Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng (Trang 92 - 96)

4. Kết cấu của luận văn

4.2.2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch

Tiềm năng, tài nguyên Du lịch thiên nhiên và nhân văn phong phú, song khả năng, năng lực khai thác còn yếu, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc kinh doanh du lịch của tỉnh chưa đồng bộ. Hiện nay, tỉnh có trên 150 khách sạn, nhà nghỉ với gần 2.700 phòng trong đó tỷ lệ phòng khách sạn chất lượng thấp còn lớn chưa đáp ứng yêu cầu của khách, nhất là khách nước ngoài. Số nhà hàng lớn chất lượng phục vụ tốt đáp ứng và phục vụ cho các hội nghị của các cơ quan trong tỉnh và phục vụ khách vãng lai đạt tiêu chuẩn còn ít. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng với tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, một số đơn vị đã được xây dựng thêm, một số cơ sở vật chất mới và nâng cấp, cải tạo. Tỉnh cũng đã có các chính sách mở cửa, khuyến khích thu hút mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch. Khách sạn, nhà hàng được mở rộng, là một ngành kinh tế mới của địa phương. Kết quả hàng năm có tăng trưởng nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh; do vậy, du khách trong nước, quốc tế đến với Thái Nguyên chưa nhiều.

Sau thành công của năm Du lịch quốc gia 2007 và Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011, hình ảnh về quê hương, con người Thái Nguyên đã thu hút được du khách thập phương trong nước quốc tế biết đến với một vị thế cao hơn

Nhiều sự kiện lớn cấp quốc gia, cấp khu vực được đăng cai tổ chức tại Thái Nguyên, đây là cơ hội để tỉnh quảng bá về hình ảnh với du khách nước ngoài và trong nước, tạo tiền đề cho phát triển du lịch trong những năm tiếp theo.

Thái Nguyên là tỉnh miền núi nghèo với nguồn ngân sách hạn chế. Hơn nữa trong thời gian qua, du lịch Thái Nguyên vẫn chưa thực sự đem lại được nguồn lợi đáng kể cho ngân sách địa phương, vì vậy việc xác định chiến lược và kế hoạch đầu tư cho du lịch ngày càng trở nên quan trọng. Nếu đầu tư có trọng điểm, bài bản, công phu sẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư, nâng cao khả năng thu hút và phục vụ khách du lịch. Vấn đề ở đây là ta không chỉ huy động nguồn ngân sách địa phương, nguồn ngân sách của nhà nước, mà ngành du lịch phải có chiến lược cụ thể trong việc huy động nguồn vốn trong dân, xã hội hoá các hoạt động du lịch để nó thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Khi có sự tham gia trực tiếp và giám sát của người dân, của các tổ chức kinh tế - xã hội thì nguồn vốn sẽ được sử dụng một các hiệu quả và tránh được lãng phí. Hơn nữa, với mỗi công trình cải tạo tu bổ các điểm du lịch, phải có đấu thầu công khai các công ty Nhà nước cũng như các công ty tư nhân để từ đó có sự cạnh tranh lành mạnh, có sự giám sát chặt chẽ nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đồng thời, điểm mạnh của vấn đề xã hội hoá du lịch sẽ tránh được tình trạng mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch, không có điều tra, khảo sát, không được tư vấn và cung cấp thông tin dẫn đến những công trình, sản phẩm du lịch được tạo ra không phù hợp với nhu cầu thị trường và không có khả năng thu hút khách.

+ Những năm qua, thực hiện Đề án phát triển Du lịch, tỉnh đã thu hút đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng du lịch, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ du lịch, đầu tư vào các khu du lịch chủ yếu như: Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc - huyện Đại Từ, Khu du lịch lịch sử ATK Định Hoá, Khu du lịch Trung tâm thành phố Thái Nguyên, khu du lịch Đồng Hỷ - Võ Nhai. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đã tích cực triển khai chương

trình tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch, tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước về du lịch, phối hợp đồng bộ liên ngành, xây dựng quy chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Nâng cao chất lượng phục vụ khách, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú cũng như những loại hình dịch vụ phụ trợ cho du lịch trong tương lai. Đây là một việc cần phải làm ngay do nhu cầu của khách du lịch ngày càng tăng, mức tiêu dùng trong những dịp đi tham quan, nghỉ dưỡng lớn nên nếu ta không biết tận dụng, một mặt ngành du lịch sẽ bị thất thu, mặt khác lượng khách đến Thái Nguyên sẽ không tăng như kỳ vọng.

Vấn đề có thể cần được giải quyết theo hướng sau: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, đảm bảo đúng tiến độ, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường liên tỉnh cũng như các tuyến đường nội tỉnh đến các tuyến, điểm du lịch quan trọng. Cần phải đầu tư mở rộng các trục đường chính dẫn đến các điểm du lịch. Vấn đề này cần phải có sự tham gia đồng bộ của nhiều ngành mới đem lại hiệu quả, bởi nó không chỉ đòi hỏi vốn lớn mà còn có yếu cầu về kỹ thuật, về thời gian, về chiến lược phát triển kinh tế chung của địa phương.

