LÝ THUYẾT VỀ YÊU CẦU BẢO HỘ

Một phần của tài liệu Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký sáng chế (Trang 69 - 70)

V. SOẠN THẢO YÊU CẦU BẢO HỘ

A. LÝ THUYẾT VỀ YÊU CẦU BẢO HỘ

Yêu cầu bảo hộ tạo ra ranh giới bảo hộ của sáng chế, trên thực tế cũng giống như một hàng rào đánh dấu các giới hạn của một lô đất. Do vậy, yêu cầu bảo hộ là sự thể hiện về ý tưởng sáng tạo của tác giả sáng chế. Yêu cầu bảo hộ xác định phạm vi bảo hộ của sáng chế. Các hệ thống pháp luật trên thế giới có thể áp dụng các học thuyết pháp lý khác nhau để giải thích yêu cầu bảo hộ nhưng trong lý thuyết phổ biến nhất thì yêu cầu bảo hộ xác định giới hạn bên ngoài của việc bảo hộ sáng chế. Yêu cầu bảo hộ phải rõ ràng và chính xác để công bố với thế giới về nội dung người nộp đơn yêu cầu bảo hộ cho sáng chế của mình.

Đại diện sáng chế cần hiểu được sự khác nhau giữa ba yếu tố pháp lý liên quan đến sáng chế là sáng chế, phương án thực hiện sáng chế và yêu cầu bảo hộ. “Sáng chế” là một sản phẩm tinh thần trong tâm trí của tác giả sáng chế và không có hình dạng cụ thể. “Phương án thực hiện” của sáng chế là hình dạng cụ thể của sáng chế trong thế giới thực. “Yêu cầu bảo hộ” ít nhất phải bảo hộ “phương án thực hiện sáng chế” - nhưng yêu cầu bảo hộ tốt nhất sẽ bảo hộ “sáng chế” sao cho không một phương án vật chất nào của sáng chế có thể được thực hiện, sử dụng hoặc bán bởi bất kỳ người nào mà không xâm phạm độc quyền của sáng chế.

Giả sử rằng tác giả đã sáng chế ra chiếc cốc đầu tiên có quai. Người đó thể hiện sáng chế của mình dưới dạng một cái cốc có quai bằng đất sét đỏ. Đại diện sáng chế chỉ đơn giản yêu cầu bảo hộ theo phương án thực hiện là chiếc cốc có quai bằng đất sét đỏ nên người khác vẫn có thể làm những chiếc cốc khác mà không xâm phạm độc quyền sáng chế, như chiếc cốc có quai làm bằng nhựa. Nếu đại diện sáng chế hiểu được sáng chế, người đó sẽ yêu cầu bảo hộ chiếc cốc có quai theo yêu cầu bảo hộ rộng nhất, và do đó điểm yêu cầu bảo hộ chiếc cốc có quai làm bằng đất sét đỏ là một điểm yêu cầu bảo hộ hẹp hơn. Khái niệm về yêu cầu bảo hộ rộng và hẹp sẽ có ở các trang tiếp sau.

Ban đầu, đơn sáng chế không có yêu cầu bảo hộ và phạm vi độc quyền của sáng chế được xác định theo thủ tục tư pháp khi có vụ kiện xâm phạm quyền đối với sáng chế bằng việc xem xét bản mô tả sáng chế được nộp. Không ngạc nhiên khi quá trình này lâm vào bế tắc và yêu cầu bảo hộ được hình thành như một phương tiện để xác định ranh giới của sáng chế. Ngoài ra, trong hệ thống thẩm định nội dung sáng chế, yêu cầu bảo hộ sẽ được thẩm định viên sáng chế xem xét – điều mà sẽ giúp tòa án và công chúng yên tâm rằng yêu cầu bảo hộ của sáng chế thường sẽ không vượt quá phạm vi bảo hộ tối đa mà tác giả sáng chế nên nhận được. Do vậy, ban đầu yêu cầu bảo hộ được tạo ra nhằm giải thích về đối tượng mà tác giả cho rằng đã sáng chế ra và nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của mình. Ngày nay, yêu cầu bảo hộ xác định phạm vi độc quyền trao cho sáng chế và là điểm mấu chốt của sáng chế. Trên thực tế, yêu cầu bảo hộ thường là phần đầu tiên của đơn được thẩm định viên hoặc bất kỳ người nào xem xét kỹ lưỡng khi nghiên cứu về đơn.

