Hưởng thụ thiên nhiên là một nghệ thuật phần lớn tuz vào tính tình, cá tính mỗi người, và cũng như mọi nghệ thuật, khó giảng được kĩ thuật của nó ra sao. Phải hồn nhiên, để tự nó phát ra trong tâm hồn nghệ sĩ của ta. Vậy không thể đưa ra những qui tắc để hưởng thụ cây này hay cây kia, tảng đá này hay tảng đá nọ, phong cảnh này hay phong cảnh khác vì không cảnh nào giống cảnh nào. Hễ tự hiểu thì chẳng ai cần dạy cũng biết hưởng thụ. Havelock Ellis và Van der Velde[1] đã sáng suốt khi bảo rằng trong khuê phòng, không có việc nào nên hay không nên, nhã hay không nhã, không thể qui định được những cái đó. Nghệ thuật hưởng thiên nhiên cũng vậy. Có lẽ cách để hiểu được nghệ thuật đó là nghiên cứu đời của những người có tâm hồn nghệ sĩ. Lòng yêu thiên nhiên, bỗng nhiên nhớ lại một thắng cảnh đã thưởng ngoạn năm trước hoặc bỗng nhiên muốn đi coi một nơi nào, những cái đó bột phát đúng vào lúc ta không ngờ nhất. Có tâm hồn nghệ sĩ thì thế nào nó cũng hiện ra và những văn sĩ biết hưởng thụ thiên nhiên thường quên bẵng tình tiết trong tiểu thuyết để thao thao tả một cảnh tuyết đẹp đẽ hoặc một chiều xuân êm ả. Tự truyện của các kí giả hoặc của các chính trị gia chứa đầy những hồi kí về các biến cố, còn tự truyện của các văn nhân thường chép về bản thân mình, nhắc lại một đêm vui vẻ hoặc một cuộc du ngoạn trong sơn cốc với vài người bạn thân. Về điểm đó, tự truyện của Ruyard Kippling và của G.K. Chesterton[2] làm cho tôi thất vọng. Tại sao những việc vô vị thì họ lại coi trọng đến thế? Chép về người, người rồi lại người, tuyệt nhiên không nói đến hoa cỏ, chim chóc, núi non, sông ngòi!
Hồi kí cùng thư từ của văn nhân Trung Hoa thường khác hẳn. Việc quan trọng là kể cho bạn nghe một đêm trên mặt hồ hoặc nhớ lại một ngày hoàn toàn sung sướng. Đặc biệt là các văn nhân Trung Hoa, ít nhất cũng là một số lớn trong bọn họ, chép lại cả hồi ức trong khuê phòng nữa, như những bộ rất quí
“Ảnh Mai am ức ngữ” của Mặc Tịch Cương, “Phù sinh lục kí” của Thẩm Tam Bạch, “Thu đăng toả ức”
của Tưởng Thản. Hai bộ trên viết sau khi vợ mất, bộ cuối viết khi tác giả về già, vợ còn sống. Chúng tôi sẽ bắt đầu giới thiệu vài đoạn trong bộ “Thu đăng toả ức” mà nhân vật chính là nàng Thu Phù, vợ của tác giả, rồi giới thiệu vài đoạn trong “Phù sinh lục kí” mà nhân vật chính là nàng Vân. Hai người đàn bà đó tuy học vấn không cao lấm, thi tài cũng tầm thường, nhưng có tâm hồn thi sĩ. Vả lại họ có muốn lưu lại những thi phẩm bất hủ đâu, chỉ có một người là dùng văn vần để ghi lại tâm trạng cùng ít kỉ niệm quí, hoặc để trợ hứng cho chúng ta hưởng thụ thiên nhiên, thế thôi.
