+ Phùng được giao nhiệm vụ đi chụp một cảnh biển đẹp để làm lịch. Sau nhiều buổi sáng “phục kích”, anh đã “chộp” được một cảnh tuyệt đẹp- cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong làn sương sớm- anh ngỡ như mình đã khám phá ra chân lý của sự hoàn thiện, khám phá cái khoảnh
khắc trong ngần của tâm hồn, cái tận thiện, tận mỹ và cho rằng bản thân cái đẹp chính là đạo đức.
Thế nhưng, ngay sau đó, khi chiếc thuyền cập bờ, anh lại chứng kiến cảnh tượng phi thẩm mĩ, phi nhân tính (hình ảnh người đàn ông, người đàn bà; cảnh bạo lực gia đình), anh bắt đầu nhận ra một sự thật trần trụi, khắc nghiệt.
+ Với 2 cảnh tượng hoàn toàn đối lập nhau mà Phùng đã chứng kiến, Phùng dần dần nhận ra sâu sắc nghịch cảnh giữa vẻ đẹp nghệ thuật ở cự ly xa với cái thật gần là sự ngang trái trong gia đình thuyền chài, giữa vẻ đẹp thuần túy bên ngoài và bên trong. Và cũng như Đẩu, anh hoàn toàn bất ngờ trước thái độ lạ lùng của người đàn bà hàng chài. Anh có cái tốt bụng, cao thượng, nghĩa hiệp của một người lính ( đánh nhau với người chồng để bảo vệ cho bà ta)
nhưng cũng ít thực tế, bị định kiến chi phối (hỏi người đàn bà rằng chị ta có đi lính ngụy không) nên lúc đầu đã bất bình trước thái độ cam chịu của người đàn bà. Nhưng dần dần, qua câu chuyện của người đàn bà, anh đã “ngộ” ra được những nghịch lý của cuộc sống.
- Ý nghĩa của tình huống truyện:
+ Cuộc đời chứa đựng nhiều nghịch lí, mâu thuẫn; không thể đánh giá con người, cuộc sống ở dáng vẻ bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu, phát hiện bản chất bên trong.
+ Tình huống truyện đề cập về khoảng cách, về cự ly nhìn ngắm đời sống mà người nghệ sĩ cần coi trọng đồng thời cũng gợi ra đối tượng nghệ thuật thật sự cần khám phá của người nghệ sĩ.