Chẩn đoán loạn thần do sử dụng ATS theo ICD-10

Một phần của tài liệu đặc điểm lâm sàng rối loạn loạn thần do sử dụng các chất dạng amphetamin (Trang 31 - 37)

Một nhóm các hiện tượng loạn thần xuất hiện trong khi hoặc ngay sau khi sử dụng ATS và nét đặc trưng là những ảo giác sinh động (ảo thanh), các hoang tưởng (thường mang tính chất paranoid hoặc truy hại), rối loạn tâm thần vận động (kích động hoặc sững sờ), và cảm xúc bất thường đi từ sợ hãi mãnh liệt đến ngơ ngác. Rối loạn này nếu điển hình sẽ tan đi, ít nhất một phần, trong vòng một tháng và tan hoàn toàn trong vòng 6 tháng.

Nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán[23]

Một trạng thái loạn thần xuất hiện trong khi hoặc ngay sau khi sử dụng ATS (thường trong vòng 48 giờ).

Trạng thái loạn thần do ATS liên quan chặt chẽ với liều lượng cao và/hoặc với sử dụng kéo dài.

F16.51 Rối loạn loạn thần do ATS, hoang tưởng chiếm ưu thế F16.52 Rối loạn loạn thần do ATS, ảo giác chiếm ưu thế F16.53 Rối loạn loạn thần do ATS, chủ yếu đa dạng

F16.54 Rối loạn loạn thần do ATS, trầm cảm chiếm ưu thế F16.55 Rối loạn loạn thần do ATS, hưng cảm chiếm ưu thế F16.56 Rối loạn loạn thần do ATS, trạng thái hỗn hợp

1.4.3. Đặc điểm lâm sàng chung của loạn thần do sử dụng ATS

Trong khi rất khó xác định được những yếu tố không thay đổi gắn liền với loạn thần do sử dụng ATS, thì những yếu tố quyết định tần suất của loạn thần hay các đặc điểm triệu chứng của loạn thần do sử dụng ATS lại khá thống nhất [22]. Rất nhiều các nghiên cứu được tiến hành tại Nhật Bản (Akiyama 2006), Đài Loan (Chen cùng cộng sự 2003), Australia (McKetin cùng cộng sự 2006), Thái Lan (Srisurapanotn cùng cộng sự 2003). Loạn thần do sử dụng ATS được mô tả khá thống nhất về triệu chứng tần suất ảo thanh và hoang tưởng. Các triệu chứng phổ biến là hoang tưởng liên hệ, ảo thị và rối loạn nội dung tư duy (Chen cùng cộng sự 2003; Srisurapanotn cùng cộng sự 2003; Akiyama 2006). Ujike và Sato cho rằng loạn thần do sử dụng ATS đã có mầm mống trong giai đoạn ảnh hưởng ban đầu như kích thích, nâng cao khả năng tập trung, tiếp theo là tiền loạn thần (prepsychosis) với hoang tưởng và sau đó có thể tiến triển thành tâm thần thực sự với ảo giác và hoang tưởng liên hệ (Ujike và Sato 2004). Kết quả một nghiên cứu trên 149 người sử dụng ATS cho thấy thời gian tiềm ẩn trung bình từ lần sử dụng ATS đầu tiên cho tới khi xuất hiện loạn thần là 5,2 năm (Ujike và Sato 2004), trong khi ở một nghiên cứu khác so sánh người dùng ATS dạng hút với dùng ATS dạng tiêm chích đã tìm ra thời gian mắc loạn thần với người hút là 1,7 năm và với người sử dụng dạng tiêm chích là 4,4 năm (Matsumoto và cộng sự 2002). Mức độ loạn thần liên quan tới tần suất sử dụng ATS và tần suất tiêm chích ATS

(Zwebe cùng cộng sự. 2004), cũng như mức độ thèm nhớ ATS (Nakama và cộng sự. 2008)[29].

Các đặc điểm chính của rối loạn loạn thần là hoang tưởng bị hại, hoang tưởng liên hệ, ảo thanh và ảo thị (Ellinwood, 1967). Loạn thần ATS rất giống với tâm thần phân liệt paranoid (Davis Schlemmer, 1980; Baker và Dawe, 2005). Loạn thần ATS tiến triển từng đợt cũng là diễn biến lâm sàng giống với tâm thần phân liệt (Tomiyama, 1990). Các rối loạn này không thể phân biệt rạch ròi với nhau (Connll, 1958). Chẩn đoán xác đinh loạn thần ATS dựa vào thông tin Đối tượng nghiên cứu hoặc gia đình cung cấp về việc sử dụng ATS. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp tính, thông tin này có thể không có.