A.- THU PHÙ[3]
Thu Phù thường bảo tôi: “Đời người được trăm năm, ngủ và mộng mị mất một nửa, những ngày đau ốm buồn rầu mất một nửa, tuổi thơ và tuổi già mất một nửa nữa[4], còn lại chỉ là một phần mười hay một phần mười lăm. Huống hồ thể chất chúng ta như bồ liễu, chắc gì sống được trăm năm”. Một đêm thu, trăng tròn, Thu Phù sai tiểu hoàn ôm cây đàn cầm cùng với nàng dạo thuyền trong đám hoa sen ở Tây Hồ[5]. Lúc đó tôi ở Tây Khê mới về, tới nhà thì hay người đã đi rồi; tôi mua vài quả dưa[6] rồi đi tìm nàng. Chúng tôi gặp nhau ở cầu thứ nhì trên đê Tô Đông Pha[7], đúng lúc Thu Phù
http://www.huynhtruong-dmhcg.net Trang 120
đương gảy khúc Hán cung thu oán. Tôi khép vạt áo, dừng lại nghe. Núi bốn bên chìm trong sương khói, trăng sao vằng vằng vặc trên nước; tiếng đàn lanh lảnh rộn lên, tôi không phân biệt được là tiếng gió, hay tiếng vòng ngọc của nàng nữa. Khúc đàn chưa dứt thì mũi thuyền đã sát bờ phía Nam vườn Y viên (Vườn sóng lăn tăn). Chúng tôi gõ cửa Bạch Vân Am vì chúng tôi quen ni cô trong am. Để chúng tôi ngồi một chút rồi các ni cô lấy sen mới hái trong đầm nấu chè đãi chúng tôi; từ màu sắc đến hương thơm hạt sen đều nhẹ nhàng, mát ruột, khác hẳn những vị thịt cá tanh hôi, (như cỏ huân – quân tử - khác với cỏ du – tiểu nhân vậy). Lúc về, chúng tôi ghé cầu họ Đoàn, lên bờ, trải chiếu tre trên đất, ngồi nói chuyện một hồi lâu. Tiếng ồn ào trong thành vẳng lại, chúng tôi thấy khó chịu như ruồi nhặng vo ve bên tai. Lúc đó sao bắt đầu thưa, sương trải trên hồ trắng mờ mờ. Tiếng trống trên lầu của thành trầm trầm điểm canh tư, chúng tôi ôm cầm xuống thuyền chèo về nhà.
“Một đêm nghe tiếng gió mưa, nệm, chiếu đã có hơi lạnh mùa thu. Thu Phù thay y phục, tôi ngồi bên án gần nàng, đương vẽ cho xong tập bách hoa đồ kí, nghe có tiếng lá rụng, rớt ở dưới cửa sổ, Thu Phù đương soi gương ngâm:
----“Hôm qua vui hơn hôm nay,
----Năm nay già hơn năm ngoái”.
Tôi an ủi nàng: “Đời sống không được trăm năm, hơi đâu xót xa vì lá rụng?”. Rồi tôi ném bút xuống. Đêm đã khuya, Thu Phù muốn uống, lò đã tắt mà người ở đã ngủ cả rồi. Tôi lấy cây đèn dầu trên bàn, đặt trong cái lò nhỏ thường nấu trà để hâm lại một chén chè sen cho nàng.
