NGÔN NGỮ ĐẶC SẮC CỦA TÙY BÚT VŨ BẰNG 3.1 Giọng văn của Vũ Bằng
3.1.1. Giọng văn đau đáu hoài niệm, tiếc nhớ
Xuyên suốt tác phẩm Thương nhớ mười hai là giọng văn đau đáu hoài niệm và dạt dào nỗi nhớ thương. Đấy là một nét riêng tây của Vũ Bằng. Giọng văn này hiển nhiên trở thành tông chủ đạo dẫn dắt các tình tiết, sự kiện từ đầu đến cuối tác phẩm.
Không ít những câu văn bố trí cân đối, hô ứng nhịp nhàng, mang dáng dấp biền ngẫu đưa lại phong vị cổ điển man mác hợp với típ người lữ thứ tư hương. Trong động hướng tìm về nguồn cội, giọng điệu chủ yếu của hai tập ký là trữ tình hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối : “Mùa thu ở Bắc Việt xa xưa
ơi... Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống” [1, tr 157].
Giọng điệu này làm cho trang viết của Vũ Bằng trở thành một trời thương nhớ chất chứa bao nỗi niềm tâm sự. Giọng văn này được hình thành trong hoàn cảnh ngày Nam - đêm Bắc, cảm giác đau đáu hoài niệm, tiếc nhớ giăng đầy. Nỗi nhớ thương cố hương như một thứ hơi men bốc lên trong tâm can nhà văn. Nó buột nhà văn phải giải tỏa. Và, Vũ Bằng đã viết. Viết để hòng vơi đi phần nào mối sầu xứ, tiếc nhớ miên man: “Người lữ khách ngày nay, xa cách quê hương, thấy tháng hai trở về, cũng động lòng nhớ tiếc không biết bao nhiêu khuôn mặt, không biết bao nhiêu món ăn ngon, không biết bao nhiêu tình thương yêu đã mất. Nhớ từng con đường mưa bay riêu riêu…” [1, tr 45].
Hầu như bất kì trang văn nào trong Thương nhớ mười hai chúng ta cũng cảm nhận được hơi hướng hoài xứ, thấm đẫm tâm trạng vọng về của nhà văn qua hàng loạt các cụm từ, câu, đoạn văn. Nó lan tỏa thành một giọng điệu chung, bao trùm lên tất cả. Đó có thể là một nỗi nhớ bâng khuâng về những món ăn Bắc Việt do chính bàn tay người vợ đảm đang làm cho mình: “Chao ôi, có ai sầu xứ vào một ngày nào đó, thấy trong người háo quá, thèm cái phong vị chè của nơi nghìn năm văn vật có nhớ đến chè cốm không? Vào tháng tư, củ mài nhiều, vợ thương chồng nấu chén chè củ mài để vợ chồng cùng ăn trước khi đi ngủ…, đố ai quên được chè lam và chè bà cốt?” [1, tr 91]. Nỗi nhớ đau đáu cứ lan tỏa cả một không - thời gian rộng lớn: “Người ta
nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi
về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn…” [1, tr 11 - 12].
Ngay đến những món ăn của đất Bắc cũng được Vũ Bằng gởi vào muôn ngàn nỗi nhớ niềm thương với một giọng văn thiết tha hoài mong:
“Thực vậy, một rổ cá rô don ngày trước bán đắt lắm cũng chỉ hai hào…hợp giọng không chịu được” [1, tr 126]. Cái nhớ rất cụ thể nhưng cũng rất bao quát, quay quắt, trải đều lên khắp vùng quê Bắc Việt: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa mơn mởn nhớ đi,…cam Bố Hạ, đào Sa Pa nhớ xuống” [1, tr 12].
Có thể nói, những thức ngon của vùng quê Bắc Việt làm cho nỗi nhớ của nhà văn nhân lên gấp bội. Trang văn cứ đẫm nỗi đau đáu hoài niệm của nhà văn: “Có ai ở Bắc Việt vào đây cho hỏi thăm tháng Một mấy năm nay ở Bắc Việt, trời có rét lắm không, mưa vẫn riêu riêu buồn như trước hay thời tiết vì ảnh hưởng bom đạn của Mĩ đã khác xưa?...[1, tr 227].
Vũ Bằng nhớ đất, nhớ người, nhớ cả bầu trời đất Bắc ngập tràn yêu thương vốn đã hằn sâu trong tim mình. Mọi thứ có lẽ vẫn còn hiện hữu, tưởng chừng như rất gần nhưng nhà văn cứ chới với mà không sao chạm được. Hoài niệm cứ hiện về ngay trước mắt nhưng lại rất xa xôi. Chính vì thế mà nỗi nhớ cứ thôi thúc, giằng xé khiến nhà văn đau đáu hướng về xứ sở thương yêu: “Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này!...” [1, tr 13]. Nỗi nhớ day dứt tim gan khiến nhà văn phải khỏa lấp để mong vơi bớt phần nào. Nhưng, “…thương nhớ cách mấy đi nữa thì có níu quá khứ lại được đâu?...Lịch sử không đứng yên một chỗ bao giờ” [1, tr 13].
Trong nỗi hoài niệm là sự tiếc nhớ những kỉ niệm ngọt ngào về Bắc Việt. Nhà văn tiếc thương điên cuồng: “Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt
nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi”
[1, tr 13]. Là sự tiếc nhớ những ngày xưa cũ: “Tôi nhớ lại những buổi chiều vô liêu tháng Chín, trời lạnh, gió tê tê buồn, không đi ra ngoài, ăn cơm xong, tráng miệng bằng cam…hồi hộp lạ” và “Tiếc không biết bao nhiêu những đêm lạnh nằm chung một chăn đơn với vợ ăn hạt dẻ, nói đôi ba câu chuyện buồn
vui thế sự; tiếc những buổi chiều mưa rươi hai đứa dắt nhau đi trên những con đường vàng ẩm ướt có hoa sấu rụng…” [1, tr 201].
Nỗi nhớ khắc khoải khiến người lữ thứ như bất lực. Biết bao giờ về? Và cảm thấy vô vọng: “Nằm ở đây bây giờ, người chồng bỗng nhiên thấy tủi thân vì cảm thấy chìa khóa để mở cái tháp vàng đã mất rồi, ngày vui không hi vọng trở lại nữa,…” [1, tr 201]. Xen vào bức tranh ngôn ngữ tâm trạng đó là
rất nhiều những câu tự vấn xen lẫn hoài cảm. Tất cả hòa vào giọng văn hoài vọng để bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào, xót xa: Bao giờ về?, Phải, bao
giờ về?, ngày ấy bao giờ đâu, Biết đến bao giờ, thương biết bao nhiêu, Nhớ sao nhớ quá thế này!,…
Giọng văn buồn thương, tha thiết đã liên tục đưa người đọc đi suốt Bắc Việt bằng con đường hoài niệm của nhà văn. Những cuộc hồi cố bằng tâm tưởng được thể hiện qua những giấc mộng về Bắc Việt: “Mùa thu Bắc Việt xa xưa ơi, ta buồn da diết khi nghĩ đến kiếp chúng sinh hệ lụy trong biển trầm luân…mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống” [1, tr 157]. Mộng để rồi thêm tiếc thương, thêm đau đáu về xứ sở mà nhà văn luôn ước mơ quay về.