Đoạn văn của Kim Thánh Thán đủ cho ta tin rằng những cái vui vật chất và tinh thần liên quan mật thiết với nhau. Những cái vui tinh thần – và cả những cái vui đạo đức nữa – phải do thể xác cảm được thì mới có thực. Những người truyền bá một học thuyết thường phải chịu cái nông nỗi bị người ta hiểu lầm, như trường hợp các nhà trong phái Khắc kỉ như Marc Aurèle; và biết bao lần chủ nghĩa minh triết, thận trọng, điều độ của Epicure bị hạng người phàm tục coi là chủ nghĩa của hạng người chỉ tìm khoái lạc! Họ trách cái quan niệm hơi vật chất của chủ nghĩa đó là ích kỉ, thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội, là chỉ dạy cá nhân hưởng thụ lấy một mình. Như vậy là lầm, là không biết cái nhân hậu của chủ nghĩa hưởng lạc, cái khả ái của hạng người yêu đời. Ta không nên coi lòng yêu nhân loại là một học thuyết, một tín điều, một lòng tin do trí tuệ mà có hoặc một đề mục biện luận có thể đem chứng cứ ra bênh vực được. Nếu lòng yêu nhân loại cần có lí lẽ để bênh vực thì nó không còn là một lòng yêu chân chính nữa, vì lòng yêu chân chính thì phải hoàn toàn tự nhiên, tự nhiên đối với ta cũng như sự vỗ cánh tự nhiên đối với loài chim vậy; nó phải là một tình cảm phát thẳng từ tâm hồn ra, một tâm hồn tiếp xúc với tự nhiên. Một người thật sự yêu cây cối không thể nào độc ác với loài vật hoặc với đồng bào được. Trong một tâm hồn hoàn toàn lành mạnh, thì sự nhân ái là tự nhiên, không cần cầu viện tới một triết học hay một tôn giáo nào cả.
Chủ nghĩa duy vật đã bị người ta hiểu lầm, hiểu lầm quá lắm. Tôi xin nhường lời cho George
Santayana[1], một người tự cho là “một kẻ theo chủ nghĩa vật chất – kẻ độc nhất còn sống mà theo chủ nghĩa đó”; nhưng cũng chính là người mà chúng ta đều biết là hiền từ có lẽ vào bực nhất trong thế hệ hiện nay. Ông bảo chúng ta sở dĩ có thành kiến về chủ nghĩa duy vật vì chúng ta đứng ở ngoài mà xét nó; và muốn hiểu nó, cũng như muốn hiểu một triết học, một tín ngưỡng, một nước nào, phải đứng ở trong mà xét, phải sống trong cái thế giới mới đã. Theo ông một người thực duy vật thì luôn luôn là một triết gia tươi cười, vị tha như Démocrite, mà bọn chúng ta, “miễn cưỡng duy vật”, duy vật mà vẫn theo chủ nghĩa tinh thần, mới là sống một đời duy vật ích kỉ, mới hướng về trí lực một cách vụng về và không biết cười.
Ông nói:
“Nhà chân duy vật đứng trước vũ trụ, một cơ cấu tự nó có thể biến đổi thành những hình trạng tuyệt diệu, tuyệt mĩ, lại có thể tạo nên những nhiệt tình rất phấn khởi, tất thấy một nỗi vui tinh thần y như người đi thăm một viện bảo tàng vạn vật học, đứng ngắm hàng ngàn những con bướm nằm trong hộp, những con hồng hạc, con tôm, con cua, con voi thời cổ, con tinh tinh (gorille). Trong cái đời sống vô số lượng đó, tất có nhiều đau khổ, nhưng rồi cũng vượt được; mà trong lúc đó, cảnh vũ trụ đẹp đẻ biết bao, những hỗ tương động tác thú vị biết bao, còn những đau khổ nho nhỏ không sao tránh được kia, xét ra có đáng kể gì đâu.
“Chủ nghĩa duy vật phải gây được trong một bộ óc lành mạnh, một tình cảm vui vẻ, hoạt động, vô tư, một sự miệt thị những ảo giác của cá nhân.
http://www.huynhtruong-dmhcg.net Trang 71
“Đối với những thống khổ vô tội của sinh vật, chủ nghĩa đó không khi nào lãnh đạm; mà đối với những cái khổ do hư vinh cùng ảo tưởng gây ra thì nó chỉ có một thái độ để tự vệ là mỉm cười”.
