Có thể nói, trong Thương nhớ mười hai, nghệ thuật so sánh đã trở thành thủ pháp nghệ thuật chiếm ưu thế và mang lại nhiều giá trị nghệ thuật nhất cho tác phẩm với số lần sử dụng lên đến hàng trăm.
Thủ pháp so sánh giúp cho tính tạo hình trong tác phẩm đạt đến trình độ cao. Đồng thời, giúp cho người đọc dễ dàng hình dung ra đối tượng được thể hiện. Thông qua so sánh, mọi sự vật, hiện tượng trở nên cụ thể, sống động.
Tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng gắn liền với hơi thở của cuộc sống và con người. Bởi vậy, thủ pháp so sánh trong tùy bút chủ yếu xoay quanh các hình ảnh về thiên nhiên - đồ vật - món ăn - con người,…Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy ở Thương nhớ mười hai là hình ảnh người con gái luôn được đưa ra làm tiêu chí cho cái đẹp. Cái đẹp của tự nhiên, tạo vật luôn được ví với những chuẩn mực cái đẹp ở con người: “Cái trăng tháng giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: sáng nhưng không sáng lộng lẫy như trăng
sáng mùa thu,…” [1, tr 29]. Trong đôi mắt của nhà văn, cái đẹp luôn gắn với con người và chỉ gắn với con người, cái đẹp mới thực sự được cảm nhận và chiêm ngưỡng. Và, cái đẹp mới tràn đầy sức sống: “Trên khắp mình đào ưng ửng hồng, có những sợi lông tơ óng ánh như lông trên mắt cô gái dậy thì…” [1, tr 42].
Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Bằng dùng các hình ảnh gợi tả vẻ đẹp của người con gái để làm thước đo cho vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật. Có thể, điều này bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu những gì thuộc về người phụ nữ Bắc Việt đẹp nhất trong lòng nhà văn - Nguyễn Thị Quỳ. Song, chúng ta còn có thể nhận thấy, Vũ Bằng là một nhà văn hiểu rõ và ý thức được rằng: con người đẹp nhất và căng tròn nhựa sống nhất là ở độ tuổi thanh xuân. Và, người con gái là một hình tượng tiêu biểu. Tác giả ví von thiên nhiên với vẻ đẹp mĩ nhân khiến cảnh quan Hà Nội trở nên hấp dẫn, vừa sang trọng lại vừa tràn đầy sức sống.
Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai trong dòng hồi ức của mình. Kỉ niệm cứ hiện về tự nhiên, da diết nên ngôn ngữ không trau chuốt, cầu kì mà man mác, chân chất như chính cuộc sống đang dần được tái hiện. Qua thủ pháp so sánh, ngôn ngữ được nâng lên một tầm cao hơn, tạo cho trang văn của Vũ Bằng vẻ đẹp, vẻ tài hoa hết mực.
Điểm nổi bật khác trong thủ pháp so sánh của Vũ Bằng là dùng những hình ảnh gợi cảm cụ thể để đặc tả các trạng thái cảm xúc tinh thần. Điều này lôi cuốn người đọc vào thế giới hoài niệm, miên man mà nhà văn đang tha thiết vọng về. Điều này, Tạ Hiếu cũng nhận định rằng: Thủ pháp so sánh của Vũ Bằng khiến người đọc như bị “thôi miên vào mê hồn trận của những so sánh”.
Vũ Bằng trước hết đã tự lấy bản thân ra làm đối tượng so sánh: “Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc
nào không biết…” [1, tr 9], “Con tim của người khách tương tư cố lí cũng đau ốm y như là gỗ mục” [1, tr 9]. Rất nhiều hình ảnh trong Thương nhớ mười hai được nhà văn sử dụng để so sánh đã lột tả đầy đủ, sinh động các trạng thái cảm xúc tinh thần. Chẳng hạn như: “Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh” [1, tr 19] và “Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngầm…” [1, tr 18].
Việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong Thương nhớ mười hai đã giúp cho các hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm trở nên đẹp sống động một cách lạ thường. Tâm tư tình cảm của chủ thể nhờ đó cũng được bộc lộ.
Điều đặc biệt ở Vũ Bằng là lối so sánh rất tài hoa, dung dị. Nhà văn sử dụng biện pháp so sánh nhẹ nhàng, giản đơn trong từng câu văn, con chữ. Không gọt dũa, trau chuốt mà như lối trực ngôn, thấy sao phản ánh vậy. Chính sự tài hoa, tinh tế trong cách dụng công ở phương thức nghệ thuật này đã tạo cho ngôn ngữ của Vũ Bằng mang nét đặc sắc rất riêng, không lẫn với ai được. Ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai vì thế từ chỗ dung dị, không kiểu cách, giũa gọt đã trở nên mượt mà, tinh tế. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, từng câu chữ đi sâu vào lòng người như mạch suối nguồn tươi mát. Thêm một chút bâng khuâng, chút nhớ nhung và thương yêu cho cõi lòng bao thế hệ người con xa xứ.
Có những vật bình thường trong cuộc sống cũng đã được thơ hoá nhờ hình ảnh so sánh liên tưởng bất ngờ qua lối cảm nhận rất tình tứ, lãng mạn. Nhiều món ăn dân giã được Vũ Bằng quan sát tỉ mỉ và kể lại thật độc đáo: “Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng…” [1, tr 20]. Và “Vợ ngồi bổ dứa cắt từng
khoanh, xếp vào trong đĩa tây trắng bóng ra, rắc đường tây, bỏ nước đá vào,… mà cũng thơm phưng phức như là mật ong!” [1, tr 123 - 124]. Bằng hình ảnh so sánh ấy, Vũ Bằng vừa ngợi ca sự chế tác phối hợp tài tình trong món ăn, vừa đem lại cho món ăn bình dị, dân giã ấy một vẻ đẹp hấp dẫn. Đây là điểm mà Vũ Bằng và Thạch Lam rất gần nhau. Thạch Lam cũng viết rất hay những so sánh diễn tả cảm giác, cảm xúc: “Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Nhưng với Nguyễn Tuân thì khác, ông cố gắng phát hiện ra những nét tương đồng chính xác của sự vật hiện tượng rồi thổi vào đó cái thần, cái hồn của sự vật, hiện tượng: “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng luỳnh khuỳnh ghì lại như kẹp lại một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng một cái bến xa xa trong sương mù” (Người lái đò sông Đà).
Những so sánh của Vũ Bằng khiến người đọc có cảm nhận như đang lắng nghe từng hơi thở, từng nhịp tim của người con xa quê hương trong ngàn trùng thương nhớ. Trong thế giới nghệ thuật của Thương nhớ mười hai, quê hương Bắc Việt được miêu tả bằng cảm hứng lãng mạn, bằng tình yêu và nỗi nhớ nên cảnh sắc thiên nhiên, con người nơi đây đều được mĩ lệ hoá. Những so sánh đẹp với khả năng liên tưởng phóng túng tạo bất ngờ như thứ men làm say lòng độc giả, để rồi lúc chợt tỉnh họ thán phục rằng: Khó có thể so sánh gợi cảm và hay hơn được nữa.