Yêu cầu chung đối với các tuyến đường: Đảm bảo mặt đường đủ cho hai xe tải tránh nhau, rải nhựa êm, không mấp mô, sạt lở gây nguy hiểm khi lưu thông. Có thể lấy đoạn đường từ Quốc lộ 3 đi Chợ Chu - Định Hoá (Thái Nguyên) làm mẫu. Tỉnh chủ động lập quy hoạch du lịch chi tiết trên địa bàn Thái Nguyên mà không tách rời quy hoạch của vùng, miền và quốc gia về du lịch. Có kế hoạch phát triển du lịch lâu dài một cách bền vững các khu du lịch trọng điểm và các vùng phụ cận như khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc, khu du lịch văn hoá - lịch sử Quốc gia vùng ATK, khu du lịch văn hoá - lịch sử Thần Sa.... Nhằm bảo vệ tốt nhất cảnh quan du lịch, môi trường du lịch cũng như nguồn tài nguyên du lịch. Tại những điểm du lịch, cần xây dựng những nhà tạm, những điểm dừng chân có mái che để khách nghỉ ngơi. Đồng thời

phải có bãi đậu xe, nhà vệ sinh, nhà hàng phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho khách. Đây là những công trình cần được ưu tiên đầu tư ngay từ đầu tại các điểm du lịch. Ta có thể tranh thủ kêu gọi sự đầu tư của người dân địa phương, lấy người dân địa phương làm nòng cốt trong việc phục vụ khách du lịch cũng như huy động vốn từ dân trong xây dựng các nhà hàng, nhà nghỉ ngay tại điểm du lịch. Tuy nhiên những cơ sở này phải được quản lý chặt chẽ bởi Sở Văn hoá thể thao và Du lịch sở tại về hoạt động kinh doanh cũng như về vấn đề đào tạo lực lượng lao động.

Cơ sở lưu trú cho khách tham quan có nhu cầu. Đó là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Do đặc điểm du lịch Thái Nguyên là du lịch sinh thái kết hợp với du lịch lịch sử nên tại những điểm du lịch chỉ nên phát triển loại hình nhà nghỉ sinh thái, tận dụng những cơ sở vật chất vốn có của người dân (chủ yếu là nhà sàn như trường hợp du lịch sinh thái Ba Bể- Bắc Kạn). Hơn nữa, do các điểm du lịch phân tán nên nếu ta đầu tư nhiều về cơ sở lưu trú sẽ không đem lại nguồn lợi lớn, gây nên tình trạng lãng phí vốn trong điều kiện ngân sách tỉnh dành cho du lịch còn rất hạn chế như hiện nay. Nếu đầu tư xây dựng các nhà hàng, nhà nghỉ, nhà sàn, chủ yếu ta nên sử dụng các nguồn nguyên liệu thiên nhiên như: gỗ, tranh, tre, nứa, lá... với quy mô vừa cho hợp lý với cảnh sắc thiên nhiên chung của vùng. Tuy nhiên, với những điểm du lịch lớn như Hồ Núi Cốc, thành phố Thái Nguyên, lượng khách đông đảo và thường xuyên hơn cả thì vấn đế đầu tư cơ sở hạ tầng phải có một sự định hướng lâu dài. Đó là một cơ sở hạ tầng hoàn thiện với hệ thống khách sạn, nhà nghỉ chất lượng cao, các nhà hàng đặc sản đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách. Bên cạnh đó phải có một đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, đội ngũ đầu bếp lành nghề, hướng dẫn viên du lịch năng động, nhiệt tình để tạo thuận lợi và sự thích thú cho du khách.

Với riêng trường hợp khu du lịch Hồ Núi Cốc, các nhà nghỉ hiện đại nên phân bố ở khu vực bên ngoài điểm du lịch chính để khỏi làm mất cảnh

quan tự nhiên của hồ như hiện nay. Còn khu vực trọng điểm du lịch, vẫn có thể phát triển các loại hình dịch vụ nhưng chúng ta cố gắng càng gần với thiên nhiên càng tốt.

Đối với các điểm du lịch xa trung tâm, xa thành phố, ta có thể khai thác những giá trị văn hoá dân tộc đặc sắc của các tộc người ở địa phương vào du lịch. Tại các điểm du lịch đó, có thể tổ chức cho khách đi đến các bản làng, tham, gia vào cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Ngược lại, đối với các địa phương phải có ý thức đưa những giá trị văn hoá truyền thống của tộc người mình trở thành một sản phẩm của du lịch. Muốn như vậy, ngành du lịch địa phương phải có kế hoạch đầu tư, quy hoạch cụ thể đối với từng cụm, điểm du lịch. Đây sẽ là một hướng phát triển khá triển vọng và sẽ đem lại những nguồn lợi lớn đối với du lịch Thái Nguyên nói riêng. Với những điểm du lịch gần trung tâm thành phố, nên tập trung vào xây dựng các trung tâm giải trí cho tất cả các đối tượng. Thêm vào đó là các trung tâm mua sắm hiện đại, nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng trong đó nhấn mạnh đến những sản phẩm đặc sản của địa phương. Qua đó, không những làm phong phú thêm các loại hình dịch vụ mà còn góp phần quảng bá cho du lịch Thái Nguyên, đem lại nguồn lợi không nhỏ ngành dịch vụ này của địa phương.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng (Trang 92 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)