NGÔN NGỮ ĐẶC SẮC CỦA TÙY BÚT VŨ BẰNG 3.1 Giọng văn của Vũ Bằng
3.1.2. Giọng văn da diết yêu thương, ngọt ngào trìu mến
Đọc Thương nhớ mười hai, chúng ta nhận ra một tình yêu lớn lao bao trùm lên cả tác phẩm. Từ ngôn từ, giọng điệu, đều hàm chứa một tình cảm chứa chan của nhà văn về Bắc Việt: “Bắc Việt mến thương ơi! Nhớ Bắc Việt ngày trước quá, nhớ sao nhớ quá thế này! mà càng nhớ lại càng yêu…” [1, tr 109 - 110], “Càng nhớ như vậy lại càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!” [1, tr 12].
Dưới ngòi bút của nhà văn, Bắc Việt hiện ra như một bức tranh hoàn mĩ với một giọng điệu thật ngọt ngào, trìu mến. Mười hai tháng nhớ thương quy tụ thành một bức tranh bốn mùa với đủ sắc màu, hương vị: “Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt” [1, tr 17], “Tháng hai, tương tư hoa đào” [1, tr 34],
…”, Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh” [1, tr 282]. Nhà văn yêu đất Bắc - Bầu sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn mình xiết bao: “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng,…” [1, tr 20].
Vũ Bằng yêu Bắc Việt là một tình yêu lớn lao. Trong tình yêu chung, có một nỗi niềm da diết nhà văn yêu - nhớ về người bạn đời: “Tội nghiệp cho người vợ bé nhỏ đầu tắt mặt tối, miễn sao làm cho bạn chồng và chồng được vui vẻ là mãn nguyện” [1, tr 39]. Với người vợ giàu hi sinh, giọng văn Vũ Bằng bao giờ cũng chùng xuống một nốt với bao yêu mến, cảm phục. Nhất là khi người vợ qua đời, nhà văn đã dành những trang viết thiết tha yêu thương nhất cho người phụ nữ mình yêu: “Khóc thì yếu thật nhưng anh ta khóc, khóc âm thầm…và lo lắng miếng ăn giấc ngủ cho chồng từng li từng tí” [1, tr 205 - 206].
Viết về người bạn đời chung thủy sắc son, Vũ Bằng luôn dành những lời thương mến ngọt ngào nhất: “…thương không biết ngần nào là thương. Thương nhất là người vợ bé nhỏ yêu chồng, mùa nào thức nấy,…Người chồng không cần biết gì lôi thôi, chỉ có tháng hai ăn cá anh vũ nướng chả thì ngon thực…[1, tr 45 - 46].
Những gì thuộc về đất Bắc, dù là nhỏ nhất cũng được Vũ Bằng dành cho một tình yêu lớn với giọng văn tha thiết yêu thương, trìu mến: “…nhưng tôi lại yêu hơn cái thú la cà, chậm rãi của Bắc Việt xưa cũ, đi hát thì phải đi hát cô đầu,… nấu cho mình” [1, tr 90] hay “Yêu quá, cái đêm tháng hai ở Bắc;
thương quá cái đêm tháng hai ở Bắc, thành ra cái gì cũng thấy qua đi nhanh
quá…” [1, tr 36].
Nhà văn đã dành tặng cho Hà Nội những mĩ từ đẹp nhất. Với giọng văn đầy yêu thương, trìu mến, nhà văn đã đưa chúng ta đến gần hơn với Hà Nội. Chúng ta cảm nhận được rất rõ tình cảm tha thiết chứa chan của nhà văn dành
cho quê hương xứ sở. Để rồi, mỗi chúng ta cũng yêu hơn Hà Nội - yêu hơn từ chính tình yêu quá lớn lao, sâu sắc của Vũ Bằng.