Hầu hết các nghiên cứu đều thừa nhận sự xuất hiện các ảo giác. Một số nghiên cứu cho thấy ảo thanh thường gặp hơn so với ảo thị (Bell, 1965, Sato, Chen, Akiyama & Otsuki, năm 1983, Chen, Lin, Sham et.al. 2003). Các loại ảo giác gồm có ảo khứu (Griffith, Cavanaugh & Oates, 1970) và ảo giác xúc giác (Davis & Schlemmer, năm 1980, Chen, Lin, Sham et.al. 2003). Ngoài ảo giác, các triệu chứng khác đã được mô tả bao gồm cảm xúc cùn mòn (Bell, 1965), rối loạn tư duy (Bell, 1965; Sato và cộng sự, 1983.), hành vi bạo lực (Fukoshima năm 1994; Wingers, Woods & Hofmann, 2004), và hành vi tự hủy hoại (Ratofil, Baberg & Dimsdale, 1996). Một nghiên cứu báo cáo tỉ lệ mẫu các rối loạn tâm thần ở những người sử dụng ATS thường xuyên đã phát hiện trầm cảm chiếm 51-92%, lo âu 60-76%, ảo giác 28-67%, hoang tưởng 33-78%, khí sắc không ổn định 44-80%, bạo lực 17-72%, kích động hoảng sợ 9-35%, ý tưởng tự sát 13-47% (Kaamieniecki và cộng sự, 1998). Các triệu chứng đã được công bố trong các nghiên cứu rối loạn tâm thần do ATS bao gồm hoang tưởng bị truy hại chiếm 77%, ảo giác thính giác 45%, người bệnh có niềm tin xa lạ hay khác thường hoặc tư duy bị bộc lộ cũng phổ biến [26]. Các triệu chứng âm tính bao gồm tư duy nghèo nàn, ngôn ngữ rời rạc, và

cảm xúc phẳng lặng cũng thấy trong các rối loạn tâm thần do ATS, mặc dù đã thoát khỏi trạng thái nhiễm độc do “say” thuốc (Srisurapanont 2003) [26], [27].

Triệu chứng rối loạn tâm thần có thể rất nặng. Một số rối loạn tâm thần có thể xảy ra trong giai đoạn nhiễm độc hoặc trong quá trình ngừng sử dụng ATS. ATS làm hưng phấn cảm xúc, nhưng chính ATS cũng có thể gây ra suy sụp tinh thần. Vì thế, hậu quả có thể rất khó lường (Spotts & Spotts, 1980). Trầm cảm rất thường gặp (Domier, Simon, Rawson, Huber và Ling, 2000), ngoài ra còn có mất ngủ, lo âu cấp, rối loạn hoảng sợ (Williamson, Gossop, Powis, Griffiths, Fountain & Strang, (1997), và rối loạn nhân cách (Vincent, Shoobridge, Ask, Allsop & Ali, năm 1998; Wingers, Woods & Hofmann, 2004).

Diễn biến hành vi lặp lại là một khía cạnh đáng chú ý của loạn thần do sử dụng ATS (King & Ellinwood, 1992). Người sử dụng ATS hay có hành vi thu thập và tháo rời thiết bị radio, ô tô và các thiết bị thông thường khác. Những người đó nhận thức được rõ rằng hoạt động của họ là vô nghĩa nhưng không thể dừng lại được.

Ngừng hoặc giảm sử dụng ATS sẽ cải thiện các triệu chứng bệnh tâm thần. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt giữa loạn thần do sử dụng ATS với các bệnh loạn thần khác. Rối loạn tâm thần do ATS phân biệt với bệnh tâm thần phân liệt, ngoài việc dựa vào sự thuyên giảm triệu chứng nhanh chóng sau khi ngừng sử dụng ATS, bệnh tâm thần phân liệt còn có giảm thích thú cũ, thiếu động cơ hoạt động, ngại giao tiếp, thu rút quan hệ, hoặc cảm xúc cùn mòn (Larson, 2008).

Sử dụng ATS tuy đã qua được giai đoạn giải độc (cai) vẫn còn nguy cơ tái phát. Tái sử dụng ATS chỉ với một liều rất nhỏ cũng đủ để kích hoạt tái phát các rối loạn tâm thần. Đặc biệt khi ATS sử dụng đồng thời với rượu và nhiều loại ma túy khác, có thể dẫn đến kích động hung dữ, ảnh hưởng đến

việc thực thi pháp luật, tăng nhu cầu điều trị tại các dịch vụ sức khỏe tâm thần [7], [8].

1.4.4. Loạn thần trong trạng thái say (nhiễm độc) ATS

Tình trạng say ATS liên quan đến tác dụng của ATS trên các cathecholamin ở não [25]. Mức độ say ATS liên quan đến đường dùng và liều dùng. Đường tiêm tĩnh mạch gây ra tình trạng say nặng nề nhất do nồng độ ATS nhanh chóng đạt mức cao trong máu [15].

