2.3.2.1 Hạn chế
Mặc dù NHNO&PTNT Láng Hạ đã tích cực tiến hành nhiều biện pháp để hạn chế rủi ro tín dụng nhưng rủi ro vẫn xảy ra trong hoạt động cho vay tại ngân hàng. Dưới đây là một số tồn tại:
-Thực trạng RRTD tại chi nhánh mặc dù được phản ánh tương đối sát trên bảng cân đối kế toán, nhưng chưa phản ánh hoàn toàn đúng thực chất những tiềm ẩn rủi ro.
Nhiều khoản cho vay đã được điều chỉnh kỳ hạn nợ tối đa theo quy chế cho vay tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN; Quyết định 127/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN, nhưng thực chất là NQH. Hoặc là những khoản cho vay hiện nay chưa đến kỳ hạn chuyển NQH, nhưng thực tế khách hàng làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
-Chất lượng thẩm định sau khi cho vay chưa cao, còn nhiều bất cập, gây rủi ro cho ngân hàng. Chi nhánh chưa thực sự chú trọng đến công tác giám sát sau khi cho vay.
-Tỷ lệ NQH tuy có giảm nhưng vẫn xấp xỉ mức an toàn 5% theo thông lệ quốc tế và tập trung ở những khoản cho vay chủ yếu của ngân hàng. Điều này cho thấy công tác quản lý rủi ro, cũng như chất lượng của các khoản vay chưa thực sự tốt.
Năm 2009 và 2010, quy mô cho vay trung-dài hạn tăng mạnh. Theo đó, tỷ trọng NQH trung-dài hạn cũng tăng dần, lần lượt qua 3 năm là 28.17%, 74.33%, và 66.76%. Tỷ lệ NQH trung-dài hạn trên tổng dư nợ cho vay trung-dài hạn cũng tăng dần : 3.15%, 3.64%, 3.5%.
NQH VND luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong các khoản nợ quá hạn của ngân hàng và tỷ trọng này có xu hướng tăng lên trong 3 năm. Tỷ lệ NQH VND/Dư nợ cho vay VND giảm dần qua 3 năm lần lượt là 4.3%, 4.2% và 4%. NQH VND tăng lên cùng với quy mô các khoản dư nợ cho vay bằng VND. Điều này chứng tỏ chất lượng của các khoản cho vay bằng VND vẫn chưa được cải thiện, chứa đựng nhiều rủi ro.
NQH tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, và tỷ lệ NQH theo ngành xây dựng luôn cao trong 3 năm: 5.6%, 13.4%, 12.1%.
NQH của các công ty quốc doanh luôn chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 60% trong tổng NQH của ngân hàng. Tỷ lệ NQH quốc doanh tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức khá cao: 4.5%, 4%, 3.5%. Chất lượng một số khoản vay ngoài quốc doanh chưa cao. Mặc dù, ngân hàng có chủ trương mở rộng cho vay ngoài quốc doanh nhưng ngân hàng chưa có nhiều thông tin về các khách hàng này, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc cho vay các khách hàng này. Chính điều này gây rủi ro cho ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu tuy đảm bảo trong mức cho phép là <3%,nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong NQH. Thêm vào đó, nợ xấu tập trung chủ yếu ở nhóm 5-nợ có khả năng mất vốn và có xu hướng tăng dần qua 3 năm. Điều này gây rủi ro mất vốn cao cho ngân hàng.
-Tăng trưởng tín dụng quá nóng, điều này có thể khiến ngân hàng gặp rủi ro nhiều hơn do khả năng đáp ứng quy mô có hạn. Việc quá chú trọng vào tăng trưởng dư nợ tín dụng khiến cho chất lượng tín dụng của các khoản vay chưa được chú trọng đúng mức.
-Cơ cấu cho vay chưa cân đối hợp lý
Tập trung vốn tín dụng quá nhiều vào cho vay bằng VND, thể hiện ở tỷ trọng dư nợ cho vay VND qua 3 năm tương ứng là 71.22%, 92.17% và 86.5%. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay bằng ngoại tệ còn thấp.
Cho vay khối quốc doanh luôn chiếm tỷ trọng cao, tương ứng qua 3 năm là 64.5%, 79.54%, 75%. Mặc dù, Ngân hàng đang mở rộng cho vay khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh kinh doanh hiệu quả, nhưng kết quả vẫn chưa cao, tỷ trọng cho vay khối này trong tổng dư nợ cho vay còn thấp.
Tập trung vốn tín dụng quá nhiều vào cho vay trung-dài hạn, thể hiện ở tỷ trọng dư nợ cho vay dài hạn qua 3 năm tương ứng là: 36.92%, 78.23%, 66.79%.
