Cảng Hà Nội là 1 cảng sông lớn bên bờ sông Hồng, nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội. Cảng ra đời những năm đầu thế kỉ 20, còn gọi là bến Phà Đen, do Pháp xây dựng để bốc xếp hàng hóa từ Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận bằng các phương tiện vận tải sông, việc bốc xếp hoàn toàn bằng thủ công. Năm 1942 Pháp đã xây dựng 1 cần cẩu Portique để bốc xếp than cho Cảng Hà Nội điện Yên Phụ. Trong những năm phục hồi kinh tế sau chiến tranh, Sở vận tải đã cho quy hoạch lại bến bãi, lập nên các đoàn bốc xếp tự quản... Sau đó do yêu cầu kiến thiết đất nước nên hàng hóa lương thực vật tư thiết bị
phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh tế của Thủ đô và các vùng lân cận ngày càng lớn vì vậy ngày 6/1/1965 Xí nghiệp Cảng Hà Nội được chính thức thành lập theo quyết định số 6254/QĐ - TCTD của UBHC Thành phố Hà Nội trực thuộc Sở GTVT Hà Nội. Khi đó tài sản của Cảng chỉ có 1 cẩu Portique, 1 cẩu “rùa”, 3 đường băng chuyền tải than, 2 cần cẩu ô tô K – 162 và 2 đầu kéo Zetor - 3011.
Năm 1967, để đáp ứng nhu cầu xây dựng CNXH ở miền Bắc, chi viện cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cảng Hà Nội cần thiết phải được tập trung đầu tư, nâng cấp. Vì vậy, Nhà nước chính thức chuyển giao Cảng Hà Nội sang bộ GTVT quản lý. Cơ cấu quản lý và điều hành trực tiếp là Cục đường sông. Giai đoạn từ 1968 đến 1978 là giai đoạn mà toàn bộ mọi hoạt động SXKD của Cảng theo chế độ mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên giao, hoạt động tài chính theo chế độ bù lỗ, nhiệm vụ chính trị là hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt, kho tàng nhà cửa bị phá hoại nhưng CBCNV vẫn kiên cường bám trụ “vừa sản xuất vừa chiến đấu” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Nhà nước giao cho. Vì vậy, Đảng và Chính phủ đã trao tặng Cảng phần thưởng cao quý “ Huân chương kháng chiến hạng 2”.
Từ năm 1991 trở đi là giai đoạn Cảng phải đương đầu với những khó khăn lớn nhất để ổn định và phát triển sản xuất, trong điều kiện xóa bỏ bảo cấp, nền kinh tế chuyển dần sang kinh tế thị trường có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thành phần kinh tế, nhất là tình hình chính trị trên thế giới có những biến đổi sâu sắc, hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu đặc biệt là Liên Xô, thành trì của XHCN bị tan rã. Toàn bộ hàng hóa viện trợ không còn, hàng hóa lương thực chiếm 1 tỉ trọng lớn trước đây nay cũng không còn tập trung về Cảng nữa... sản lượng chỉ còn bằng 50% năm 1988. Hàng trăm công nhân phải nghỉ do không có việc, thiết bị phương tiện hầu hết phải ngừng hoạt động. Đứng trước tình hình đó, với tinh thần quyết tâm, dám nghĩ dám làm, sáng tạo, tập thể CBCNV dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Giám đốc, Công đoàn đã từng bước tìm ra nhưng phương cách làm việc phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình như tìm mọi cách khai thác thêm nguồn hàng, mở rộng dịch vụ, liên doanh liên kết... để có đủ việc làm cho công nhân. Qua những năm đó nhìn lại thì thấy thắng lợi cũng nhiều mà thất bại cũng có. Qua đó Cảng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích cho giai đoạn những năm sau này để tự khẳng định vị trí của mình trên thương trường.
Năm 1993, Cảng Hà Nội được Nhà nước công nhận là 1 doanh nghiệp theo quyết định 388 của Chính phủ và từ đó đến nay Cảng Hà Nội liên tục phát triển xứng đáng là 1 đầu mối giao thông quan trọng phục vụ cho xây dựng và phát triển kinh tế của Thủ đô và
các tỉnh lân cận.
Trải qua hơn 35 năm xây dựng và phát triển, Cảng đã có trên 10.000 m2 kho chứa hàng, trong đó có ½ là kho mới, gần 10.000 m2 bãi chứa hàng và hệ thống đường giao thông bằng bê tông nối liền các khu vực với nhau, thuận tiện cho xe ra vào vận chuyển bốc xếp hàng kể cả đối với container...
Trong những năm gần đây Cảng đã có nhiều biện pháp cải tiến trong công tác tổ chức quản lý, sản xuất, tổ chức san lấp mở rộng bãi, xây thêm nhiều khu kho mới chất lượng cao. Cảng đã giải quyết đủ việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động và hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước.