1. Điều kiện tự nhiên.
1.1. Vị trí địa lý:
Huyện Yên Dũng nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Giang, có vị trí địa lý như sau:
- Phía Đông giáp tỉnh Hải Dương qua sông Thương; - Phía Đông Bắc giáp huyện Lục Nam;
- Phía Tây giáp huyện Việt Yên;
- Phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh qua sông Cầu;
- Phía Bắc giáp huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang.
Huyện Yên Dũng nằm liền kề với khu tam giác kinh tế phía Bắc và gần một số trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên; trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng.
1.2. Địa hình, địa mạo:
Địa hình của huyện Yên Dũng chia thành 02 vùng rõ rệt: Vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Phần lãnh thổ có địa hình phức tạp nhất là dãy núi Nham Biền chạy cắt ngang địa bàn huyện, qua các xã Nội Hòang, Yên Lư, Tiền Phong, Nham Sơn, Đồng Sơn, Tân Liễu, Cảnh Thuỵ, Tiến Dũng và thị trấn Neo. Đỉnh cao nhất của dãy Nham Biền có độ cao là 254 m so với mặt nước biển.
Phần lớn diện tích canh tác của huyện Yên Dũng nằm ở mức địa hình vàn, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là gieo trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Với địa hình đa dạng đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện có thể phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị sản phẩm cao. Tuy vậy địa
hình cũng ảnh hưởng nhiều đến việc sử dụng đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất xây dựng các công trình ở những khu vực có độ dốc lớn.
1.3. Khí hậu:
Yên Dũng nằm trong vùng chịu khí hậu nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9 khí hậu thường nóng, ẩm, mưa nhiều. Mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Khí hậu thường khô hanh có kèm theo mưa phùn làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Nhiệt độ trung bình hàng năm của huyện là 23,30C, nhiệt độ trung bình
tháng cao nhất là 28,8oC (tháng 7), nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là
16,40C (tháng 1). Biên độ dao động nhiệt giữa tháng cao nhất và tháng thấp
nhất là 12,00C. Nhiệt độ cao tuyệt đối ghi nhận được ở vùng này là 41,20C,
nhiệt độ thấp tuyệt đối là 3,30C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1553
mm, năm cao nhất đạt tới 2358 mm. Mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 6,7,8,9 là nguyên nhân gây ra ngập lụt. Tháng 8 có lượng mưa trung bình cao nhất tới 297 mm, cá biệt có năm lên tới 756 mm, tháng 12 có lượng mưa thấp nhất (16 mm). Cá biệt có những năm vào tháng 11, 12 hòan toàn không mưa. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 82%, cao nhất là 85%, thấp nhất là 77%. Số giờ nắng trung bình hàng năm là 1.722 giờ, thuộc loại tương đối cao, thích hợp để canh tác 3 vụ trong năm.
Với đặc điểm khí hậu như trên, cho phép trên địa bàn huyện có thể phát triển nền nông nghiệp đa dạng với các cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, tuy nhiên cần lựa chọn hệ thống cây trồng hợp lý để tránh tình trạng úng ngập trong mùa mưa ở các vùng trũng ven sông và tình trạng khô hạn trong mùa khô ở vùng đồi núi.
1.4. Thuỷ văn:
Huyện Yên Dũng được bao bọc bởi 3 con sông: Sông Cầu chạy dọc ranh giới giữa huyện Yên Dũng và huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, với tổng chiều dài 25 km. Sông Thương chạy cắt ngang lãnh thổ huyện theo chiều từ Tây Bắc xuống Đông Nam có chiều dài 34 km. Sông Lục Nam chạy dọc ranh giới của huyện Yên Dũng với huyện Lục Nam, có chiều dài 6,7 km.
Cả 3 dòng sông này đều thuộc hệ thống Lục Đầu Giang, hợp lưu với nhau ở phần ranh giới phía Đông của huyện. Đây là nguồn cung cấp nước
chính cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời cũng là hệ thống tiêu thoát nước của phần lớn các xã, thị trấn trong huyện.