Nếu nhiệm vụ của thẩm định viên sáng chế thường là ngăn chặn yêu cầu bảo hộ sáng chế vượt quá phạm vi của sáng chế (phạm vi rộng nhất của điểm yêu cầu bảo hộ) thì ai có nhiệm vụ bảo đảm rằng yêu cầu bảo hộ có được phạm vi bảo hộ rộng nhất? Câu trả lời là: đại diện sáng chế. Không ngạc nhiên khi chiến lược bảo hộ sáng chế là một nhiệm vụ phức tạp (sẽ được đề cập chi tiết ở Chương VII). Tuy nhiên, câu trả lời nói chung là đại diện sáng chế sẽ cố gắng có được một tập hợp các yêu cầu bảo hộ rộng nhất đề cập đến các khía cạnh khác nhau của sáng chế ở các cấp độ khác nhau. Có thể đại diện sáng chế không muốn tất cả điểm yêu cầu bảo hộ đều có phạm vi bảo hộ tối đa vì các vụ kiện sau này có thể đưa ra lập luận về tính không hợp lệ mà thẩm định viên sáng chế chưa dự định được. Do đó, đại diện sáng chế phải soạn thảo yêu cầu bảo hộ có phạm vi hẹp hơn trong trường hợp điểm yêu cầu bảo hộ rộng nhất không được chấp nhận. Một tập hợp yêu cầu bảo hộ

hẹp thường giữ được tính hợp lệ trong các vụ tranh chấp, nhưng vẫn sẽ “đủ rộng” để chứng minh hành vi xâm phạm độc quyền sáng chế của người xâm phạm.

Như được đề cập trong Tài liệu này, bản mô tả sáng chế có trong đơn phải minh họa cho yêu cầu bảo hộ. Do đó, khi yêu cầu bảo hộ và bản mô tả sáng chế được soạn thảo xong thì đại diện sáng chế phải đọc lại để bảo đảm rằng từng điểm yêu cầu bảo hộ đã được mô tả đầy đủ trong bản mô tả sáng chế. Việc lựa chọn từ ngữ và thuật ngữ dùng ở yêu cầu bảo hộ phải thống nhất với bản mô tả sáng chế để bảo đảm tính thống nhất của bản mô tả sáng chế và yêu cầu bảo hộ và sự nhất quán của các thuật ngữ trong cả hai nội dung này. Nếu yêu cầu bảo hộ không được minh họa trong bản mô tả sáng chế thì có thể dễ dàng bị coi là thiếu tính thuyết phục. Ví dụ, nếu đại diện sáng chế đưa ra yêu cầu bảo hộ cho một chiếc bàn làm bằng kính có bốn chân thì phải mô tả về chiếc bàn đó trong bản mô tả sáng chế.

Yêu cầu bảo hộ của sáng chế có thể được sửa trong quá trình thẩm định đơn. Một số quốc gia giới hạn mức độ sửa, hủy bỏ và/hoặc thay thế yêu cầu bảo hộ. Tuy nhiên, đại diện sáng chế thường linh hoạt trong việc điều chỉnh yêu cầu bảo hộ có trong đơn đã được nộp để vượt qua giải pháp kỹ thuật đã biết hoặc đáp ứng các yêu cầu pháp lý khác. Tương tự, đôi khi thực tế có thể làm cho khách hàng và/hoặc đại diện sáng chế nhận ra rằng yêu cầu bảo hộ đã được nộp ban đầu có thể được diễn đạt một cách rộng hơn. Do đó, đại diện sáng chế có thể sửa yêu cầu bảo hộ đó để làm cho chúng có phạm vi rộng hơn.

Hệ thống pháp luật của các nước có thể có quy định khác nhau về dạng của và việc giải thích về yêu cầu bảo hộ của sáng chế. Lý thuyết về một yêu cầu bảo hộ tốt về cơ bản là giống nhau trên toàn thế giới. Ví dụ, các ý kiến dưới đây có trong Hướng dẫn xây dựng yêu cầu bảo hộ của EPO: Đơn có thể có “một hoặc nhiều điểm yêu cầu bảo hộ”. Điểm yêu cầu bảo hộ phải:

i. “xác định được đối tượng yêu cầu bảo hộ”; ii. “rõ ràng và cô đọng”; và

iii. “được minh họa trong bản mô tả sáng chế”.

Do phạm vi bảo hộ của sáng chế sẽ được xác định bởi các thuật ngữ dùng trong yêu cầu bảo hộ (và được minh họa trong bản mô tả và trên hình vẽ) nên sự rõ ràng của yêu cầu bảo hộ là điều cực kỳ quan trọng.

EPO khuyến nghị yêu cầu bảo hộ nên được soạn thảo theo các “dấu hiệu kỹ thuật của sáng chế”. Khuyến nghị có nghĩa là yêu cầu bảo hộ không nên chứa các thông tin liên quan đến, ví dụ, lợi thế thương mại hoặc các vấn đề phi kỹ thuật khác, mặc dù các thông tin đó là được phép và hữu ích khi xác định sáng chế. Đây là lời khuyên hữu ích cho những người soạn thảo yêu cầu bảo hộ ở bất kỳ hệ thống pháp luật nào.

Một phần của tài liệu Hướng dẫn soạn thảo đơn đăng ký sáng chế (Trang 69 - 70)