Nhận thức luận và phương pháp luận

Một phần của tài liệu Triết học và vai trò của nó trong đời sống xã hội (Trang 41 - 43)

- Các mặt đối lập trong thể thống nhất, quy định lẫn nhau, là điều kiện tồn tại của nhau, trong cái này đã có cái kia.

c. Nhận thức luận và phương pháp luận

Bêcơn là người ủng hộ nhiệt thành sự phát triển của khoa học. Ông nói: "Mục đích của tôi là ở chỗ chỉ ra uy thế thực sự của khoa học mà không cần phải tô vẽ và cường điệu, và làm rõ ý nghĩa và giá trị chân chính của nó."

Với hoài bão xây dựng một cách nhìn mới về thế giới thật sự khách quan, Bêcơn đồng thời chỉ ra những hạn chế trong khả năng nhận thức của con người, những hạn chế không phải chỉ dẫn đến những sai lầm vụn vặt và nhất thời, mà là những sai lầm nghiêm trọng không thể tránh khỏi của con người trong nhận thức. Ông gọi chúng là các “ngẫu tượng” (Idola theo tiếng cổ Hi Lạp nghĩa là hình ảnh bị xuyên tạc). Để nhận thức chân lí và khắc phục được các ngẫu tượng, thì phải vạch ra cơ chế và bản chất của chúng. Do vậy, Bêcơn coi học thuyết về các ngẫu tượng tựa như phần mở đầu trong nhận thức và phương pháp luận của mình.

Các ngẫu tượng có nguồn gốc hoàn toàn khách quan, bởi vì chúng một phần có trong bản chất của trí tuệ con người, một phần xuất hiện trong quá trình lịch sử nhận thức của nhân loại, một phần nảy sinh trong sinh lí và nhân cách của mỗi người. Theo Bêcơn, "trí tuệ con người tự đặt ra chướng ngại vật và cạm bẫy cho mình”. Vì các ngẫu tượng thường xuyên ám ảnh con người, tạo nên cho nó những tư tưởng và ảo ảnh giả dối, xuyên tạc bộ mặt thật của thế giới, nói tóm lại, cản trở con người xâm nhập vào thế giới cả về chiều rộng lẫn chiều sâu". Vì vậy, quá trình con người đấu tranh khắc phục những hạn chế khách quan đó cũng là quá trình con người đấu tranh vì sự hoàn thiện bản thân mình.

Bêcơn phân loại các dạng ngẫu tượng như sau:

Dạng ngẫu tượng loài: nó sinh ra do việc loài người thường xuyên nhầm lẫn bản chất trí tuệ của mình với bản chất khách quan của sự vật. Ai cũng dễ dàng gán cho sự vật những đặc tính của riêng con người. Bêcơn nói: "Các ngẫu tượng loài có cơ sở trong chính bản thân loài người, bởi vì thật là sai lầm khi khẳng định cảm giác cảm tính của chúng ta là thước đo sự vật. Ngược lại, tất cả các giác quan cũng như trí tuệ đều được dựa trên sự tương đồng của con người, chứ không phải dựa trên sự tương đồng của thế giới. Trí tuệ con người cũng tương tự như chiếc gương méo, khi nó pha trộn bản chất của mình với bản chất của sự vật thì nó phản ánh các sự vật dưới dạng bị xuyên tạc, bóp méo".

Sở dĩ có loại ngẫu tượng này, theo Bêcơn, là do các giác quan cũng như trí tuệ của con người còn chưa được hoàn thiện. Một trong những biểu hiện của ngẫu tượng này là ở chỗ, người ta thường hay bảo thủ, coi ý kiến và suy nghĩ chủ quan của mình là thước đo tất thảy mọi vật. Ngẫu tượng loài do vậy rất bền vững. Chúng ta chỉ có thể hạn chế ảnh hưởng của ngẫu tượng này bằng cách hoàn thiện các nhận thức của con người như thực nghiệm v.v..

Việc Ph.Bêcơn đòi hỏi nhận thức sự vật phải hoàn toàn khách quan là hợp lý. Ông nhận xét đúng rằng, con người thường hay chủ quan, duy ý chí trong hoạt động của mình. Nhưng ông lại sai lầm khi phủ nhận hoàn toàn cái chủ quan trong nhận thức. Việc đòi hỏi nhận thức phải "khách quan thuần tuý" của ông là một điều không tưởng, tuy nhiên nó có ý nghĩa tích cực trong việc phê phán các quan niệm thần học chủ quan kinh viện thời đó, vì sự tiến bộ của khoa học.

Dạng ngẫu tượng hang động: Ngoài những ngẫu tượng đối với cả loài người, thì mỗi người còn có các đặc tính chủ quan, tâm lí, tính cách đặc thù của mình làm xuyên tạc bản chất khách quan của sự vật. Chúng còn xuất hiện do hoàn cảnh giáo dục của mỗi người cũng khác nhau. Thực chất ngẫu tượng hang động chính là ngẫu tượng loài, nhưng biểu hiện ở mỗi người cụ thể ở mức độ và hình thức khác nhau. Sở dĩ gọi là ngẫu tượng hang động vì mượn câu

chuyện của Platôn về hang động, Ph.Bêcơn ví trí tuệ của con người như hang động méo mó của Platôn, mà trong đó thể hiện cái bóng của các sự kiện diễn ra bên ngoài.

