5.1 KIỂM SOÁT QUÁ TRÌNH
Chất lượng là một động lực cạnh tranh hữu hiệu của các tổ chức sản xuất. Chất lượng một sản phẩm có thể được hiểu là tỷ lệ nghịch với tính biến thiên.
Quá trình tạo ra sản phẩm hay dịch vụ có hay kém chất lượng. Quá trình có các đặc tính ổn định hay biến thiên. Quá trình ổn định tạo ra sản phẩm có chất lượng thuần nhất. Tuy nhiên, với tính biến thiên, sản phẩm từ một quá trình không bao giờ thật sự giống nhau. Một sản phẩm thỏa nhu cầu khách hàng thường được tạo ra từ một quá trình ổn định và lập lại hay từ quá trình có năng lực tạo ra sản phẩm có đặc tính chất lượng biến thiên nhỏ quanh một giá trị danh định hay mục tiêu.
Kiểm soát quá trìnhbằng thống kê SPC là một tập các công cụ giải quyết vấn đề nhằm giảm thiểu biến thiên, dẫn đến ổn định quá trình, cải tiến năng suất. Biến thiên quá trình có thể do hai nguyên nhân là nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân gán được. Nguyên nhân bẩm sinh là nguyên nhân tự nhiên không thể tránh được. Một quá trình chỉ chịu tác động của nguyên nhân tự nhiên bẩm sinh được xem là quá trình trong kiểm soát.
Nguyên nhân gán được xuất hiện ngẫu nhiên do nhân viên vận hành, nguyên liệu, máy móc... Một quá trình chịu tác động của nguyên nhân gán được sẽ có biến thiên rất lớn, gây nên dịch chuyển tham số quá trình, dẫn đến quá trình ngoài kiểm soát. Dịch chuyển quá trình bao gồm các loại dịch chuyển không bền, dịch chuyển bền vững, dịch chuyển có xu hướng.
Mục tiêu chính của kiểm soát quá trình là phát hiện nhanh chóng sự xuất hiện của nguyên nhân gán được, khảo sát và hiệu chỉnh quá trình, tránh sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Mục tiêu cuối cùng của kiểm soát quá trình là triệt bỏ biến thiên quá trình.
Các công cụ kiểm soát quá trình bao gồm: - Lưu đồ
- Bảng thu thập dữ liệu - Tần đồ
- Biểu đồ nhân quả - Biểu đồ phân tán - Biểu đồ Pareto - Kiểm đồ.
1- Lưu đồ
Lưu đồ là một công cụ hiệu quả, thể hiện bằng hình vẽ cách thức tiến hành các hoạt động của một quá trình. Lưu đồ mô tả dòng chảy quá trình, tương tác các bước gia công, các điểm kiểm soát. Lưu đồ một quá trình sản xuất như hình 5.1.
Khi xây dựng lưu đồ, ta phân biệt các loại bước quá trình như xuất nhập (nguyên liệu, thông tin), gia công, kiểm tra, di chuyển, tồn trữ. Mỗi loại bước quá trình là một ký hiệu.
2- Bảng kê
Các vấn đề thường gặp trong quản lý chất lượng như phân tích phân bố, tìm ra khuyết tật, tìm nguyên nhân, kiểm tra tình trạng, thu thập thông tin các lỗi, thu thập thông tin phân tích xu hướng... đều phải dựa vào các sự kiện biểu hiện bởi dữ liệu. Bảng kê giúp thu thập dữ liệu rõ ràng, dễ dàng, nhanh chóng, chính xác, nhằm ra quyết định trong quản lý chất lượng.
Số liệu quá khứ thường là không đủ, cần thu thập thêm. Số liệu nào được thu thập và sử dụng phụ thuộc công dụng. Công dụng số liệu có thể là tìm hiểu tình trạng, phân tính tình trạng, kiểm soát quá trình, kiểm định sản phẩm.