Vả lại cái đời sống tinh thần hoặc tâm linh mà ta tự hào, đặt lên trên đời sống của cảm quan kia, là đời sống gì? Nó do đâu mà có, nguồn gốc bản thể của nó ở đâu, nó tồn tại nhờ cái gì? Đã từ lâu, các triết gia đã bảo ra rằng tri thức đều do kinh nghiệm của giác quan mà có. Không có giác quan thì ta không thể có tri thức cũng như máy ảnh không thể chụp hình được nếu không có ống kính và phim. Một người thông minh với một người đần độn khác nhau ở chỗ người thông minh có những giác quan hoàn hảo hơn, nhạy hơn, bắt được hình ảnh mau hơn và giữ được bền hơn. Khi ta dò dẫm trong đời để rút kinh nghiệm thì tất cả những giác quan của ta đều làm việc chung và do sự hợp tác đó, sự hợp tác của tim và óc, mà ta có được cái nhiệt tình tinh thần, nó biểu hiện cho sự sống, cũng như màu xanh biểu hiện cho thảo mộc. Xét một tư tưởng ta thấy nó sinh động nhiều hay ít là nhờ nó có nhiều nhiệt tình hay ít, cũng như nhìn một cây, thấy là xanh hay khô mà biết nó tươi tốt hay đã héo.
5. NHỮNG THÚ VUI TINH THẦN LÀ GÌ?
Khi xét những thú vui mà người ta cho là cao thượng nhất của tinh thần, chẳng hạn thú vui văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo, triết học, ta thấy trí tuệ đóng một vai trò rất nhỏ so với vai trò của giác quan và tình cảm. Một bức hoạ có công dụng gì nếu không phải là cho ta thấy một phong cảnh, một diện mạo và gợi cho ta cái vui khả cảm, như được nhìn một phong cảnh, một diện mạo thực? Và công dụng của văn chương là gì nếu không phải là tạo lại một trạng thái đời sống, gây cho ta cái không khí, màu sắc, hương thơm của bãi đồng cỏ, hoặc cái xú khí của cống rãnh trong đô thị? Chúng ta đều cho rằng một tiểu thuyết là thứ văn học chân chính nếu nó tả được những sinh vật và cảm xúc chân thật. Một cuốn sách thoát li nhân sinh một cách lạnh lùng thì không phải là văn học; nó càng chân thật, cận nhân tình thì nó càng hay. Nếu nó chỉ phân tích một cách lạnh lùng, không cho ta cảm được cái khí vị chua chát, mặn nồng của đời sống thì đọc nó ta chán lắm.
Thi ca chỉ là chân lí đã nhuộm màu sắc của cảm xúc; âm nhạc là tình cảm không có ngôn từ; còn tôn giáo chỉ là sự minh triết diễn thành hình ảnh. Hội hoạ đặt cơ sở trên sự cảm giác về màu sắc; thi ca cũng đặt cơ sở trên sự cảm giác về âm, vận, tiết điệu và trên xúc cảm. Âm nhạc là tình cảm thuần tuý, có thể gợi cho ta được tiếng chuông, tiếng họp chợ, tiếng binh đao, có thể tả được cái đẹp thanh tú của hoa, tiếng ào ào của sóng hoặc vẻ tĩnh mịch êm đềm của trăng, nhưng khi nó vượt giới hạn của giác quan mà rán diễn một ý triết học thì phải coi nó là suy đồi rồi.
Mà tôn giáo chẳng vậy ư? Như Santayana đã nói, nó mà dùng nhiều lí luận quá thì nó cũng biến mất mà suy đi: “Chẳng may tôn giáo đó (Ki Tô giáo) đã từ lâu không còn là sự minh triết diễn bằng hình ảnh nữa, mà đã thành ra một thứ mê tín trong một lớp lí luận”. Ta càng biện giải, càng hợp lí hoá các tín ngưỡng của ta, càng tin chắc rằng mình có lí thì đức thành tín của ta càng giảm. Cho nên tôn giáo nào tự cho là đã phát minh được chân lí độc nhất thì sẽ biến thành một môn phái hẹp hòi, cuồng nhiệt. Một tôn giáo như vậy nuôi lòng ích kỉ của con người vì chẳng những nó làm cho tín đồ không hiểu được những môn phái khác mà còn biến đổi sự thờ phụng thành một lối buôn bán giữa Thượng Đế và tín đồ. Tín đồ hát thánh ca và cầu Thượng Đế trong mọi trường hợp để được phù hộ hơn người khác, để Thượng Đế phù hộ gia đình mình hơn những gia đình khác. Vì vậy ta thấy nhiều bà già rất
http://www.huynhtruong-dmhcg.net Trang 72 mộ đạo mà rất ích kỉ. Tóm lại sự biện giải rằng chỉ có mình mới là chính đáng, sự tin tưởng rằng chỉ có mình mới nắm được chân lí làm cho những tình cảm đẹp đẽ nhất do tôn giáo gây nên hoá ra xấu xa, hẹp hòi, ích kỉ.