Để hạn chế dạng ngẫu tượng này, mỗi người cần phải hoàn thiện nhân cách của mình, thận trọng trong quá trình nhận thức, dựa vào kinh nghiệm tập thể v.v..

Ngẫu tượng thị trường: Nó xuất hiện do mọi người thường hay sùng bái, chạy theo các quan điểm của ai đó có uy tín, hoặc ủng hộ những quan điểm phổ biến giáo điều, các tập quán truyền thống, trong đó bên cạnh nhiều yếu tố tích cực, cũng chứa đựng không ít những điều lạc hậu. Các ngẫu tượng này còn xuất hiện do ngôn ngữ khoa học của chúng ta đôi chỗ còn chưa thật chuẩn xác. Quan niệm trên của Ph.Bêcơn có nhiều điểm hợp lý và tiến bộ.

Ngẫu tượng nhà hát: Đó là những ảnh hưởng có hại của nhiều học thuyết, quan niệm thống trị làm cản trở quá trình nhận thức chân lý. Phê phán tệ sùng bái cá nhân của nhiều nhà khoa học thời đó, Ph.Bêcơn khẳng định "chân lý là con gái của thời gian chứ không phải của uy tín". Để tìm ra chân lý chúng ta không nên rơi vào chủ nghĩa hoài nghi luận, nhưng cũng không nên giáo điều trong nhận thức.

Nhìn chung, việc xác định bản chất và nguyên nhân của các ngẫu tượng của Ph.Bêcơn còn mang nặng tính trực quan, chủ yếu xét ở khía cạnh nhận thức luận, vì vậy chưa đưa ra được các giải pháp khắc phục ngẫu tượng một cách hợp lý. Công lao của ông trong học tuyết về ngẫu tượng là ở chỗ ông đã đặt ra vấn đề cơ sở xã hội của quá trình nhận thức; ở chỗ khẳng định quá trình nhận thức sự vật phải hoàn toàn khách quan, xem xét với tinh thần phê phán, cách mạng chứ không giáo điều. Những tư tưởng đó có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với thời đại của ông mà còn đối với cả hiện nay.

Ph.Bêcơn là một trong những người đầu tiên nhận thức được hạn chế của tam đoạn luận và của lôgic hình thức - cái mà từ trước đến bấy giờ vẫn được coi là phương pháp nhận thức vạn năng, đồng thời ông là một trong những người khởi xướng ra tư tưởng lôgic mới.

Ph.Bêcơn liệt kê, phân tích những phương pháp nhận thức cơ bản đang được sử dụng phổ biến để từ đó đưa ra một phương pháp nhận thức mới cao hơn.

Theo Ph.Bêcơn, từ trước đến bấy giờ người ta chủ yếu dùng hai phương pháp nhận thức là "phương pháp con nhện" và "phương pháp con kiến". Phương pháp con nhện là phương pháp xuất phát từ vài bằng chứng và cứ liệu vụn vặt người ta đã vội vã đưa ra các tiền đề và khẳng định một cách vô căn cứ về bản chất của sự vật. Phương pháp đó chẳng khác gì con nhện chăng tơ, chỉ trong khoảnh khắc đã xong nhưng không chắc chắn. Phương pháp con kiến là sự miêu tả, lượm lặt, sưu tầm từng ít dữ kiện về sự vật, nhưng rốt cuộc chẳng biết khái quát, rút ra những kết luận đúng đắn trên cơ sở những dữ kiện đó. Phương pháp này chỉ cho ta hiểu những nét bề ngoài vụn vặt chứ không thể khám phá được bản chất đích thực của sự vật.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, Ph.Bêcơn đưa ra "phương pháp con ong". Bản chất của "phương pháp con ong" là từ những tri thức do cảm tính đem lại chế biến chúng, như con ong biến mật hoa thành mật ong, rút ra những tri thức mới bằng tư duy lý tính. Phương pháp nhận thức tối ưu, theo Ph.Bêcơn, là phương pháp quy nạp. Ông coi phương pháp quy nạp là chiếc la bàn của khoa học. Nhưng ông không thoả mãn với những phương pháp quy nạp đã

có (quy nạp đầy đủ, quy nạp không đầy đủ). Ông là người đầu tiên khám phá ra phương pháp quy nạp loại trừ, tức phương pháp quy nạp mà trong đó có phân tích, loại bỏ những dữ kiện phụ, đi đến khẳng định bản chất của sự vật.

Nhìn chung, trong vấn đề phương pháp luận, Ph.Bêcơn là nhà duy cảm (mặc dù không cực đoan), thiên về sự phát triển khoa học tự nhiên thực nghiệm; là người có công khởi xướng ra tư tưởng cần thiết phải xây dựng một hệ thống phương pháp luận mới, phù hợp với sự phát triển của khoa học thời cận đại.

Một phần của tài liệu Triết học và vai trò của nó trong đời sống xã hội (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(69 trang)
w