Cho vay ngành xây dựng luôn chiếm tỷ trọng rất cao, lần lượt qua 3 năm là 56.1%, 22.7% và 26.8%, đồng thời cũng luôn là ngành có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất.
Dư nợ tín dụng chủ yếu vẫn tập trung vào một số tổng công ty lớn, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước. Viêc giảm dần hạn mức dư nợ các công ty lớn, đồng thời đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất tuy đã được chỉ đạo từ Ban giám đốc, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện của cán bộ nghiệp vụ còn chậm, chưa tích cực.
-Việc xử lý nợ tồn đọng còn gặp khó khăn ở khâu xử lý tài sản đảm bảo. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên thực tế đã ngừng hoạt động, phá sản nhưng luật pháp lại chưa tuyên bố giải thể, nhất là các DNNN. Hơn nữa, việc sử dụng trích lập dự phòng chỉ được dung để bù đắp những khoản nợ xấu khi doanh nghiệp đã phá sản, nên việc chậm trễ trong thủ tục phá sản của doanh nghiệp gây trở ngại cho chi nhánh trong công tác xử lý nợ xấu, làm trong sạch bảng tổng kết.
-Hệ thống kiểm tra nội bộ của Chi nhánh chưa đạt hiệu quả cao nên việc phát hiện sai sót trong việc thực hiện quy trình cấp tín dụng chưa đầy đủ.
2.3.2.2 Nguyên nhân
a. Nguyên nhân khách quan
- Môi trường kinh tế: Trong 3 năm qua, thị trường thế giới và trong nước biến động phức tạp. Năm 2008, Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp và sâu rộng đến nhiều ngành kinh tế. Thêm vào đó thì nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế mới hội nhập, các cơ chế chính sách nền tảng còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Vì vậy, nền kinh tế không có được sự ổn định cao, liên tục kéo theo nhiều bất ổn trong năm 2009 và 2010: thị trường chứng khoán liên tục lao dốc; lãi suất và tỷ giá liên tục biến động, thị trường vàng biến động dữ dội, liên tục theo chiều hướng tăng cao; kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài giảm mạnh… Điều đó cho thấy 3 năm 2008-2010 là những năm hoạt động đầy khó khăn của không chỉ riêng ngành ngân hàng mà cho cả nền kinh tế nói chung.
- Môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý còn chưa đồng bộ, còn chồng chéo, tốn kém nhiều thời gian và công sức và tiền của của người dân cũng như các doanh nghiệp. Pháp lệnh kế toán và chế độ báo cáo thực hiện chưa nghiêm: Khách
hàng là doanh nghiệp lập Báo cáo tổng kết hàng năm theo quy định còn chậm, số liệu không bắt buộc kiểm toán, không có chế tài xử lý việc vi phạm định về BCTC, báo cáo thống kê hàng năm. Do vậy, chưa phản ánh được chính xác tình hình hoạt động kinh doanh trong thời kỳ báo cáo. Chính điều này ảnh hưởng đến chất lượng thông tin trong công tác thẩm định khách hàng vay của Ngân hàng.
Có những văn bản pháp quy của NHNN nhằm ổn định thị trường nhưng chưa hợp lý, hoặc quá bất ngờ, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các Tổ chức tín dụng.
- Ở Việt Nam, thị trường chứng khoản, thị trường các sản phẩm phái sinh
chưa thực sự phát triển. Hệ thống các quy định pháp luật về vấn đề này chưa tạo được một hành lang pháp lý để các ngân hàng hoạt động. Đây cũng là một trong
những nguyên nhân dẫn đến việc NHNO&PTNT Láng Hạ chưa sử dụng công cụ phái sinh để hạn chế RRTD.
- Sự hợp tác của các NHTM Việt Nam còn rất hạn chế. Các ngân hàng chưa thực sự đoàn kết với nhau, chưa có sự trao đổi thông tin với nhau, đặc biệt là về thông tin tín dụng. Vẫn còn nhiều hiện tượng một khách hàng vay được ở nhiều ngân hàng mà sử dụng một tài sản thế chấp ở tất cả các ngân hàng mà khách hàng đó vay… Bên cạnh đó, tiềm lực của các NHTM Việt Nam còn yếu trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO thì thách thức cho các NHTM Việt Nam còn tăng lên gấp bội.