Chế độ thủy văn của các con sông phụ thuộc chủ yếu vào chế độ mưa và khả năng điều tiết của lưu vực. Mùa lũ thường từ tháng 6 đến tháng 9 (chậm hơn so với thời gian mùa mưa 1 tháng. Lượng nước trên các sông trong mùa lũ thường chiếm khoảng 75 - 85% tổng lượng dòng chảy trong năm, tuy nhiên phân bố không đều giữa các tháng, lưu lượng lớn nhất thường xuất hiện vào tháng 7. Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng nước trên sông chỉ chiếm 15 - 25% tổng lượng nước trong năm, tháng có lưu lượng nhỏ nhất trong năm thường xảy ra vào các tháng 1, 2, 3 và tùy từng sông.
Nhìn chung các sông chảy qua địa bàn huyện đều có hàm lượng phù sa lớn bồi đắp nên những vùng đất phù sa màu mỡ dọc 2 bên sông. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có hệ thống các hồ, đầm đóng vai trò điều hòa dòng chảy, cung cấp nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
2. Các nguồn tài nguyên.
2.1. Tài nguyên đất:
Đất đai huyện Yên Dũng được chia thành các nhóm đất chính sau:
- Đất phù sa được hình thành do sự bồi lắng của sông, suối, có diện tích khoảng 1.665,18 ha, chiếm tỷ lệ trên 8,00% tổng diện tích, phân bố chủ yếu thuộc các xã Trí Yên, Lãng Sơn, Thắng Cương và đất ngoài đê của một số xã khác.
- Đất phù sa ít được bồi và không được bồi hàng năm. Đây là loại đất chủ yếu của huyện, phân bố ở tất cả các xã, thị trấn.
- Đất bạc màu phân bố rải rác ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. - Đất Feralitic biến đổi do trồng lúa phân bố ở các xã Nội Hoàng, Yên Lư, Nham Sơn, Trí Yên.
- Đất Feralitic nâu vàng, vàng nâu, vàng đỏ phân bố ở các xã Tân An, Quỳnh Sơn, Xuân Phú, Tiền Phong, Yên Lư, Nham Sơn, Tân Liễu.
- Đất Feralitic xói mòn mạnh trơ sỏi đá phân bố chủ yếu ở vùng gò đồi và núi sót, được hình thành do quá trình rửa trôi, xói mòn do dòng chảy bề mặt.
Nhìn chung, đất đai của huyện Yên Dũng có hàm lượng dinh dưỡng từ trung bình đến nghèo, đất thích hợp để trồng nhiều loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai lang, các loại rau, đậu đỗ, lạc và trồng một số loại cây ăn quả như nhãn, vải, táo, cam, quýt...
2.2. Tài nguyên nước:
- Nguồn nước mặt: Sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam là nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho sản xuất của huyện, tổng chiều dài trên phần lãnh thổ huyện Yên Dũng là 65,7 km, trữ lượng nước rất dồi dào. Ngoài ra, toàn huyện còn có 762 ha ao, hồ, đầm các loại với trữ lượng nước khá lớn, phục vụ trực tiếp cho các nhu cầu sản xuất tại chỗ.
- Nguồn nước ngầm: Hiện tại chưa có đủ tài liệu điều tra khảo sát về trữ lượng nước ngầm trên toàn huyện, nhưng theo kết quả khảo sát sơ bộ thì mực nước ngầm ở vào khoảng 15-25 m, chất lượng khá tốt, có thể khai thác để sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất.
2.3. Tài nguyên rừng:
Huyện Yên Dũng có 1.753,72 ha rừng sản xuất và 276,76 ha rừng phòng hộ. Rừng Yên Dũng sau nhiều năm khai thác trữ lượng rừng không còn nhiều, rừng chủ yếu là rừng mới trồng theo chương trình 327 của Chính Phủ. Diện tích đất trống có thể phát triển trồng rừng còn ít. Do vậy cần có những biện pháp bảo vệ và chăm sóc nguồn tài nguyên rừng hiện có khai thác hiệu quả, hợp lý, đảm bảo môi trường bền vững.
