NGÔN NGỮ ĐẶC SẮC CỦA TÙY BÚT VŨ BẰNG 3.1 Giọng văn của Vũ Bằng
3.2.1. Cảm xúc theo dòng hồi ức
Đọc Vũ Bằng, chúng ta nhận thấy ngòi bút của nhà văn có sự kết hợp giữa cảm xúc tinh tế với vốn văn hóa dồi dào. Những gì thuộc về văn hóa Bắc Việt, văn hóa Kẻ Chợ luôn hiện hữu trong trang viết của nhà văn các tri thức về văn hóa dân gian như lễ hội, phong tục, ẩm thực,…được huy động vào tác phẩm với tất cả những cảm xúc tinh tế đã chứng tỏ được vốn sống phong phú của Vũ Bằng. Tất nhiên, điều này không phải chỉ mình Vũ Bằng mới có, song cách thể hiện của nhà văn lại khá đặc biệt. Vũ Bằng nhìn nhận, trình bày vấn đề gắn với một không gian văn hóa rộng lớn: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ,…Trên con đường Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn còn tốt tươi như cũ…” [1, tr 12 - 13]. Đó là không gian Bắc Việt quá vãng mà ở đó, từ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống cho đến những món ăn ngon hay những cảnh sắc diễm tình của thiên nhiên Bắc Việt và nhiều khi là những kỉ niệm ngọt ngào thời xưa cũ…đã trở thành hoài niệm: “Nhưng nuối
tiếc không phải chỉ có thế mà thôi. Người ly hương còn nuối tiếc không biết bao nhiêu cái không khí của chùa chiền ở Bắc vào dịp lễ Trung Nguyên,…” [1, tr 141], “Nói đến chè Bắc Việt, người xa quê tự nhiên thèm lại mấy thứ chè bây giờ không còn nữa,…từ đêm hôm trước” [1, tr 94].
Dòng hồi ức cứ thế dội về trong tâm tưởng nhà văn. Cảnh sắc, mây nước, con người,…hiện lên trong nỗi nhớ thương vô vàn: “Tháng Tư của miền Bắc ngày xưa, tháng Tư yêu dấu, có nóng, có oi, có dế kêu,…như là có cánh” [1, tr 77], “Thương biết bao nhiêu, nhớ không có cách gì quên được cái đêm Trung Thu năm ấy…ở Gia Lâm sang cầm trịch” [1, tr 173],…Cảm xúc cứ theo dòng hồi ức trào dâng. Lúc xót xa, lúc miên man nhưng có khi thảng thốt, ngỡ ngàng,…
Dòng sông hoài niệm cứ như thế trôi đi, lúc êm đềm: “Tháng Chín là tháng cuối cùng của mùa thu,…có gió lạnh mới về chạy xào xạc trong lau lách” [1, tr 186] nhưng cũng không ít khi gợn sóng: “Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắn chùa Hương,…có những cánh hoa đào lả tả nơi vai áo…” [1, tr 12], “Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này!... và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp trước mắt đều thua kém người thương mình hết” [1, tr 13]. Cứ như vậy, lần theo dòng hồi ức, mạch cảm xúc liên tục tuôn trào. Với những sắc thái, cung bậc khác nhau nhưng lúc nào cũng chìm trong miên man nỗi nhớ thương, hoài vọng vô vàn: “Có ai ở Bắc Việt vào đây cho hỏi thăm tháng Một năm nay ở Bắc Việt, trời có rét lắm không, mưa vẫn riêu riêu buồn như trước hay thời tiết vì ảnh hưởng bom đạn của Mĩ đã khác xưa!...” [1, tr 227].