b. Nguyên nhân chủ quan
Từ phía Ngân hàng
- Mặc dù Ngân hàng đã có những thay đổi trong quan điểm về quản trị RRTD, đã xây dựng được những nội dung cơ bản trong chính sách quản trị RRTD nhưng việc áp dụng vào thực tế còn chưa tốt, cần phải tiếp tục bổ sung để phù hợp
với những tiêu chuẩn quốc tế: Cần áp dụng nhiều tiêu chuẩn đo lường chất lượng tín dụng theo phương pháp định lượng, cần quán triệt hơn nữa việc thực hiện các quy định phân quyền phán quyết tín dụng…
- Có sự chênh lệch trình độ của cán bộ và quy trình tuyển nhân viên mới còn
chưa hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ mà Ngân hàng mới tuyển khá nhiều và chủ yếu vẫn còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong công tác tín dụng, chưa nắm bắt được tất cả nội dung của các quy trình tín dụng mới và điều này sẽ có thể dẫn đến rủi ro cho Ngân hàng.
- Khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin còn hạn chế
Do khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin còn hạn chế nên đã gây khó khăn cho công tác tìm kiếm thông tin khách hàng trong nội bộ ngân hàng cũng như bên ngoài, việc đánh giá mức độ rủi ro từng khoản vay theo phương pháp định lượng thông qua việc áp dụng các mô hình chưa được thực hiện vì muốn đánh giá bằng phương pháp này đòi hỏi phải có những phần mềm công nghệ hiện đại.
- Hiện nay, ngân hàng mới chỉ áp dụng các biện pháp truyền thống để hạn chế RRTD, trong khi đó chưa sử dụng các công cụ phái sinh.
- Công tác kiểm tra, giám sát khoản cho vay/khách hàng chưa thực sự chặt chẽ, sát sao.
Hiện nay, số lượng cán bộ tín dụng còn ít, trong khi đó chủ trương của Ngân hàng là mở rộng cho vay với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Do đó, việc kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên là tương đối khó khăn cho ngân hàng và thực tế là NHNO&PTNT Láng Hạ vẫn chưa thực hiện được việc kiểm tra, giám sát khoản cho vay một cách thường xuyên. Ngoài ra, một số cán bộ còn chưa chú trọng đến khâu này. Mặt khác, sự phối hợp giám sát các khoản cho vay giữa ba phòng: Phòng QHKH, phòng QLN, phòng QLRR còn chưa thật tốt. Bên cạnh đó, bộ phận kiểm toán nội bộ cũng chưa làm thật tốt trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra từng nghiệp vụ riêng lẻ để nhằm phát hiện kịp thời đồng thời dự báo được các rủi ro trong tương lai.
- Công tác marketing trong hoạt động tín dụng còn chưa được chú trọng đúng mức.
Ngân hàng chưa thực sự đẩy mạnh hoạt động marketing giới thiệu sản phẩm đến tận tay khách hàng, cán bộ quan hệ khách hàng chưa thật chủ động tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Thêm vào đó, sản phẩm tín dụng mà Ngân hàng cung cấp chưa đa dạng. Và ngân hàng cũng chưa thực hiện được tốt việc thiết kế sản phẩm tín dụng phù hợp với từng khách hàng.
- Việc Ngân hàng mở rộng cho khối doanh nghiệp quốc doanh còn gặp nhiều
khó khăn do cán bộ tín dụng còn chưa có kinh nghiệm trong thẩm định các doanh
nghiệp khách hàng ngoài quốc doanh, chưa có nhiều thông tin về các khách hàng này nên chất lượng một số khoản cho vay còn chưa cao.
Từ phía khách hàng vay
- Do năng lực kinh doanh của khách hàng kém. Điều này thể hiện trong khâu tổ chức nhân sự, quản lý nội bộ, quản lý và sử dụng vốn… Hiện nay ở ngân hàng, vốn tín dụng tập trung vào bộ phận quốc doanh rất lớn, một số khách hàng ở bộ phận doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh không hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp.
- Do khách hàng thiếu thông tin về thị trường, bạn hàng trong kinh doanh, công tác marketing của khách hàng chưa tốt, chưa nắm bắt được diễn biến kinh tế xã hội, nhu cầu dân cư… Chính điều này làm cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường khách hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trên cơ sở lý luận đã được đề cập ở chương 1, trong chương 2 tập trung phân tích thực trạng RRTD tại NHNO&PTNT Láng Hạ. Thông qua đó đã đưa ra những đánh giá, nhận định về những kết quả đã đạt được của Ngân hàng trong công tác hạn chế RRTD cũng như những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những tồn tại đó. Đây chính là cơ sở để có thể đưa ra một số giải pháp cũng như kiến nghị nhằm hạn chế RRTD tại NHNO&PTNT Láng Hạ.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NHNO&PTNT LÁNG HẠ