III/ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DÂN CƯ ĐÔ THỊ HÀ NỘI
3. Đẩy mạnh tham gia của người dân trong quá trình quản lý đô thị
Quản lý đô thị không chỉ quản lý hạ tầng kinh tế kỹ thuật mà trung tâm là quản lý con người, cộng đồng người. Mà con người thì hoạt động có ý thức, có động cơ. Do vậy, công tác quản lý đô thị hiện nay phải xét tổng thể vấn đề nhu cầu, lợi ích, tâm tư nguyện vọng... của người dân, lấy người dân làm trọng tâm để triển khai các kế hoạch một cách khả thi.
Mọi giải pháp phát triển dân cư đô thị phải do dân, vì dân và đảm bảo giữ gìn và phát huy tốt nhất các giá trị văn hoá, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, muốn vậy, phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa quy chế dân chủ. Lãnh đạo các cấp phải quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, tạo mọi điều kiện để người dân tham gia vào quá trình quản lý đô thị bởi vì nó sẽ làm cho các chính sách dễ dàng được chấp nhận hơn khi phản ánh được mong muốn và các nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay sự tham gia của người dân vào công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn hạn chế. Một phần do chính quyền địa phương các cấp chưa nhận thức đúng vai trò của người dân trong công tác quản lý và giữ thói quen quản lý thủ trưởng, trì trệ trong bộ máy công kềnh, quan liêu. Một phần là do trình độ của người dân còn thấp, phần lớn là nông dân sống ở ngoại thành chưa có khả năng và trình độ để tiếp cận và tham gia vào quá trình quản lý đô thị. Vì vậy để công tác quản lý đô thị ngày được nâng cao hiệu quả, xây dựng một đô thị văn minh hiện đại cũng như mang đậm tính nhân văn, bên cạnh tính chuyên nghiệp, đòi hỏi người làm công tác quản lý cần quan tâm hơn nữa đến người dân, đưa thông tin đến cho người dân bằng cách đơn giản nhất như thông qua loa phát thanh phường, hay thường xuyên tổ chức những buổi gặp mặt. Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng khoa học tâm lý quản lý, nghiên cứu tâm lý thị dân, nghiên cứu tâm lý cán bộ quản lý, thu hút quần chúng tham gia quản lý đô thị và xây dựng cơ chế, lắng nghe trong dư luận quần chúng để biết tâm tư nguyện vọng của họ. Bên cạnh đó, cần đào tạo tâm lý quản
lý cho cán bộ quản lý đô thị các cấp, nhất là cán bộ trẻ, kế cận, từ đó tạo nên văn hóa quản lý đô thị theo chiều sâu.