Ở suối Bào Hổ có nhiều cây ba đậu mọc trên đá. Tới mùa, hoa vàng phủ cả những bực đá và hương thơm ngào ngạt, tưởng như ở tiên cảnh. Tôi ưa loại hoa đó, thường cùng với Thu Phù pha trà ở dưới gốc. Nàng vói hái vài bông cắm trên mái tóc, tóc móc vào cành lá, rối bù lên, tôi lấy nước suối vuốt lại cho. Khi về chúng tôi bẻ ít cành, cắm ở sau xe, để lúc vô thành, mọi người biết tin mới về thu”. B. VÂN
Trong bộ “Phù sinh lục kí”, một hoạ sĩ vô danh chép những chuyện vặt trong khuê phòng. Cả hai vợ chồng tác giả đều là những tam hồn bình dị rán hưởng mỗi phút vui trong đời và lời văn rất bình dị. Đôi khi tôi cho nàng Vân là người đàn bà khả ái nhất mà hành động còn ghi lại trong văn học Trung Quốc. Đời sống của họ thê thảm mà thật phóng lãng, một sự phóng lãng phát xuất tự tâm hồn. Chúng ta nên để ý rằng cái vui của họ phần lớn do hưởng thụ thiên nhiên. Dưới đây tôi xin trích vài đoạn:
“Đêm thất tịch[8] năm nay (1780), Vân bày hương nến, hoa quả, để lễ Thiên tôn[9] trong cái hiên của chúng tôi. Tôi đem hai con dấu đã khắc câu “Nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng nhau”, giữ lấy con dấu khắc nổi, đưa nàng con dấu khắc chìm, để dùng trong những lúc thư từ với nhau. Đêm đó trăng đẹp, cúi xuống nhìn vũng sông, sóng lóng lánh như tơ. Bận áo là nhẹ, cầm chiếc quạt nhỏ, chúng tôi ngồi ở cửa sổ bên nước, ngửng đầu ngó mây bay, thiên hình vạn trạng trên trời. Vân nói: “Vũ trụ mênh mông, đâu cũng trăng này. Không biết đêm nay trên thế gian, còn ai có tình dào dạt như đôi ta không?”. Tôi đáp: “Ngắm trăng ngóng gió, đâu mà chẳng có người như chúng ta, (…)”. Không bao lâu, đèn tắt, trăng chìm, dọn hoa quả, về ngủ.
http://www.huynhtruong-dmhcg.net Trang 121
“Rằm tháng bảy, là ngày cúng Thập loại Chúng sinh, Vân dọn một tiệc nhỏ, cùng uống rượu dưới trăng; nhưng đến tối, mây mù bỗng xuất hiện. Vân âu sầu bảo: “Nếu Trời muốn em với anh được bạch đầu giai lão thì xin cho trăng hiện ra”. Tôi cũng thất vọng. Nhìn bên kia sông, thấy đom đóm chớp chớp, như có vạn điểm qua lại trong đám liễu và cỏ trên bờ nước. Để tiêu sầu, chúng tôi làm thơ liên cú, cứ mỗi người làm hai câu rồi người kia làm tiếp; làm được ít vần, thấy càng làm thêm càng vô nghĩa, loạn { (…).
“Trong khi chuyện trò, đêm đã sang canh ba, thì gió đâu thổi tới, mây tan hết, trăng tròn sáng rực, chúng tôi rất mừng, tựa cửa uống rượu. Chưa uống được ba chén thì bỗng nghe dưới cầu có tiếng như ai nhảy tõm xuống sông. Cúi nhìn xuống không thấy gì cả, nước phẳng như gương, chỉ nghe tiếng một con vịt bơi trong vũng”.
---
[1] Hai nhà tính dục học Mĩ hiện đại (sexologue). *Sách in là Havelock Hellis và Van de Velde, tôi đã sửa lại theo bản tiếng Anh. Còn từ “tình dục học” (sách in như vậy) trong chú thích này, tôi đã sửa thành “tính dục học” vì trong chương II, tiết I, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch chữ sex là tính dục. (Goldfish)].
[2] Cả hai đều là văn nhân người Anh. (Goldfish).
[3] Đoạn này với đoạn “B.- Vân” ở dưới là những cảnh ngắm trăng, ngâm thơ, đánh cờ…, người phương Tây có thể cho là chứa ít nhiều tình điệu là lạ; chúng ta trái lại, cho là thường, cho nên tôi lược bỏ tới non nửa.
[4] Nghĩa là một nửa chỗ còn lại.
[5] Bản tiếng Pháp dịch là Lac de l’Ouest (Tây hồ), bản tiếng Hán chép là Lưỡng hồ (hai cái hồ). [Nguyên tác tiếng Anh là West Lake. (Goldfish).
[6] Sách in là dừa, tôi tạm sửa lại là dưa. Nguyên tác là melon. (Goldfish).
[7] Đê do Tô Đông Pha sai đắp, nên có tên từ đó. [8] Tức đêm mùng bảy tháng bảy âm lịch. [9] Tức: Cháu Trời, trỏ sao Chức nữ.