2.4. Tài nguyên khoáng sản:
Dọc theo sông Cầu và sông Thương có khoáng sét chất lượng khá tốt là nguyên liệu sản xuất gạch ngói. Nhờ vậy mà ở các xã ven bờ hai con sông này nghề sản xuất vật liệu xây dựng rất phát triển, tiêu biểu nhất là xã Yên Lư. Ngoài khoáng sét, huyện Yên Dũng hầu như không có loại khoáng sản nào có giá trị và trữ lượng khai thác công nghiệp.
Yên Dũng nằm trong vùng thuộc nền văn minh lúa nước, tập quán sản xuất nông nghiệp có từ lâu đời. Nhân dân có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người con của quê hương Yên Dũng đã anh dũng lên đường chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Toàn huyện có 49 điểm di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng trong đó nổi tiếng nhất là chùa Đức La thuộc xã Trí Yên (còn gọi là chùa Vĩnh Nghiêm), được xây dựng từ thời Lý, là nơi vua Trần Nhân Tông xuất gia, thống nhất các dòng đạo Phật giáo Việt Nam và trở thành tổ của dòng thiền Trúc Lâm, được rất nhiều du khách tham quan, lễ viếng.
Huyện Yên Dũng có cảnh quan thiên nhiên tương đối đa dạng. Dãy núi Nham Biền là một dãy núi thấp nằm giữa vùng đồng bằng có sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam bao bọc. Trong tương lai có thể trở thành vùng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, thu hút nhiều khách du lịch.
3. Thực trạng môi trường.
Thực hiện Nghị quyết TW7 (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Đảng bộ huyện Yên Dũng đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên cả ba lĩnh vực: Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN. Môi trường ở nông thôn được bảo vệ, nhiều làng được công nhận làng văn hóa "xanh, sạch đẹp".
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, hiện nay tại một số xã trên trên địa bàn huyện Yên Dũng đã và đang có rất nhiều nhà máy sản xuất, những khu công nghiệp lớn như cụm công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, Cụm công nghiệp thị trấn Neo, …. Với những đầu tư lớn từ các khu, cụm công nghiệp này đã góp phần cải thiện đời sống, môi trường cảnh quan của huyện, nhưng mặt trái là gây lên ô nhiễm môi trường. Việc xử lý nguồn nước thải, bụi và khí thải chưa tốt đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh những khu vực này. Đặc biệt một số nơi ô nhiễm còn gây ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, làm thiệt hại về hoa màu cùng với một số loại cây ăn quả là nguồn thu chủ yếu của người dân nơi đây.
Hiện nay đánh giá theo tiêu chuẩn TCVN 5942-1995, loại A thì nước tại lưu vực Sông Cầu (sông Cầu chảy qua các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang và Bắc Ninh) hầu như đang bị ô nhiễm.
Nguyên nhân chính là do một số tỉnh nằm phía thượng lưu, trung lưu của sông Cầu có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp nhất là công nghiệp khai khóang, cán thép, rửa quặng…. đã thải ra môi trường một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng hiệu quả chưa cao. Mặt khác, ngoài các cây lương thực truyền thống, địa phương còn chú trọng đến phát triển các loại cây được coi là thế mạnh của vùng. Để tăng năng suất cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã được sử dụng ngày càng nhiều. Người dân sử dụng thuốc từ 3 – 5 lần trong một vụ lúa hoặc màu, lượng dư thừa hầu như không có hướng xử lý đã được thải ra môi trường…. Sự ô nhiễm này không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước cấp và hệ sinh thái trên các lưu vực….
Tất cả những vấn đề về môi trường trên cần phải được giải quyết tốt trong giai đoạn tiếp theo để đưa huyện Yên Dũng đạt được hiệu quả cao cả về kinh tế và môi trường.