7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2.1. Khái niệm lễ hội
Lễ hội là nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, nơi phản ánh tâm thức người Việt Nam một cách trung thực nhất. Nói về tầm quan trọng của lễ hội, GS.TS Nguyễn Duy Quý đã khẳng định: “Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, linh thiêng và đời thường. Đó còn là một sinh hoạt có quy mô lớn về tầm vóc, có sức cuốn hút
một số lượng lớn những hiện tượng của đời sống xã hội” [8, tr.21]
Trong lễ hội ta thấy sự nghiêm trang kính cẩn, mực thước của các lễ nghi và nghi thức, đồng thời lại có những trò diễn, trò chơi dân gian hết sức vui nhộn, độc đáo. Bất kỳ một lễ hội nào cũng gồm có hai hệ thống đan quyện và giao thoa với nhau: phần lễ và phần hội.
“Lễ là phần tín ngưỡng, là phần thế giới tâm linh sâu lắng nhất của
con người,là phần đạo” [47, tr.32]. Con người gửi gắm vào đây niềm tin
thiêng liêng và cả ước mơ về những điều tốt đẹp của cuộc đời. Họ cầu mong thần linh phù hộ cho “nhân khang vật thịnh”, “phong đăng hòa cốc” và cảm tạ thần linh đã phù hộ cho mình với lòng thành kính sâu sắc. Một lễ hội theo Lê Trung Vũ thường gồm bảy lễ: lễ rước nước, lễ mộc dục, tế gia quan, lễ rước kiệu, đại lễ, lễ túc trực và lễ hèm [47, tr.32]. Tuy nhiên, ở một số lễ hội vẫn có những biệt lệ. Hệ thống lễ bao gồm các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian và tôn giáo cùng với những đồ vật được sử dụng là đồ lễ mang tính linh thiêng, được chuẩn bị rất chu đáo và nghiêm túc.“Thông qua các nghi lễ này, con người được giao cảm với thế giới siêu nhân là các Thần Thánh (các thiên thần và các nhân thần) do chính con người tưởng tượng ra và họ
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
cầu mong các thần thánh bảo trợ và có tác động tốt đẹp đến tương lai, cuộc
sống của mình”. [9, tr.21]
Hội gắn liền với lễ và chịu sự quy định nhất định của lễ , có lễ mới có hội.“Hội là phần tập hợp vui chơi, giải trí, là đời sống văn hóa thường
nhật, phần đời của mỗi con người, của cộng đồng”. [46, tr.32]. Các trò diễn,
trò chơi, cuộc thi tài trong phần hội làm cho nội dung lễ hội thêm phong phú, làm sáng tỏ thêm chủ đề của lễ hội. Lễ hội là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ hội được hình thành từ lòng biết ơn đối với những người có công với dân, với nước.
Tuy có hai hệ thống như vậy, song thực chất chúng không tách biệt ra thành từng phần và mức độ “lễ”, mức độ “hội” của từng lễ hội cụ thể cũng không hẳn như nhau.
Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê (chủ biên) định nghĩa: “Lễ hội là cuộc vui tổ chức chung có các hoạt động lễ nghi mang tính văn hóa truyền
thống của dân tộc” [33, tr.694]
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời, nhiều dân tộc cùng sinh sống trên một lãnh thổ thống nhất, cùng đóng góp nhiều phong tuc, tập quán mang bản sắc riêng của mỗi vùng miền, dân tộc, tôn giáo cho nền văn hóa của đất nước. trong đó, lễ hội là yếu tố vừa đặc trưng cho mỗi dân tộc vừa góp phần làm cho văn hóa đất nước thêm phần đặc sắc.