Người bệnh có hội chứng hưng cảm với các triệu chứng: nói nhiều, tự cao, tăng hoạt động, lo âu, đa nghi và kích động. Người bệnh tăng ham muốn tình dục, tăng nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh mạnh. Các triệu chứng này xuất hiện chỉ vài phút sau tiêm tĩnh mạch và chậm hơn nếu bệnh dùng ATS theo đường uống hoặc hít.

Khi sử dụng liều cao, người bệnh sẽ có các triệu chứng loạn thần như hoang tưởng và ảo giác. Hoang tưởng do say ATS thường là hoang tưởng tự cao và hoang tưởng bị hại. Người bệnh tự cho mình là người có nhiều tài năng hoặc có thể cho rằng có người đang tìm cách hại mình.

Ảo giác do say ATS có thể là ảo thị, ảo thanh và ảo giác xúc giác. Ảo thị thường là nhìn thấy các hình ảnh không có thật như thấy ma quỷ, các động vật nhỏ hoặc có thể là các hình ảnh đẹp, hấp dẫn khiến người bệnh thích thú, say mê. Ảo thanh thường là ảo thanh thật, Đối tượng nghiên cứu nghe thấy các giọng nói từ ngoài môi trường vọng vào đầu, tiếng nói nghe được rất rõ ràng, có thể phân biệt được giọng nam hay nữ, người quen hay lạ. Nội dung ảo thanh có thể là những lời nói khen ngợi hoặc chê bai về hành vi của người bệnh, đôi khi là giọng nói ra lện cho người bệnh phải làm một viêc gì đó (nhảy múa, đập phá, đánh người…). Ảo giác xúc giác ít gặp hơn, người bệnh có cảm giác như có côn trùng bò trên da, ngứa ngáy. Ảo giác xúc giác cũng là ảo giác thật, do đó người bệnh gãi rất nhiều gây trầy xước hoặc dùng vật dụng để

rạch da gây thương tích chảy máu, thường để lại nhiều vết sẹo, vết thâm rải rác toàn thân [12].

Các triệu chứng loạn thần ở người bệnh say ATS có thể rất phong phú, đa dạng giống bệnh tâm thần phân liệt hoặc trạng thái loạn thần cấp. Tuy nhiên, các triệu chứng loạn thần chỉ tồn tại trong trạng thái say ATS, khi tình trạng say ATS hết thì hoang tưởng và ảo giác cũng hết theo. Ở những người nghiện ATS, các triệu chứng loạn thần có thể kéo dài nhiều tháng, kể cả khi người bệnh đã ngừng sử dụng ATS [18].

Chẩn đoán trạng thái nhiễm độc do sử dụng ATS ((ICD-10, tiêu chuẩn chẩn đoán dành cho nghiên cứu) [23]:

A. Các tiêu chuẩn chung của nhiễm độc cấp phải được đáp ứng.

B. Phải có rối loạn hành vi chức năng hoặc rối loạn tri giác, được minh chứng bởi ít nhất một trong các triệu chứng sau:

1. Khoái cảm và cảm giác nhiều năng lượng. 2. Tăng độ cảnh tỉnh.

3. Hành vi hoặc niềm tin phóng đại. 4. Lăng mạ hoặc tấn công người khác. 5. Hay lý sự.

6. Khí sắc không ổn định.

7. Hành vi định hình lặp đi lặp lại.

8. Ảo thị, ảo thính hoặc ảo giác xúc giác.

9. Ảo giác, thường định hướng không bị ảnh hưởng. 10.Ý tưởng Paranoid.

11.Rối loạn hoạt động chức năng cá nhân.

C. Ít nhất có 2 trong số các triệu chứng sau phải có mặt: 1. Nhịp tim nhanh (đôi khi nhịp tim lại chậm). 2. Rối loạn nhịp tim.

3. Tăng huyết áp (đôi khi hạ huyết áp). 4. Vã mồ hôi và ớn lạnh.

5. Buồn nôn hoặc nôn.

6. Có bằng chứng của sự sụt cân. 7. Giãn đồng tử.

8. Kích thích tâm thần vận động. 9. Yếu cơ.

11.Co giật.

Rối loạn hoạt động chức năng cá nhân thường biểu hiện rõ nhất qua các tương tác xã hội ở những người sử dụng chất, thay đổi từ sự thích giao du đến việc cách ly xã hội.

Một phần của tài liệu đặc điểm lâm sàng rối loạn loạn thần do sử dụng các chất dạng amphetamin (Trang 31 - 37)