Tôi cho rằng nghệ thuật, thi ca, tôn giáo chỉ nên nhắm mục đích này là rán làm cho chúng ta khôi phục được lại một thị giác mới mẻ, một sự hoan hỉ lớn hơn và một ý thức lành mạnh hơn về nhân sinh. Vì chúng ta càng già thì giác quan của ta càng tê liệt đi, cảm xúc của ta càng chai lại vì đau khổ, vì bất công, vì tàn nhẫn, và lối nhìn đời hoá ra sai lầm vì tiếp xúc quá lâu với những thực tại lạnh lùng, thô bỉ. Nghệ thuật phải bồi bổ giác quan của ta, tái lập sự liên hệ giữ lí trí và thể xác, phục hưng lại bản chất của ta. Một thế giới có khoa học mà thiếu sự thông cảm, có sự phê bình mà thiếu sự hân thưởng, có cái đẹp mà thiếu tình yêu, có chân lí mà thiếu nhiệt tình, có luật pháp mà thiếu từ bi, có lễ độ mà thiếu sự ấm áp của con tim, một thế giới như vậy quả thật đáng thương.
Phải coi trọng đời sống hơn tư tưởng, mới có thể tìm lại được cái mới mẻ, cái tự nhiên trong chân kiến thức của trẻ em. Tôi tin tưởng các triết gia phải xấu hổ khi nhìn một em bé hoặc một con sư tử con trong chuồng. Chân cẳng, bắp thịt, bộ lông đẹp đẽ, cặp tai nhọn, cặp mắt sáng mà tròn và ý thức về du hí của con vật đó, nhất thiết đều là những công trình tuyệt diệu của hoá công. Các triết gia phải xấu hổ rằng đôi khi con người làm cho cái tuyệt diệu của hoá công biến thành cái bất hảo, phải xấu hổ rằng con người phải đeo kính, mất ăn mất ngủ, tâm trí thường âu sầu, không cảm thấy lạc thú của đời sống nữa. Hạng người như vậy quả là vô dụng và những thuyết họ đưa ra đối với chúng ta không có một giá trị gì cả. Chỉ có triết học nào cho chúng ta một kiến giải đúng đắn về thiên nhiên, về bản tính của con người, mới là một triết học hữu ích.
Triết học nào cũng phải đặt cơ sở trên sự điều hoà bản năng của con người; nếu ta quá thiên về chủ nghĩa lí tưởng thì thế nào cũng bị thiên nhiên trừng phạt. Theo Khổng giáo, con người đạt được lí tưởng cao nhất, đạt được sự tôn nghiêm bằng cách sống hoà hợp với thiên nhiên, thuận với thiên nhiên, và như vậy sẽ sánh được với tạo hoá. Đó là học thuyết của Tử Tư (cháu đích tôn Khổng Tử) trong cuốn Trung Dung:
“Cái trời phó cho gọi là Tính, noi theo Tính gọi là Đạo, sửa cho hợp Đạo gọi Giáo (dạy). Mừng, giận, thương, vui chưa phát ra thì gọi là Trung[2], phát ra mà đều trung triết thì gọi là Hoà. Trung là gốc lớn của thiên hạ; Hoà là cái đường thông suốt[3] trong thiên hạ. Hễ trung hoà rất mực thì trời đất
yên vị và vạn vật được sống mãn nguyện[4].
Do đức thành[5] mà được sáng suốt, đó là tính: sáng suốt rồi mới thành, đó giáo: hễ thành thì sáng
suốt, hễ sáng suốt thì thành[6].
Chỉ có bậc chí thành trong thiên hạ mới biết rõ và thực hành được hết cái bản tính của mình; biết rõ và thực hành được hết cái bản tính của mình thì biết rõ và thực hành được hết bản tính của người, biết rõ và thực hành được hết bản tính của người thì biết rõ và thực hành hết bản tính của vật; biết rõ và thực hành hết được bản tính của vật thì giúp được vào việc hoá dục Trời, Đất; giúp được vào việc hoá dục của Trời, Đất thì sánh được cùng Trời, Đất[7]”.
http://www.huynhtruong-dmhcg.net Trang 73 ---
[1] Triết gia Mĩ gốc Y Pha Nho (1863-1952), tác giả nhiều cuốn viết về triết học; ông theo chủ trương duy vật, cho rằng lí tưởng nào cũng phải có một cơ sở tự nhiên; về luân lí, ông theo học thuyết Aristote.
[2] Lâm Ngữ Đường dịch là “the innersell” (cái ở trong con người).
[3] Lâm dịch là “illustrious way” (con đường rực rỡ). [4] Đoạn này ở trong chương I sách Trung Dung.
[5] Chữ thành ở đây không phải chỉ có nghĩa là thành thực, mà còn hàm cái nghĩa theo tự nhiên, không hư nguỵ. Lâm dịch là “being one’s true seft” cũng là nghĩa đó.
[6] Đoạn này là chương XXI. [7] Đoạn này là chương XXII.
http://www.huynhtruong-dmhcg.net Trang 74
CHƯƠNG VII
CẦN BIẾT NHÀN TẢN