Môi trường kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu MÔI TRƯỜNG FDI CỦA MỘT SỐ NƯỚC ASEAN NHỮNG QUY ĐỊNH VÀ THỰC THI QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG THU HÚT FDI VÀO CÁC NƯỚC ASEAN (Trang 31)

3. So sánh môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam với môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN khác

3.2.1.Môi trường kinh tế vĩ mô

Với chính sách đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ sáu tháng 2 năm 1986, Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc cải cách trong hệ thống tài chính và ngân hàng; hệ thống giá cả trong đó tập trung vào việc tự do hoá giá cả của hầu hết các hàng hoá và dịch vụ; vấn đề sử dụng đất; hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính Nhà nước; các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Thành công của những cuộc cải cách này đã góp phần tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhanh, tỷ lệ lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái ổn định,... - những nhân tố bảo đảm cho sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong thời kỳ 1991 - 1995 đạt 8,77% và đến năm 1996 còn đạt cao hơn, 9,34%. Trong năm 1997, tuy Việt Nam bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,8%, cao hơn nhiều so với tất cả các nước còn lại trong khối ASEAN. Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn được duy trì ở mức dưới 10% trong suốt 5 - 6 năm qua. GDP bình quân đầu người đã liên tục tăng lên từ mức 110 USD năm 1989 tới khoảng 330 USD năm 1997. Những thành tựu này cùng với chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của Chính phủ đã góp phần làm tăng nhanh dòng FDI vào đất nước trong những năm 1989 - 1995.

Tuy nhiên, những yếu kém trong nền kinh tế Việt Nam, nhất là khả năng cạnh tranh và hiệu quả kém, trình độ phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính còn thấp và tình trạng quan liêu còn tồn tại đã bộc lộ rõ hơn trong quá trình phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế. Những vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Từ năm 2005 đến nay, sau khi thực hiện luật đầu tư chung đã mang lại những dấu hiệu tích cực khi kết quả đạt được là năm 2006 tổng dòng FDI vào Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD, 2007 đạt 6,7 tỷ USD, 2008 đạt 9,5 tỷ USD (chi tiết bảng 7). Mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 nhưng dòng FDI vào Việt Nam vẫn tăng do một số nguyên nhân mà chủ yếu là việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, cùng với đó là việc thực hiện cải cách thông thoáng môi trường đầu tư từ năm 2007 đã giúp cho việc thu hút dòng FDI vào Việt Nam tăng mạnh năm 2008. Suy thoái kinh tế cuối năm 2008 là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc dòng FDI vào Việt Nam giảm còn 7,6 tỷ USD năm 2009 và 8 tỷ USD năm 2010.

Một phần của tài liệu MÔI TRƯỜNG FDI CỦA MỘT SỐ NƯỚC ASEAN NHỮNG QUY ĐỊNH VÀ THỰC THI QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG THU HÚT FDI VÀO CÁC NƯỚC ASEAN (Trang 31)