Thực tế thu thập dữ liệu mất rất nhiều thời gian và không hiệu quả vì chỉ có một phần dữ liệu thu thập được là có ích, phần còn lại là dữ liệu thừa hoặc rất ít khi được sử dụng. Lý do có thể là quá trình thu thập dữ liệu không được tìm hiểu, định nghĩa rõ ràng, phương pháp lấy mẫu được thực hiện không đồng bộ, dữ liệu thu thập không được sắp xếp một cách trật tự, không có định nghĩa rõ ràng về mục đích đo kiểm, sai số và tính lặp lại của hệ thống đo, dữ liệu không được thống kê phù hợp với mục đích sử dụng. Bảng kê là một công cụ chính để giải quyết vấn đề.
Bảng kê được sử dụng để thu thập dữ liệu, nhằm phân tích vấn đề, kiểm soát quá trình. Nhằm tìm được nguyên nhân chính của vấn đề đòi hỏi phải có các thông tin chi tiết để xác định vấn đề, bảng kê thu thập những thông tin qua sử dụng các câu hỏi. Mỗi quá trình có các chỉ số thể hiện năng lực quá trình, thu thập và phân tích dữ liệu là một phần quan trọng trong tiến trình kiểm soát quá trình, bảng kê được sử dụng để thu thập những thông tin quan trọng về quá trình.
Số liệu thu được từ bảng kê phải được rõ ràng. Một bảng kê được thiết kế tốt là bước khởi đầu cho việc thu thập, phân tích dữ liệu hiệu quả. Bảng thu thập dữ liệu phải cung cấp một hình thức tập hợp dữ liệu đơn giản, có thứ tự, thuận tiện cho việc phân tích.
Thủ tục thu thập số liệu tìm nguyên nhân một vấn đề gồm các bước sau: 1- Xét sự kiện được biểu hiện bởi loại số liệu nào.
2- Định mục đích thu thập số liệu
3- Phân tầng số liệu theo yếu tố truy nguyên 4- Định phương pháp thu thập số liệu
5- Thiết kế bảng 6- Thu thập số liệu
7- Xử lý số liệu - trình bày kết quả.
Phân tích xử lý số liệu là phân tích chuyển dữ liệu sang thông tin. Các dạng dữ liệu bao gồm thuộc tính và biến số. Thông tin suy diễn bao gồm khuynh hướng và biến thiên hay mức phân tán của tập dữ liệu thu thập được. Các đại lượng biểu thị khuynh hướng thường dùng bao gồm yếu vị, trung vị, trung bình. Các đại lượng thường dùng để phân tích biến thiên bao gồm khoảng R, phương sai V, độ lệch chuẩn S.
Kết quả được trình bày có thể đơn giản là các đại lượng nêu trên hay là các biểu đồ trực quan trình bày ở các phần sau.
Tần đồ là một công cụ thống kê đơn giản, cho thấy những thông tin về quá trình, thể hiện bằng hình ảnh số lần xuất hiện giá trị của các phép đo xảy ra tại một giá trị cụ thể hay trong một khoảng giá trị. Tần đồ cho phép thấy những thông tin cần thiết dễ dàng và nhanh chóng hơn so với những bảng số liệu thông thường khác.
Tần đồ hay biểu đồ tần suất biểu thị tần số xuất hiện của các giá trị đại lượng cần khảo sát. Tần đồ là biểu đồ phân bố một tập số liệu giúp nhận thấy khuynh hướng và phân tán của tập số liệu. Khi có giới hạn dung sai cho phép, tần đồ giúp xác định tỷ lệ sản phẩm nằm ngoài dung sai.
Một hình ảnh tần đồ như ở hình sau:
Hình 5.2 Tần đồ
Tần đồ mô tả tổng quan về biến động của các dữ liệu, góp phần đưa ra những nhận xét hữu ích về quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Tần đồ giúp hiểu biến thiên quá trình, phân tích năng lực quá trình, theo dõi độ chính xác thiết bị, điều tra hiệu quả sản xuất, dự đoán chất lượng, phát hiện sai số đo đạc...
Khác với kiểm đồ là công cụ nhằm theo dõi một quá trình đang hoạt động theo thời gian mà ta sẽ khảo sát sau, tần đồ tổng hợp kết quả của quá trình đã ổn định tại một thời điểm.