờ do đặc điểm sinh thái thay đổi. Một số loài không thích ứng được với độ mặn cao sẽ ảnh hưởng có hại đến sinh trưởng và phát triển, thậm chí có thể chết.
Lượng nước ót tại các đồng muối khoảng gần 1 m3/tấn muối, với sản lượng muối bình quân trong những năm qua đạt 886.977 tấn/năm, tương ứng với lượng nước ót là 886.977 m3/năm, rất nhỏ so với lượng nước biển ven bờ thuộc 21 tỉnh, thành phố có sản xuất muối. Ngoài ra nước ót còn là sản phẩm phụ, hiện các đồng muối công nghiệp đã thu gom và bán 100.000 đ/m3 cho các đơn vị sản xuất hóa chất sau muối. Vì vậy, môi trường nước biển và đa dạng sinh học ven bờ luôn ổn định trong nhiều năm qua.
Sản xuất muối của ta dưới dạng bốc hơi bề mặt nhờ năng lượng mặt trời, gió. Do đó có một lượng muối nhỏ theo hơi nước phát tán trong không khí, nhưng lượng muối này rất nhỏ, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường không khí.
Đối với các cơ sở chế biến cũng có khói, bụi bay ra, phát tán trong không khí, nhưng do các nhà máy hiện tại nằm xa khu dân cư hoặc trong khu sản xuất của các công ty; do đó không gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân.
Việc tiêu thụ muối sẽ phát sinh bụi khi vận chuyển, do đó cần sử dụng phun nước bằng xe bồn vào những ngày nắng trước khi các xe vận chuyển hoạt động. Hơn nữa lượng muối vận chuyển đã được đóng gói, hoặc phủ bạt kín nên hầu như không ảnh hưởng đến môi trường.
1.4. Đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng:
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là một thực tế đã, đang và sẽ xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong mười nước chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản 2012 thì “vào giữa thế kỷ 21, trung bình trên toàn Việt Nam, nước biển dâng khoảng từ 24 - 27 cm. Đến cuối thế kỷ 21, trung bình toàn Việt Nam, nước biển dâng trong khoảng 57-73 cm” so với thời kỳ 1980-1999, nhiều vùng ven biển có thể bị ngập. Việc biến đổi về nhiệt độ, lượng mưa và thời gian mưa có thể đem lại thuận lợi cho diêm nghiệp, nhưng các hiện tượng thời tiết bất thường đang diễn ra như bão, lũ, mưa trái mùa… là những yếu tố bất lợi cho sản xuất muối ở Việt Nam. Các hiện tượng thời tiết bất thường đang được giảm thiểu bằng các giải pháp KHCN như: trải bạt ô kết tinh ở các đồng muối của dân để rút ngắn thời gian kết tinh từ 15 – 20 ngày còn 7 - 10 ngày là thu muối; phủ bạt che mưa ô kết tinh để kết tinh muối dài ngày ở các đồng muối công nghiệp tập trung.
2. Đánh giá tác động của quy hoạch phát triển sản xuất muối đến môi trường trường
2.1. Đánh giá tác động của từng thành phần quy hoạch phát triển sản xuất muối đến môi trường
Các thành phần trong quy hoạch phát triển sản xuất muối có ảnh hưởng đến môi trường bao gồm:
(1) Quy hoạch về quy mô phát triển sản xuất muối đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
(2) Quy hoạch chế biến muối.
(3) Quy hoạch thị trường tiêu thụ muối.
(4) Quy hoạch cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất muối. (5) Các chương trình dự án ưu tiên đầu tư.